Không phải đêm nhạc nào cũng cháy vé, nhưng “chợ đen” luôn được mở trước cửa nhà hát. Đối phó với phe vé vẫn là bài toán khó đối với nghệ sĩ và giới tổ chức.
Chen lấn, xô đẩy, bật khóc, nhưng nhiều cổ động viên vẫn không mua được vé AFF Cup 2018 trong ngày mở bán cuối tuần vừa qua. “Chợ đen” ngay lập tức được dân phe “mở”, và giá vé bị đẩy cao gấp 2, 3, 5, thậm chí 10 lần giá gốc.
Báo Thái Lan gọi việc chen chúc mua vé AFF là “điên rồ”, nhưng thực tế, cảnh tượng này khá phổ biến ở Việt Nam, nhất là với những trận bóng quan trọng của đội tuyển quốc gia.
Và đáng nói là phe vé thậm chí đã trở thành một “nghề” trong xã hội. Không ít dân phe chuyên nghiệp, hoạt động như một tổ chức kinh doanh. Nôm na là ở đâu có người cần mua vé, ở đó có dân phe.
Đại diện Vũ Cát Tường cho biết live show ngày 10/11 của giọng ca Yêu xa, tiền bán vé thu về được khoảng 1 tỷ.
Không chỉ trong bóng đá, trong lĩnh vực âm nhạc, dân phe cũng hoạt động tương đối tung hoành, thậm chí quen mặt với khán giả, và cả giới tổ chức. Ở Hà Nội, gần như đêm nhạc nào được tổ chức ở không gian nhà hát cũng có phe vé.
*Các đêm nhạc phát hành vé ra sao?
Ở Việt Nam, chương trình ca nhạc tương đối đa dạng về hình thái, nhưng live show là sôi động hơn cả, với hai dạng chính: live show riêng của ca sĩ/nhạc sĩ và đêm nhạc theo chủ đề với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ.
Ngoài những chương trình thương mại hoặc miễn phí, về cơ bản live show là thể loại bán vé. Trong đó, mỗi nghệ sĩ hoặc đơn vị tổ chức lại chọn cách phát hành vé khác nhau nhằm tiếp cận khán giả của mình một cách tốt nhất.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện của Vũ Cát Tường cho biết trước live concert Stardom vừa diễn ra vào tối 10/11 hay live show V-music vào năm ngoái, phía ca sĩ đều thuê một bên bán vé online chuyên nghiệp, thay vì trực tiếp bán vé.
“Thực ra, nếu tự bán vé, mình ăn được cả, không mất chi phí cho bên thứ 3. Thế nhưng, tự bán quả thực rất mệt. Thêm nữa, thuê bên chuyên nghiệp bán online, họ cũng rất minh bạch, mình có thể mở ra để xem hệ thống đã bán được bao nhiêu. Qua đó, chúng tôi sẽ quyết định có tiếp tục đẩy mạnh PR, livestream kêu gọi mua vé hay không. Sự tham gia của bên thứ 3 là rất tiện lợi”, đại diện giọng ca Vết mưa cho hay.
Ngoài Vũ Cát Tường, gần đây có tour diễn Thời gian của Mỹ Linh cũng thuê một bên chuyên nghiệp bán vé.
Dù được một vài nghệ sĩ lựa chọn vì có sự thuận tiện nhất định, nhưng thực tế việc thuê một bên chuyên bán vé, đóng vai trò cầu nối giữa đơn vị tổ chức và khán giả hiện chưa thực sự phổ biến trên thị trường.
Phần đông đơn vị sản xuất chương trình ca nhạc vẫn kiêm luôn vai trò bán vé. Bà Huyền Trang – đại diện đơn vị sản xuất các live show như Diva Việt Nam, Mỹ Tâm – Hãy về với nhau, Tình khúc cho em, Bằng Kiều – Trái tim không ngủ yên,… cho biết họ chọn cách tự bán vé, thay vì bỏ chi phí thuê một bên khác.
“Thông thường chúng tôi mở bán vé trước khoảng 20-30 ngày. Bán vé có hai cách. Thứ nhất là quầy bán trực tiếp tại địa điểm biểu diễn, ví như Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Thứ hai, bán vé qua hotline, khán giả gọi điện đến và chúng tôi sẽ giao vé”, bà Trang giải thích.
Mỹ Linh Tour 2018 với tên gọi Thời gian đã diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM và Đã Nẵng. Thay vì trực tiếp bán vé, nữ ca sĩ thuê bên thứ 3 chuyên bán vé.
Theo quan sát của phóng viên, quầy bán vé tại địa điểm biểu diễn vẫn khá được ưa chuộng. Hầu hết chương trình nếu không “cháy” vé online, đều có quầy bán vé trực tiếp. Ở Hà Nội, việc đến cửa Cung Việt Xô hay Nhà hát Lớn mua vé, thay vì mua online vẫn là lựa chọn của khá nhiều người.
