Âm nhạc Giải trí Tiêu điểm giải trí

Thoái trào mô hình nhóm nhạc Việt

Mới đây nhất, boyband đình đám đến từ nhà St.319 – Monstar, đã chính thức gửi lời chào tạm biệt đến người hâm mộ. Đây quả thực là một tin đáng buồn cho V-Pop khi số lượng các nhóm nhạc đang ngày một khan hiếm. Có lẽ với hiện tại, ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam đã không còn là lãnh địa màu mỡ cho mô hình hoạt động nhóm như trước đây đã từng.

Thời hoàng kim chỉ còn là quá khứ

Không riêng gì các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới, V-Pop đã từng có thời kỳ đỉnh cao dành riêng cho mô hình nhóm nhạc hoạt động. Bắt đầu từ cuối thập niên 90, những nhóm nhạc lần lượt ra đời như Ba con mèo, Tam ca áo trắng, Tik Tik Tak, Quả dưa hấu, … đã trở thành những gương mặt thân quen trong mắt các bạn trẻ. Bấy nhiêu đó thôi cũng chưa hẳn là đủ. Phần nào đáp ứng nhu cầu của người nghe nhưng xét về mặt tổng thể vẫn chưa đủ mạnh để dẫn đầu thị trường.

Các nhóm nhạc giai đoạn sơ khai thường hoạt động theo mô hình gia đình. Tiêu biểu như “Tam ca áo trắng” hay “Ba con mèo” với các thành viên đều là chị em ruột với nhau.

Bước sang đầu những năm 2000, khi những nhóm nhạc trên dần tan rã thì một thế hệ mới bắt đầu được ra mắt. Điểm chung của những nhóm nhạc này là độ tuổi và ngoại hình của các thành viên tiệm cận, hợp mắt với giới trẻ. Dẫn đầu trong giai đoạn này là Mắt Ngọc, Mây Trắng, 1088, H.A.T, WeBoys, … Họ đã mở ra thời hoàng kim đỉnh cao dành cho mô hình nhóm nhạc Việt sau bao năm lận đận.

Sự công nhận và yêu mến của khán giả giúp các nhóm nhạc đạt được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ V-Pop. Doanh số tiêu thụ album cao, gặt hái nhiều hợp đồng quảng cáo và các giải thưởng cũng bắt đầu bổ sung thêm hạng mục dành cho nhóm hát.

Đình đám trong thế hệ các nhóm nhạc gen 2, Mây Trắng là girlband vô cùng thành công khi sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu cùng doanh thu bán đĩa ổn định. Đến nay, Mây Trắng vẫn là một trong những dấu ấn đặc biệt mỗi khi nhắc về các nhóm nhạc V-Pop.

Dẫu vậy, thị hiếu thị trường rất nhiều bất ngờ và biến động. Trước sự tấn công mạnh mẽ của làn sóng Hallyu đã thay đổi toàn bộ cục diện. Sự đầu tư cùng chất lượng của những nhóm nhạc Hàn Quốc khiến người hâm mộ Việt Nam gần như phát cuồng. Họ có nhiều hơn chúng ta về mọi mặt mà chắn chắc rằng rất khó có thể đặt lên bàn cân so sánh. Sự hội nhập này đã thay đổi hành vi và văn hóa nghe nhạc của người Việt. Thờ ơ là cụm từ diễn tả rõ nét nhất của khán giả dành cho các nhóm nhạc Việt lúc bấy giờ.

Sau một thời gian hưng thịnh, các nhóm nhạc thuộc gen 2 V-Pop chịu chung số phận “bất lực” trước làn sóng Hallyu. Mãi cho đến khi hai boyband đình đám 365 và V.Music được ra mắt đã phần nào giựt lại một phần spotlight. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giai đoạn đầu tiên, hậu sau đó kịch bản cũ được lặp lại kết thúc bằng việc tan rã. Các nhóm nhạc lâu đời dù vẫn miệt mài hoạt động nhưng sự thành công hoàn toàn là con số không tròn trĩnh.

365 là một boyband gặt hái được nhiều thành công trong giai đoạn gen 3. Khi đang trên đà phát triển, nhóm cũng quyết định tan rã để các thành viên phát triển sự nghiệp cá nhân.

“The X-Factor” cập bến đến Việt Nam, nhiều khán giả cũng đã hy vọng họ sẽ tạo ra những nhóm nhạc tên tuổi và thành công như One Direction hay Fifth Harmony trên toàn thế giới. Đổi lại là những nhóm nhạc mang tính chất hiện tượng và sau cuộc thi họ cũng không gặt hái thành công là mấy. Có lẽ như V-Pop không phải là thánh đĩa màu mỡ dành cho các nhóm nhạc hoạt động. Và cũng có thể chính làn sóng Hallyu đã “yểm bùa” thành công mô hình hoạt động này.

