Giải trí TVshow

Thiếu niên tỏa sáng: Nam sinh kể lại hành trình thoát khỏi vùng an toàn, giúp bản thân ngày càng tự tin

Trên bục dũng khí, những câu chuyện, những tâm tư, tình cảm của các bạn học sinh trường THPT Hiệp Bình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả và quý phụ huynh. 

Nam sinh kể lại hành trình thoát khỏi vùng an toàn, giúp bản thân ngày càng tự tin

Hiên tại Bảo đang nằm trong ban chấp hành đoàn trường. Bảo tâm sự: “Có thể ở cấp 3 mọi người thấy mình là con người đầy nhiệt huyết với công việc, có đầy sự tích cực và truyền năng lượng đến mọi người nhưng đằng sau đó là một cậu bé đã sống trong vùng an toàn và làm bạn với cô đơn”. 

Bảo kể: “Đầu năm cấp 1, mình được xếp vào một lớp và ngồi chung với 1 bạn. Trong giờ kiểm tra bạn ấy có hỏi mình rằng: “Bạn có biết làm bài này không?”. Mình trả lời: “Xin lỗi bạn, mình không biết làm”. Lúc kiểm tra xong, bạn ấy có nói qua nói lại mình. Mình cảm giác như mọi người ghét và xa lánh mình. 

Bản thân mình cảm thấy mình không hề ích kỷ. Thực ra là mình sợ sai nên không dám chỉ cho các bạn. Mình rất muốn chia sẻ cho các bạn cách tốt nhất nhưng các bạn lại nghĩ theo hướng tiêu cực. Lúc đó mình cảm thấy rất buồn vì bạn bè xa lánh trong suốt 5 năm cấp 1. 

Có một lần, mình ăn cơm trưa, nhưng thấy mình, mọi người xách bàn ghế di chuyển qua nơi khác, không muốn ăn chung với mình. Mình rất là buồn và mình chạy vào phòng và bật khóc rất to. Trong khoảng thời gian đó mình rất là buồn và khủng hoảng. Mình tự dằn vặt suy nghĩ, không hiểu bản thân đã làm gì mà khiến mọi người ghét mình? 

Mình không dám tâm sự với ba mẹ. Bình thường thời gian ba mẹ dành cho mình cũng rất ít, có thể nói là không có. Bởi gia đình mình mở tiệm làm tóc, rất bận rộn. Gia đình mình cũng không có truyền thống ăn cơm chung với nhau mà mạnh ai nấy ăn. Mình cảm giác chỉ có 1 mình ăn cơm, rồi tự một mình nói chuyện. 

Mình cũng không dám tâm sự gì vì biết ba mẹ rất bận. Có thể mình nói, ba mẹ vẫn lắng nghe nhưng sau đó thì gạt sang một bên. Cảm giác lúc đó rất hụt hẫng và cô đơn. 

Mình cũng có những suy nghĩ tiêu cực. Mình từng hỏi ba mẹ rằng: Con có phải con của ba mẹ không? mà tại sao ba mẹ không dành thời gian cho con?”.

Phạm Quách Gia Bảo (Lớp 10 A6 – Trường THPT Hiệp Bình)

Nhưng may mắn khoảng thời gian cấp 3 đã thay đổi cuộc sống, tính cách của Gia Bảo. Nam sinh kể: “May mắn là mình được trao cơ hội tham gia các phong trào do nhà trường tổ chức, gặp các anh chị. Nhờ đó giúp mình thoát khỏi sự tiêu cực. 

Có một người luôn giúp đỡ mình đó là chị Hương Lan (Phó Bí Thư đoàn trường). Chị ấy đã nói một câu rằng: “Em là chính em, em phải thoát khỏi vùng an toàn của em để bước vào vùng ánh sáng. Để khi em thành công, em sẽ có nhiều bạn hơn. Để em rút kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều”. 

Từ câu nói đó mình cũng tham gia các hoạt động, phong trào do nhà trường tổ chức. Mình tham gia Hội thi Chỉ huy đội giỏi cấp quận và giành giải Khuyến khích và được phong danh hiệu Hoa nhân ái 2020. Những điều đó trở thành cột mốc đáng nhớ với mình. Những cột mốc đó giúp mình trưởng thành hơn. 