Đại diện Vũ Cát Tường cũng cho biết live show Stardom dù bán vé online rất tốt, nhưng ban tổ chức vẫn mở quầy tại sân khấu Lan Anh trước đêm diễn khoảng 2-3 ngày.
“Tường có nhiều fan lớn tuổi, họ không lên mạng để mua vé online nên vẫn rất cần có quầy bán trực tiếp tại địa điểm biểu diễn”, đại diện của nữ ca sĩ phân tích
*Đối phó với phe vé như thế nào?
Thế nhưng, một thực tế là dù tự bán vé hay thuê bên bán vé chuyên nghiệp, phe ve vẫn luôn tồn tại. Dù biết rõ hạn chế này nhưng giới nghệ sĩ và đơn vị tổ chức cùng thừa nhận “rất khó ngăn chặn”.
Chia sẻ với phóng viên, Hoàng Phan – thành viên của ban nhạc Ngọt – cho biết ở thị trường Việt Nam rất khó để đối phó với phe vé, vì đó đã là một nghề, và hoạt động rất “bài bản”.
“Khi nghe ngóng được live show nào ‘hot’, được quan tâm, phe vé sẽ nhảy vào. Họ sẽ chủ động mua rất nhiều vé ngay từ đầu. Với những show phải xếp hàng mua vé, nếu 7h mở cửa, họ không ngại cho ‘quân’ đến từ 3h sáng, rất bài bản và chuyên nghiệp”, thành viên của Ngọt kể.
Ngoài ra, theo Hoàng Phan, tâm lý của giới tổ chức và bán vé ở Việt Nam là bán được càng nhiều càng tốt. Do vậy, việc một người mua 10 vé, thậm chí 20 vé là rất thoải mái.
“Ở nước ngoài, theo quan sát của tôi là không có chuyện đó. Nhiều đêm nhạc, lễ hội âm nhạc, một khán giả phải trình giấy tờ tùy thân và chỉ mua được 1-2 vé. Có show còn dán ảnh của người mua để không thể chuyển nhượng vé được. Nhưng ở Việt Nam, người bán vé như ngồi trên đống lửa, cốt làm sao bán càng nhanh hết vé càng tốt, vô tình sinh ra vé chợ đen”, nghệ sĩ trẻ nhấn mạnh.
Ngọt cho biết live show của họ có sự tồn tại của vé chợ đen, nhưng nhóm không có cách nào để đối phó.
Đại diện Vũ Cát Tường cũng khẳng định vé chợ đen là không thể tránh khỏi vì việc mua đi bán lại là quyền tự do. Ngay cả khi biết điều đó không có lợi cho khán giả, và cả nghệ sĩ, nhưng đối phó với phe vé không phải chuyện đơn giản.
“Mình làm sao cấm được vì đó là thị trường. Thế nên, theo tôi, việc thuê bên bán vé chuyên nghiệp, họ cũng sẽ quản lý giúp mình và giảm được phần nào vé chợ đen”, vị này quả quyết.
Trong khi đó, bà Minh Trang – đại diện đơn vị sản xuất live show Mỹ Tâm và Bằng Kiều – khẳng định rằng xuất xứ của vé chợ đen “rất đơn giản”, nhưng vì đã thành câu chuyện muôn thuở nên khó đối khó.
Theo bà Trang, có rất nhiều cách để những chiếc vé “hot” bị “tuồn” ra ngoài và thành vé chợ đen.
“Đầu tiên là vé của nhà hát. Thông thường, khi tổ chức một show tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, chúng tôi sẽ dành tặng một hàng E chẳng hạn cho nhà hát. Nhưng nhà hát không đi mà bán ra bên ngoài, sẽ thành vé chợ đen”, đại diện live show Bằng Kiều – Trái tim không ngủ yên tiết lộ.
Khán giả xếp hàng trong Tử tể Show năm thứ 7, tổ chức vào năm 2017.
Ngoài ra, bà Minh Trang chia sẻ rằng nhiều đêm nhạc hiện nay có nhà tài trợ. Thông thường nhà tài trợ sẽ được nhận lại một số vé nhất định. Họ tặng lại cho đối tác, người thân. Khi được tặng vé, có người lại không có nhu cầu nên bán lại cho phe vé với giá rẻ, và đó cũng là cách để sinh ra vé chợ đen.
Thông thường vé chợ đen được bán cao hơn giá gốc 2-3 lần. Theo quan sát của phóng viên, gần như tất cả đêm nhạc được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Nhà hát Lớn hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội đều có phe vé.
Phe vé mời chào ngay trước cửa nhà hát, miệng ra giá, tay cầm vé. Đôi khi chưa có vé, họ gạ mua trực tiếp của khán giả thừa vé, và sau đó bán lại với giá cao ngay trước giờ biểu diễn.
Theo Quang Đức/Zing.vn