360 độ Đẹp

Người mẫu nam Ấn Độ sẵn sàng đổi tình lấy công việc

Góc khuất làng mẫu nam Ấn Độ phơi bày thực trạng lạm dụng tình dục, chấp nhận đánh đổi để thành công nhanh chóng.

Theo Odishatv, một thập kỷ trước, “Fashion” của đạo diễn Madhur Bhandarkar đã phơi bày mặt tối của ngành công nghiệp thời trang Ấn Độ, nơi tình dục được sử dụng như một công cụ hướng đến danh vọng và tiền bạc.

*Nhà thiết kế và người mẫu lợi dụng lẫn nhau

Ngày nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Những người mẫu mới nổi nhận được không ít lời hứa hẹn về một thành công nhanh chóng từ các nhà thiết kế nếu họ sẵn sàng đánh đổi. Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, khi người mẫu Kawaljit Singh Anand buộc tội nhà thiết kế Vijay Arora lạm dụng tình dục đã làm dấy lên những cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề #MeToo mà giới mẫu nam Ấn Độ đang phải đối mặt.

Kabir Duhan Singh – từng là người mẫu và hiện là diễn viên – cho rằng không ai có thể đụng chạm vào ai nếu không được phép. Kabir kể anh từng có gần 1 năm “ăn không ngồi rồi” chỉ vì từ chối các cuộc xã giao cùng giới thiết kế.

“Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào cách chúng ta tiếp thị bản thân như thế nào trước người khác. Tôi đã quen với việc nhìn thấy các người mẫu say sưa với các nhà thiết kế, nhảy nhót với họ trong khi các ngón tay thì di chuyển khắp nơi. Nếu bạn cho họ quyền tự do như thế, họ sẽ tận dụng nó. Đó là điều tương tự cũng xảy ra ở Bollywood” – Kabir trả lời trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Kabir khẳng định người mẫu nên tạo ra ranh giới riêng của mình. “Người mẫu hiện nay rất thoáng và họ muốn nhanh chóng thành công” – anh bổ sung.

Ảnh minh họa một show thời trang ở Ấn Độ. Ảnh: Abhimanyu Singh Rathore.

Amit Ranjan – một người mẫu đã có chỗ đứng trong làng thời trang Ấn Độ và là người sáng lập công ty A.R. Productions chuyên tổ chức các sự kiện thời trang – chia sẻ anh đã biết cơ chế hoạt động của ngành thời trang từ trước khi gia nhập năm 2007.

“Tôi nghĩ trong làng thời trang, những người mẫu nam bị lạm dụng nhiều hơn bởi họ kiếm được ít tiền hơn so với người mẫu nữ. Họ được các nhà thiết kế – những người sẵn sàng chu cấp cho họ – đúc nặn. Cả hai phía hoạt động dựa trên nguyên lý ‘tôi chăm lo cho anh, anh chăm lo cho tôi’. Đó là lý do không bên nào lợi dụng bên nào mà là sự đồng thuận của cả hai” – Amit cho biết.

Theo Amit Ranjan, có khi chính các người mẫu nam nhắn tin cho nhà thiết kế khẳng định họ sẵn sàng làm mọi thứ. Vì vậy sẽ luôn có những người tận dụng cơ hội. Các chàng trai tìm kiếm thành công trong một sớm một chiều nên khó có thể đổ lỗi cho bên nào.

Amit muốn nói rằng người mẫu nên tin vào bản thân, trung thực và kiên trì với giấc mơ của mình. Anh không cho rằng việc họ tận dụng phong trào #MeToo để lên tiếng là một điều hay.

Nhà thiết Varija Bajaj cũng thừa nhận đây là thực trạng của ngành công nghiệp thời trang và nó không chỉ là giữa đàn ông và đàn bà. Đó còn là sự trao đổi giữa đàn ông và đàn ông, và giữa những người phụ nữ với nhau.

Varija cho rằng thực trạng này vẫn tiếp diễn lâu nay và được chấp nhận bởi mọi người đều nghĩ “tại sao phải nghiêm trọng hóa vấn đề”

“Tôi đã nghĩ đến những điều tích cực mà #MeToo mang lại, tôi ủng hộ những người sẵn sàng lên tiếng. Bởi như thế, ít nhất khi lần tới, ai đó định làm điều tương tự, anh ta hoặc cô ta sẽ cân nhắc nhiều hơn và điều đó sẽ tạo ra những thay đổi cần thiết”, Varija phát biểu.

*Bị ghẻ lạnh nếu từ chối đánh đổi

Trong khi đó, người mẫu Bharat Sharma đề cập đến một khía cạnh khác, rằng không học viện thời trang nào dạy học sinh về việc phải đối mặt với đòi hỏi của những tên tuổi lớn ra sao.

“Người mẫu nam ở cuối chuỗi thức ăn ‘khách hàng – nhà thiết kế – biên đạo – đội ngũ hậu trường – trang điểm – stylist’. Nhưng có một ngoại lệ: nếu là bạn trai của một nhà thiết kế nào đó, bạn sẽ trở nên đặc biệt” – Bharat phát biểu.

Bharat cho biết đối với một người mẫu nam, sự nghiệp sẽ gặp rất nhiều trắc trở nếu anh ta dám nói từ chối. Một người mẫu nam thẳng thắn sẽ bị đối xử như của nợ trong làng thời trang. Ngành công nghiệp thời trang Ấn Độ rất nhỏ, đó là nơi mà mọi người đều biết nhau.

Người mẫu có thể không có việc nếu không đánh đổi. Ảnh hậu trường Lakme FashionWeek: Rediff.com

Trong khi đó nhà thiết kế Samant Chauhan cho rằng người mẫu nên cẩn thận hơn trong việc chọn người mà họ sẽ giao du và nơi họ sẽ casting.

“Tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các người mẫu rằng họ muốn gặp tôi. Tôi thường bảo họ gửi ảnh. Có thể tôi sẽ giữ lại hoặc kết nối họ với ai đó mà tôi nghĩ là phù hợp. Không nhất thiết cứ phải gặp nhau. Đơn giản là tôi phớt lờ tất cả người muốn gặp để đưa tận tay hồ sơ. Không thể nói nhà thiết kế là phía duy nhất lợi dụng”.

Karan Sharma – người mẫu bắt đầu sự nghiệp từ một gala thời trang năm 2010 – cho biết Delhi là “sào huyệt” của lạm dụng tình dục bởi ở đây “rất nhiều nhà thiết kế cho rằng họ chính là Chúa”.

“Người mẫu luôn cảm thấy xấu hổ và mặc cảm khi không có việc. Tôi muốn nói với họ rằng họ không cần phải tiệc tùng với các nhà thiết kế để có việc. Nếu họ tốt, họ sẽ không thể bị từ chối. Tôi biết chắc điều đó và vẫn làm như thế”, Karan phát biểu.

Người mẫu Inder Bajwa cũng đồng tình với Karan. Anh cho rằng tất cả các công việc đều hoạt động theo phương thức tương tự, hãy kiên nhẫn và bước những bước chậm nhưng chắc chắn.

Theo Phương Ly/Zing.vn