Làn sóng Hallyu đã tác động vô cùng lớn đến V-Pop từ âm nhạc cho đến hình thức và thay đổi luôn cách khán giả nhìn nhận về các nhóm nhạc Việt.

Suy đi cũng phải nghĩ lại, mô hình hoạt động nhóm dần chết yểu tại thị trường Việt Nam cũng không hẳn là do sự tác động trực diện của làn sóng K-Pop. Vấn đề mấu chốt là những nhóm nhạc Việt gặp phải đa phần không có bất kỳ một công ty quản lý chịu trách nhiệm cho việc định hình hình ảnh và âm nhạc. Nhiều mâu thuẫn nhỏ xảy ra giữa các thành viên, không có sự phân chia cụ thể vai trò hay hình ảnh không mấy được chăm chút là những nguyên nhân hàng đầu mà hầu như nhóm nhạc nào cũng có.

Bên cạnh đó, hoạt động nhóm chỉ mang yếu tố ngắn hạn hoặc tận dụng để phát triển sự nghiệp cá nhân đã khiến nhiều nhóm nhạc “sớm nở tối tàn”. Điều này cũng là một phần dễ hiểu khi chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nhiều công ty giải trí có tiêu chuẩn đào tạo bài bản. Thế nhưng cũng không hẳn là V-Pop không có bất kỳ một nhóm nhạc nào thành công. Mà chỉ đơn giản, thành công ấy đã thuộc về quá khứ với một nụ cười lặng lẽ trước một tương lai vô cùng ảm đạm cho các nhóm nhạc Việt hiện nay.

Tuyệt vọng giấc mơ “Hàn hóa”

Trong công cuộc gầy dựng lại đế chế mô hình nhóm nhạc tại Việt Nam, nhiều công ty giải trí bắt đầu được nổ rộ. Học hỏi từ những tiêu chuẩn đào tạo nghiêm ngặt từ Hàn Quốc, hàng loạt dự án cho ra mắt các nhóm nhạc mới được đẩy mạnh phát triển.

Tiêu biểu cho sự trở lại đình đám của mô hình này là nhóm nhạc nữ LIME của công ty V&K Entertainment. Các cô gái được đưa sang Hàn Quốc đào tạo với ngoại hình sáng sân khấu, nhảy tốt và còn có thể hát, giao tiếp bằng tiếng Hàn. LIME nhanh chóng gây ấn tượng trong mắt công chúng qua những sản phẩm âm nhạc được đầu tư bài bản như những thần tượng xứ Hàn thực thụ. Họ hoạt động song song cả hai thị trường Việt – Hàn dưới sự hỗ trợ đắc lực của producer Kim Do-hoon, xuất hiện trên chương trình “I Can See Your Voice” và nhận được nhiều lời khen ngợi từ nhóm nhạc Wonder Girls.

Bấy nhiêu nỗ lực của LIME vẫn không nhận được sự thành công như kỳ vọng. Sau hơn một năm ròng rã quảng bá tại thị trường Hàn Quốc, các cô gái đành quay trở về hoạt động chính thức tại thị trường Việt Nam. Dù đã rất nỗ lực thay đổi và nghiêm túc đầu tư nhưng thành quả của nhóm không nổi bật nhiều so với trước đó. Trải qua 5 năm hoạt động, LIME cũng chính thức tan rã để lại nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ.

LIME là nhóm nhạc nữ tiêu biểu cho mô hình đào tạo chuẩn K-Pop nhưng mọi nỗ lực của nhóm đều không đạt được thành công như kỳ vọng.

Gần đây nhất, nhóm nhạc nam Monstar đến từ nhà St.319 cũng đã nói lời chào tạm biệt cùng khán giả khi mới đánh tiếng trở lại sau một thời gian dài ở ẩn. Monstar là một boyband từ khi mới rục rịch ra mắt đã được nhiều khán giả kỳ vọng sẽ tạo nên kỷ nguyên mới cho các nhóm nhạc tại V-Pop. Nhóm được xây dựng và đào tạo theo mô tuýp Hàn Quốc, các thành viên được lựa chọn kỹ càng cùng với Erik, chủ nhân của siêu hit “Sau tất cả”.

Ngay từ sản phẩm debut, Monstar chứng tỏ khả năng của mình, tạo được lòng tin nơi người hâm mộ về thế hệ nhóm nhạc mới. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, Monstar chứng kiến sự ra đi của Erik trong lùm xùm và trải qua nhiều lần thay đổi đội hình. Đến khi đội hình được hoàn chỉnh thì nhóm bất ngờ đóng băng hoạt động. Các thành viên đánh lẻ hoạt động cá nhân hơn một năm trời. Điều này khiến người hâm mộ vô cùng hụt hẫng khi Monstar đang trên đà phát triển. Đánh tiếng trở lại trong năm nay, một lần nữa Monstar tiếp tục gây bất ngờ khi thông báo phát hành sản phẩm cuối cùng thay lời tạm biệt đến khán giả.

