Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

‘Hiu hiu gió bấc: Tình người nơi xóm nhỏ ven sông

Ngôi nhà có chiếc cầu khỉ bắc ngang đoạn hẹp nhất giữa hai bờ sông không đủ để Hết – cháu ông Tư – nguôi ngoai nỗi buồn. Ngước mắt ngó sang bên kia bờ, những nỗi buồn cứ trĩu nặng.

Ừ thì cũng đành vậy, bà Giáo Cẩn muốn ông cháu ông Tư đi khỏi ngôi nhà xưa để con Hoài, con gái bà, yên tâm mà lấy chồng. Không phải bà không thương thằng Hết. Nhưng bà cũng thương con gái bà. Thằng Hết hiền lành, ngoan ngoãn, yêu thương Hoài thiệt lòng, chỉ phải cái tội Hết nghèo quá. Hai đứa lấy nhau rồi con bà sẽ khổ. Đời bà khổ rồi, giờ con bà phải khác…

Vở kịch được cảm tác từ truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Có khá nhiều chi tiết, nhân vật và tình huống kịch được tác giả Như Trúc viết thêm nhưng cái chất của Nguyễn Ngọc Tư vẫn được đạo diễn Minh Nhật chuyển tải đầy đặn trên sân khấu.

Ngôi nhà mái lá, hàng dừa nước, khoảng sân yên bình bên bến sông, tiếng mái chèo khua nước bì bõm ở con lạch phía sau nhà… vùng sông nước miền Tây bỗng hiển hiện thật gần và sinh động đến ngỡ ngàng. Nơi đó có những con người miền Tây chân chất, sống với nhau vẹn nghĩa, trọn tình.

Cũng khó mà giận bà Giáo bởi có người mẹ nào mà không yêu thương con, có người mẹ nào mà không muốn con mình hạnh phúc. Hết vì chịu ơn bà Giáo mà cắn răng mang tiếng bạc tình, làm ngơ trước những lời trách móc của Hoài, rồi giả lơ, tỉnh rụi cho Hoài mặc áo cưới theo chồng, dù trong lòng ngổn ngang, đau đớn.

Câu chuyện tưởng sẽ trĩu nặng nỗi buồn nhưng nỗi buồn đó cũng chỉ như một mảng màu của cuộc sống. Buồn vì thương Hết, thương Hoài nhưng Hiu hiu gió bấc vẫn đủ sức mang lại cảm xúc ấm áp bởi cái tình những con người nơi xóm nhỏ ven sông.

Hảo cũng lờ mờ nhận ra điều bất thường trong chuyện tình tan vỡ của Hết và Hoài. Có lẽ vì vậy mà Hảo càng thương Hết nhiều hơn. Vì lẽ đó, Hảo cứ âm thầm chịu đựng sự lạnh lùng của Hết, không giận dỗi, không nặng lời trách móc… Nhìn Hảo lặng lẽ chèo xuồng qua sông, những ai ngồi trong khán phòng chỉ muốn được nghe tiếng Hết gọi “Hảo ơi!”.

Cảm xúc cứ đong đầy trong từng lớp diễn mà người góp công đầu để mang lại những cảm xúc đầy đặn cho khán giả chính là NSƯT Hoài Linh. Ông Tư của NSƯT Hoài Linh vẫn mang lại những tiếng cười thú vị bởi sự tung tẩy, “quăng bắt” trong từng câu thoại với bạn diễn. Nhưng ở Hiu hiu gió bấc, bất ngờ lớn nhất không phải là ông Tư – Hoài Linh còn có thể làm khán giả rơi nước mắt mà là cách NSƯT Hoài Linh phối hợp với bạn diễn để cùng nhau thăng hoa trên sàn diễn.

Bản lĩnh, rất có nghề và tinh tế trong từng chi tiết, hành động sân khấu, ông Tư là một hình ảnh rất khác lạ của NSƯT Hoài Linh so với những gì khán giả vẫn biết đến anh từ trước đến nay. Có những lớp diễn không lời, chỉ cái dáng người khom khom đầy chịu đựng, những bước đi loạng choạng hay đôi tay run run ôm thật chặt đứa cháu tội nghiệp… Chỉ vậy thôi mà nước mắt khán giả rơi.

Cảm xúc cứ vậy mà đi hết vở diễn, để khán giả quên rằng mình đang xem kịch mà ngỡ đang được chính những người trong cuộc kể lại câu chuyện của mình…

Hiu hiu gió bấc còn có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Kim Xuân, Công Danh, Minh Trường, Hồng Trang, Huỳnh Tiến Khoa, Thùy Trang, Đoàn Thanh Phượng… diễn vào tối 9 và 10/6 tại Nhà hát Hưng Đạo (136 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM).

Theo Thảo Vân/Phunuonline.com.vn