Mình cũng muốn dành cảm ơn đến các bạn của mình và những bạn từng chơi với mình. Cảm ơn các bạn đã là một phần trong cuộc sống của mình. Cám ơn các bạn vì đã luôn tâm sự và chia sẻ mỗi khi mình buồn và cô đơn. Đặc biệt, mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được học lớp 10A6, ở đó có cô Tâm – giáo viên chủ nhiệm. Con cũng cám ơn nhà trường vì đã luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để con tham gia các hoạt động, giúp con trưởng thành hơn, tích cực hơn”. 

Gia Bảo chia sẻ thêm: “Con nhận bản thân đã sai khi không tâm sự với ba mẹ. Nhưng con nghĩ rằng ba mẹ cũng sai vì ba mẹ không hề dành thời gian nói chuyện, tâm sự với con”. 

Nam sinh chia sẻ sai lầm trong quá khứ, mong có thời gian được ngồi lại với bố

Trần Vũ Nam Hải (lớp 11A5 trường THPT Hiệp Bình) mình muốn chia sẻ với các bạn về sai lầm trong quá khứ. Hải có gia đình không trọn vẹn vì ba mẹ không còn ở chung với nhau từ nhỏ. Bạn đang ở với ông bà, các bác, ba đang đi làm xa.

Cuối năm lớp 7, bạn đang ở trong tuổi nổi loạn nên khó hiểu về bản thân mình, lạc vào trong mớ tiêu cực, không suy nghĩ gì về mọi thứ xung quanh. Những lần đi chơi net, bạn cần có tiền nên phải đi ăn trộm. Nam Hải chia sẻ về quá trình ăn trộm tiền của mình: “Mình không biết số tiền mình lấy là bao nhiêu. Mình chỉ quan tâm đến ngày mai mình chơi game gì. Mình nạp bao nhiêu tiền, ăn gì trong quán net đó”.

Sau đấy, bố Nam Hải về. Ông không đi làm xa nữa mà chạy xe công nghệ. Tình cờ ông thấy Hải bước chân vào quán net. Ông về nhà, dọn bữa cơm hỏi: “Gia đình này có cho con thiếu gì về vật chất không mà con lại đi ăn cắp như vậy?”.

Câu nói ấy tác động rất lớn đến Hải. Hải đã hiểu ra được hậu quả sự ăn cắp, nghiện game. “Mỗi khi xin tiền bố mẹ, em thấy rất ngại. Có hôm mình suy nghĩ tới 2-3 ngày mới dám xin bố”, Hải nói.

Trần Vũ Nam Hải (lớp 11A5 trường THPT Hiệp Bình)

Sau đấy, Nam Hải nghẹn ngào kể lại, bố nghi ngờ Hải có bao nhiêu tiền “cống hết cho tiệm net”. Lúc đó, Hải thấy tức lắm chỉ muốn chửi lộn, tay đấm vô tường.

“Lời nói vô tình của bố nhưng thực sự ảnh hưởng đến con rất lớn. Con chỉ mong sau có dịp hai bố con ngồi lại nói chuyện, kể hết tâm tư của hai bố con trong thời gian qua”, Hải nói trong nước mắt.

Thông qua câu chuyện, Hải mong muốn được chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình. Bạn mong rằng gia đình sẽ thấu hiểu những nỗi buồn mà bạn chất chứa trong lòng. Nam Hải lúc này đã nhận ra được lỗi của mình, bạn hứa với ông bà sẽ học giỏi, phát triển và trưởng thành hơn. “Con hứa với bố, con của bố sẽ không làm bố thất vọng. Con yêu cả gia đình của mình rất nhiều”, Hải nói.

Chương trình “Thiếu niên tỏa sáng” phát sóng vào 21h30 thứ Bảy hàng tuần trên VTV3 và 22h trên kênh YouTube Viva Network, bắt đầu từ 16/3/2024.