Đã từng được nhiều người kỳ vọng sẽ “ăn nên làm ra” khi công ty St.319 vốn rất mát tay trong việc lăng xê gà nhà. Dẫu vậy, Monstar vẫn đối mặt với viễn cảnh chia tay mà không ai có thể lường trước.

Ngoài LIME hay Monstar, V-Pop vẫn còn khá nhiều nhóm nhạc đang hoạt động theo mô hình các nhóm nhạc K-Pop như Uni5, LipB, Zero 9, … Điểm chung của các nhóm nhạc này là liên tục thay đổi đội hình, vướng nhiều lùm xùm và hoạt động không mấy phát triển. Nếu LipB liên tục để mất đi nhiều thành viên chủ chốt và đóng băng hoạt động thì Uni5 vẫn chưa thực sự để lại nhiều dấu ấn. Trong khi đó, Zero 9 cứ người đến kẻ đi nhưng vẫn rất hỗn loạn và liên tục dính nhiều scandal.

Mới đây, một boyband khác cũng vừa chào sân là For7 được quảng bá vô cùng rầm rộ trên mọi mặt trận truyền thông. Nhưng khi xem qua sản phẩm debut thì có thể nói thành công của nhóm này là điều vô cùng xa xỉ. Dưới phần bình luận có rất nhiều ý kiến chỉ mặt gọi tên For7 đã copy hoàn toàn từ nhóm nhạc Hàn Quốc – Got7, từ MV cho đến vũ đạo hay ngay tên gọi thôi cũng đã thấy sự tương đồng. So với những boyband đi trước như Monstar hay Uni5, For7 đã không phát huy tốt mà ngược lại nhóm còn đang đi một bước lùi thấy rõ về sự đầu tư yếu kém từ hình thức đến cả kỹ năng.

For7 là nhóm nhạc được cho ra mắt trong thời gian gần đây nhưng lại mang về phản hồi không mấy chất lượng.

Nếu như những nhóm nhạc được đào tạo và ra mắt theo mô hình K-Pop đang ngày một đi lùi thì những nhóm nhạc cộp mác Việt Nam lại dễ dàng thành công hơn cả. Tiêu biểu là các nhóm nhạc theo trường phái Indie Việt như Ngọt, Cá hồi hoang, Chillies, Da LAB, … đã để lại ít nhiều dấu ấn trong hành trình âm nhạc của họ. Họ không mang đến quá nhiều sự hào nhoáng nhưng âm nhạc của họ thể hiện được chất riêng khó lẫn với nhiều nghệ sĩ khác. Chính thứ vũ khí này đã giữ chân người nghe ở lại lâu hơn, giúp những nhóm nhạc Indie Việt dần bước ra ánh sáng, mang về nhiều thành tích khủng ở mặt trận nhạc số lẫn những doanh thu bán vé concert.

Là một trong những nhóm không theo mô tuýp K-Pop nhưng Chillies vẫn gặt hái được nhiều thành công bằng phong cách âm khác riêng biệt, không hòa lẫn theo thị trường.

Sẽ rất khó để giải đáp bài toán làm thế nào để phát triển mô hình nhóm nhạc tại Việt Nam. Nhưng một điều có thể chắc chắn rằng định hướng theo mô hình K-Pop đã không còn là xu hướng được ưa chuộng như hiện nay. Việc các công ty giải trí cứ rập khuôn đi theo công thức này vô hình mang lại phản ứng hóa học trái ngược. Xét về thời gian để đào tạo một idol thực thụ tại Hàn Quốc cũng đã mất hơn 5 năm nhưng cũng không chắc chắn họ sẽ được ra mắt.

Trong khi đó tại Việt Nam, các công ty giải trí đang thần thánh hóa thời gian ngắn hạn và khuyến mãi thêm nhiều chiêu trò lố bịch. Chúng ta không có quá nhiều công ty đào tạo bài bản như Hàn Quốc, chúng ta cũng không có nhiều chương trình tuyển chọn thần tượng như “Produce 101”, “Thanh xuân có bạn”, “Girls Planet 999”, … thì đừng cố tạo ra những nhóm nhạc theo kiểu mì ăn liền.

Nhìn về quá khứ, đã từng có rất nhiều nhóm nhạc tuy không được đầu tư chỉn chu như hiện nay nhưng họ đã rất thành công với chỗ đứng nhất định. Đó là vì họ biết mình, biết ta không biến mình là một bản sao rập khuôn của bất kỳ ai. Thế nên tiêu chuẩn thành công của một nhóm nhạc Việt không đơn thuần là sự học hỏi từ những nền văn hóa âm nhạc đại chúng. Quan trọng nhất là dựa vào kinh nghiệm của người đi trước, hậu bối cần tìm ra một bản sắc riêng biệt, phù hợp cho từng thị trường cũng như đối tượng, mục tiêu mà nhóm hướng đến.

Theo Tuấn Tuấn/DDVN