Trong vòng nửa tháng, nhiều hoạt động như xuất bản, tọa đàm, triển lãm, chiếu phim… về các cuốn sách được tổ chức, hứa hẹn một bữa tiệc cho người yêu văn học châu Âu.
Nằm trong chương trình “Ngày châu Âu tại Việt Nam”, “Ngày Sách châu Âu tại Việt Nam” diễn ra trong 2 tuần, tại Hà Nội (từ 5/5-15/5) và tại TP HCM (từ 12/5-20/5)
Đây là chương trình thường niên được tổ chức tại Hà Nội từ năm 2011. Tới 2016, chương trình mở rộng ra ở cả Hà Nội và TP HCM. Năm 2018 là lần thứ 8 chương trình diễn ra, do Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Việt Nam (EUNIC) phối hợp với các nhà xuất bản, công ty sách… thực hiện.
Trong suốt 15 ngày, có 36 sự kiện về sách và văn chương được tổ chức. Chương trình khai mạc Ngày Sách Châu Âu diễn ra lúc 9h ngày 5/5 tạ Ngôi làng châu Âu (được dựng tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội). Trong chương trình khai mạc sẽ diễn ra lễ trao giải cuộc thi về văn học Châu Âu.
Nhiều cuốn sách hay từ châu Âu sẽ đến với bạn đọc thông qua các hoạt động tọa đàm, triễn lãm, chiếu phim, giao lưu với tác giả…
Truyện cổ Andersen quen thuộc với bao độc giả được mổ xẻ sâu hơn qua tọa đàm “Thế giới huyền bí của Hans Christian Andersen” diễn ra lúc 10h ngày 6/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của dịch giả Trần Thị Minh Tâm – người Việt Nam đầu tiên được trao tặng giải thưởng H.C.Andersen – nhân dịp tuyển tập truyện của Andersen do bà dịch được tái bản.
Tại chương trình, thông qua âm nhạc, đọc truyện và biểu diễn kịch dựa trên các tác phẩm của H.C. Andersen, độc giả thiếu nhi và người lớn có thể cùng bước vào thế giới huyền bí của Andersen và có hội chụp ảnh với các nhân vật nổi tiếng trong các truyện của ông.
Nhiều đầu sách kinh điển đến từ châu Âu sẽ được bàn tới thông qua các hoạt động tọa đàm như: giới thiệu sách và chiếu phim Thời nắng lịm của Eugen Ruge, giới thiệu sách Đời ong của tác giả Maurice Maeterlinck (nhà văn đoạt Nobel 1911) nhân dịp xuất bản tác phẩm bằng tiếng Việt, tọa đàm về sách và chiếu phim Cái trống thiếc của Gunter Grass (nhà văn đoạt Nobel năm 1999)…
Don Quixote là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất làng văn chương thế giới. Bản chuyển thể Những cuộc phiêu lưu của Don Quixote lừng danh và giám mã Sancho Panza được họa sĩ người Bỉ nói tiếng Pháp, Jonathan Bousmar, minh họa sẽ được phát hành tại Việt Nam dịp này.
Cuốn sách giúp đưa chàng hiệp sĩ trứ danh đến với độc giả nhỏ tuổi qua loạt hoạt động tương tác.
Một số tác giả sách từ châu Âu sẽ tới giao lưu với bạn đọc. Trong ảnh, họa sĩ Estalle Meens sẽ tới giao lưu cùng độc giả nhân dịp 4 cuốn sách của cô xuất bản tại Việt Nam.
Các cuốn sách, công trình nghiên cứu của tác giả châu Âu về Việt Nam cũng được giới thiệu trong dịp này. Trong đó, có 2 buổi giới thiệu những tác phẩm kinh điển mà học giả Pháp viết về Tây Nguyên, được NXB Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực hiện ở Hà Nội và TP HCM.
2 cuốn sách được giới thiệu tại chương trình là Rừng người thượng (Henri Maitre) và Chúng tôi ăn rừng (Georges Condominas).
Chương trình giới thiệu sách La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam của Mario Primicerio do NXB Thế Giới thực hiện. Cuốn sách là hồi ký của Mario Primicerio, kể về những ngày ông ở Hà Nội với tư cách là điều phối viên của Ngài Giorgio La Pira, thị trưởng thành phố Florence tại thời điểm đó, để thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Buổi hội thảo “Lịch sử Chiến tranh thế giới thứ nhất: Những kỷ niệm chung Pháp – Việt Nam 1914-2018” đề cập đến một khía cạnh còn ít được biết đến trong lịch sử và ký ức văn học về chiến tranh thế giới thứ nhất: sự tham gia của người lao động và binh lính Đông Dương vào cuộc đại chiến này.
Ông Emmanuel Labrande – Chủ tịch Hiệp hội các Viện văn hóa & Đại sứ quán Châu Âu (EUNIC) – cho rằng chương trình “Ngày Sách châu Âu 2018” được tổ chức với sự đa dạng các tác phẩm đến từ Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Cộng hoà Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý, và Phái đoàn Wallonie–Bruxelles (Bỉ).
Ông hy vọng thông qua các hoạt động đó, độc giả có thể tìm được những cuốn sách phù hợp với mình.
Theo Tần Tần/Zing.vn