Phim ảnh

Trạng Quỳnh – Trở về tuổi thơ cùng Cổ tích Việt Nam

Bạn đã từng say ngủ và mơ về thế giới của những câu chuyện bà kể ngày ấu thơ? Bạn đã từng mê mẩn trước loạt phim Cổ tích Việt Nam? Vậy thì bạn không thể bỏ qua Trạng Quỳnh, một bộ phim được dệt nên từ những giai thoại và ý chí hào hùng của dân tộc.

Phim không khắc họa Quỳnh theo kiểu khôn vặt mà thông minh và giỏi tài ứng biến

Trạng Quỳnh hội đủ các yếu tố để làm nên một bộ phim Tết ăn khách: diễn viên nổi tiếng, trang phục đẹp mắt, những câu chuyện ngỡ đã ngủ sâu trong miền ký ức, lời thoại hài hước dí dỏm và tinh thần dân tộc thấm đượm qua từng hành trình của nhân vật. Cũng đã lâu lắm rồi, Việt Nam mới có một bộ phim cổ trang ca ngợi điều thiện và lấy niềm tự hào dân tộc làm đề tài xuyên suốt như thế này.

Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh sau bốn phim điện ảnh lấy bối cảnh hiện đại, nay chở bạn về dòng sông tuổi thơ với một tác phẩm hài mang chất liệu dân gian. Từ các giai thoại cũ, vị đạo diễn tài năng này đã kể cho khán giả nghe một câu chuyện mới. Câu chuyện kể về hai người bạn thân Quỳnh và Xẩm, cùng lớn lên bên nhau. Dù từng học thầy đồ Đoàn nổi tiếng nhưng Quỳnh lại không nuôi mộng làm quan. Thực tế thời thế lúc bấy giờ, quan lại tham lam, hà hiếp bá tánh, chỉ làm khổ dân. Quỳnh gặp lại Điềm, con gái của thầy Đoàn nay đã lớn lên nết na, xinh đẹp nên đem lòng yêu mến. Điềm được Trịnh Bá, con cháu của Chúa Trịnh mê mẩn nên tìm cách chiếm đoạt. Bị khước từ, Trịnh Bá bày mưu vu oan thầy Đoàn thông gian. Quỳnh, Điềm và Xẩm lên đường tìm cách kêu oan, trải qua nhiều sóng gió hoạn nạn bên nhau. Quỳnh dốc công học hành để làm quan, xử lại vụ án oán của thầy Đoàn. Thế nhưng ở trường thi, Quỳnh bị hãm hại, tước mất tư cách thí sinh và bị tống vào ngục tối. Điềm ở nhà không thể chờ được nữa nên đã tự đưa ra quyết định. Câu chuyện cứ thế cuốn những người bạn vào cuộc phiêu lưu qua mọi miền đất nước, vừa thi vị, vừa mạo hiểm lại rất đỗi hào hùng.

Dù mang màu sắc trẻ trung nhưng phim không gây khó chịu cho khán giả mà còn tạo sự thích thú

Phim có nhiều điểm cộng về trang phục, âm nhạc và bối cảnh. Với một bộ phim cổ trang mang đậm màu sắc dân gian, qua mỗi bước chân của Trạng Quỳnh, hình ảnh đất nước Việt Nam với núi non xanh rờn trùng điệp, biển rộng trời cao được thu gọn vào ống kính và diễn tả lại với khán giả vô cùng tươi đẹp, gợi nhớ đến những bộ phim Cổ tích Việt Nam cách đây ngót nghét hai mươi năm. Đã lâu lắm rồi, khán giả mới được thấy thiên nhiên hùng vĩ là thế, đã lâu lắm rồi, khán giả mới được ôn lại sự bao la, đơn sơ mộc mạc nhưng cũng rất đỗi quyến rũ của quê hương đất nước như thế.

Trạng Quỳnh không hướng đến một tác phẩm lịch sử mà là một phim hài dân gian đầy tính sáng tạo, thế nên ngoài câu chuyện được làm mới thì trang phục cũng không quá đặt nặng về sự chuẩn xác. Trang phục trong phim mang màu sắc nhã nhặn, không rườm rà và vẫn tạo được cho khán giả cảm giác về văn hóa Việt xa xưa. Trong khi đó, nhạc phim lại là sự kết hợp hài hòa giữa mới và cũ, giao thoa giữa những giai điệu dân gian qua cách trình bày hiện đại và quyến rũ. Và điểm đặc sắc nhất của Trạng Quỳnh nằm ở việc khéo léo xâu chuỗi các giai thoại nhỏ lẻ về Trạng Quỳnh và biến nó thành một câu chuyện chỉn chu, có lớp có lang. Các giai thoại về Trạng Quỳnh cho người xưa truyền lại thường mang tính phản khán bọn cường hào ác bá và những bất công trong giai đoạn phong kiến, còn trong phim, đạo diễn vẫn giữ lại sự thông minh, giỏi ứng đáp của Quỳnh đồng thời nâng nó lên một tầm mới. Chúng ta có thể thấy ở đầu phim, Quỳnh chỉ đố vui những câu như “Trên lông, dưới lông, tối lồng vào nhau là cái gì”, hay đối câu “Da trắng vỗ bì bạch” của Điềm hay những câu đối của Trịnh Bá, thì càng về sau, Quỳnh càng thể hiện tài năng và trí tuệ của mình. Nếu bạn thích đọc những giai thoại về Trạng Quỳnh sẽ nhận ra rất nhiều chi tiết quen thuộc, tuy thế, ở phần thi vẽ của phim, thay vì cuộc thi vẽ rồng mà Quỳnh ngồi thong dong rồi mới lấy 10 đầu ngón tay quệt vào mực và vẽ ngoằn nghèo lên giấy, nhà làm phim đã biến hóa nó thành một câu chuyện với chủ đề “Thiên Hạ” nhằm ngợi ca non sông gấm vóc đất Việt vô cùng tài tình. Đặc biệt, nếu phần nhiều tác phẩm cổ trang đều là nhân vật tài ba xuất chúng từ quan để sống cuộc đời an nhàn thì Trạng Quỳnh có cái kết đáng suy ngẫm khi Quỳnh vẫn tiếp tục cống hiến cho đất nước, lo cho dân có được cuộc sống yên bình, ấm no.

Cảnh sắc quê hương tươi đẹp trải dài trong phim

Trạng Quỳnh là bộ phim cổ trang được thể hiện qua lăng kính trẻ trung, vui tươi nhưng vẫn đủ sức làm khán giả bồi hồi nhớ lại những câu chuyện thuở ấu thơ. Tác phẩm ngợi ca điều thiện, tình bằng hữu keo sơn, tinh thần nghĩa hiệp và vì xã tắc thông qua các nhân vật có thật trong lịch sử và điểm thêm những nhân vật hư cấu. Diễn viên trẻ Quốc Anh đã thể hiện tốt sự tinh anh của Trạng Quỳnh, Nhã Phương nền nã nhưng không ủy mị, Trấn Thành vẫn là nhân vật chủ chốt với chất hài duyên dáng dẫn dắt mọi thứ trong phim, Công Dương cũng thể hiện tròn trịa vai phản diện… tất cả đã tạo nên một tổng thể ổn về phần nhìn và chiều sâu nhân vật. Với lối kể mới mẻ, lời thoại dí dỏm vui tươi và bao hàm cả tính thời sự, Trạng Quỳnh là một tác phẩm Tết mà cả gia đình bạn không thể bỏ qua.

TH