Thể thao trong nước

Bố Đặng Văn Lâm chia sẻ loạt ảnh thời thơ ấu ở Nga của con trai

Cha anh khẳng định “Lâm là ‘ta’ đấy chứ không phải ‘tây’ đâu” khi anh kiên trì theo đuổi sự nghiệp bắt gôn từ khi còn nhỏ ở Nga với những tháng ngày rèn luyện khổ nhọc.

Sinh năm 1993 tại Nga trong một gia đình làm nghệ thuật (cha là nghệ sĩ múa, mẹ là diễn viên kịch), Đặng Văn Lâm lại nuôi mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp từ bé. Tên của anh trong tiếng Nga, Lev Shonovich, được đặt theo tên thủ môn huyền thoại của Liên Xô Lev Yashin, với chữ “lev” có nghĩa là “sư tử”. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
Theo Sputnik, Lâm chơi bóng đá từ hồi 8 tuổi khi trường mở lớp dạy. Bên cạnh trường khi đó có trung tâm ở câu lạc bộ Spartak rất nổi tiếng tại Nga. Các huấn luyện viên của Spartak đã phát hiện Lâm có năng khiếu và đưa anh vào lò đào tạo trẻ. Lâm đã học tại đây trong 5 năm, tham gia nhiều giải đấu. Trong ảnh: Văn Lâm (áo vàng, rìa phải) cùng đội U10 Spartak trong tấm hình chụp ngày 3/3/2003, trước một lần ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
Chia sẻ với Zing.vn, nghệ sĩ Đặng Văn Sơn, cha của Lâm, nói con trai từ nhỏ đã thích làm thủ môn. “Thực ra thì tôi không thích cháu làm thủ môn – thủ môn thì chỉ có đứng không chứ có làm cái gì nữa. Phải chạy hậu vệ tiền đạo gì chứ. Nhưng đấy là mong muốn của cháu, từ bé đã thế và đến giờ cháu là thủ môn thật”, ông nói qua điện thoại từ Nga hôm 18/12. (Sau cuộc trò chuyện, ông chia sẻ một số tấm hình thời niên thiếu của Lâm trong bài này). Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
Ông cũng cho biết khí hậu ở Nga rất khắc nghiệt và Lâm phải tập luyện để nâng cao khả năng chịu đựng. “Tôi nhớ thời gian tôi cho cháu đi tập, tuyết rơi nhiều quá, lạnh đến âm 15-16 độ, không nhìn thấy bóng đâu cả”, ông Sơn nói. “Trời tuyết lạnh, sân cỏ có lúc bị đóng băng, thế mà cháu cứ chạy, nhảy, chân tay tím, thâm, bầm hết cả”. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
Sau 5 năm rèn luyện tại Spartak, Lâm chuyển sang lò đào tạo của câu lạc bộ Dinamo. Lâm theo học tại đây trong 3 năm và tốt nghiệp khi 16 tuổi. Cha của anh nói chính sự cạnh tranh gay gắt để được ra sân thi đấu là động lực để anh theo đuổi đam mê. Trong ảnh là Lâm khoảng năm 10-11 tuổi. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
“Ở tuổi Lâm khi đó sự cạnh tranh hết sức gay gắt, có thể nói là cay cú nếu người khác hơn mình. Chính sự canh tranh đó đã khiến Lâm lao vào tập luyện”, ông Sơn chia sẻ với Zing.vn. Trong ảnh: Văn Lâm (áo vàng, rìa phải) chụp cùng đội U10 của Spartak. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
Lâm quyết định về Việt Nam vào năm 2010 để tìm kiếm cơ hội thi đấu nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Anh trở lại Nga năm 2014 để học ngành kế toán theo nguyện vọng của cha. Ông Sơn thừa nhận đó là sai lầm của ông vì đó “không phải là năng khiếu và mong muốn của con”. Trong ảnh: Văn Lâm (trái) cùng em trai Văn Mạnh trên sân của Spartak. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
“Đó là sự đày ải đối với Lâm. Cháu nói ‘con không hiểu gì về buôn bán, làm ăn, lãi suất’… Cũng may tôi nhận ra, vì cố đấm ăn xôi là không được. Nếu vậy có lẽ cháu sẽ vừa không trở thành kế toán cũng không thành cầu thủ bóng đá”, ông tâm sự. Trong ảnh: Văn Lâm (sau) tập luyện động tác xoạc chân dành cho thủ môn cùng em trai. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.
Lâm trở lại Việt Nam sau đó và tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Chính cha anh cũng từng nghĩ con trai không thể vượt qua được những thử thách trong cuộc sống, sự nghiệp ở Việt Nam. Trong khi đó, Lâm hiếm khi chia sẻ với cha mẹ về những khó khăn của anh. Trong ảnh: Văn Lâm (ở giữa, cao nhất) về trường cũ thi đấu và tập cùng các em nhỏ ở hơn. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cung cấp.

“Trong người cháu có cả dòng máu của những người đã thắng phát xít Đức và dòng máu của dân tộc Việt Nam thắng Mỹ nên cháu không sợ gì cả”, ông Sơn nói. “Mọi người hay gọi ‘Lâm Tây’ nhưng tôi nghĩ cháu ‘ta’ đấy, chứ không tây đâu. Cháu có dòng máu người Việt Nam nên mới kiên trì chịu đựng đến như thế, không bỏ cuộc”. Ảnh: Facebook Đặng Văn Lâm.

Theo Trọng Thuấn – Đông Phong/Zing.vn