Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

‘Chưởng Kim Dung’ và 60 năm làm chao đảo nhiều thế hệ độc giả Việt

Tác phẩm của Kim Dung không chỉ có lượng lớn độc giả Việt ở nhiều độ tuổi đón đọc, mà nhiều người còn say mê, nghiên cứu, viết sách về “truyện chưởng Kim Dung”.

Tác phẩm của Kim Dung đã được dịch ở Việt Nam từ lâu, qua nhiều năm, trở nên gắn bó với nhiều độc giả.

*Truyện Kim Dung được dịch ở Việt Nam gần 60 năm trước

Tác phẩm của Kim Dung được dịch ở Việt Nam từ khá sớm. Những năm 1960, một số bản dịch Bích huyết kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp… đã xuất hiện trên một số tờ báo. Sau đó, bản dịch Cô gái Đồ Long tạo nên cơn sốt với các độc giả.

Theo sách của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, những năm 1960, 1970 đã có khoảng 12 tác phẩm của Kim Dung được in gồm Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Tuyết Sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện (Lãnh nguyệt bảo đao), Ỷ thiên Đồ long ký, Liên thành quyết (Tố tâm kiếm), Thiên Long bát bộ (Lục mạch thần kiếm truyện), Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký…

Năm 1999, các tác phẩm của Kim Dung đã được công ty Phương Nam mua bản quyền để xuất bản tại Việt Nam. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến)… Tới nay, có nhiều công ty sách, nhà xuất bản tham gia phát hành tác phẩm Kim Dung ở Việt Nam.

Một số tác phẩm của Kim Dung.

Đặc biệt, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết các khảo luận về tác phẩm Kim Dung, ở đó, ông khảo cứu các vấn đề như lịch sử, cách xây dựng nhân vật, ngôn ngữ bình dân, hoa, võ công, rượu… trong tiểu thuyết Kim Dung. Các bài viết được in thành bốn tập sách Kim Dung giữa đời tôi, sau đó được in lại trong phiên bản toàn tập.

Khoảng 60 năm xuất hiện tại Việt Nam, tác phẩm của Kim Dung có sức ảnh hưởng lớn không chỉ ở phương diện số lượng độc giả. Tiểu thuyết của ông còn gây ấn tượng sâu sắc với các thế hệ bạn đọc Việt.

*Có một dòng văn học được gọi là chưởng Kim Dung

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ở Việt Nam, Kim Dung được dịch nhiều, các bản dịch đã ăn sâu vào quần chúng, tạo ra sự hâm mộ, say mê của quần chúng với tác phẩm của ông. Độc giả thẩm thấu được tác phẩm của ông qua văn phong người dịch.

Những cái tên như Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Vi Tiểu Bảo, Trương Vô Kỵ… trở thành nhân vật quen thuộc với mọi người. Một số tác giả Việt còn đặt bút danh theo nhân vật trong truyện Kim Dung.

Bìa cuốn chuyên khảo về tác phẩm Kim Dung.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá, sở dĩ, Kim Dung được hâm mộ sâu rộng như vậy bởi tác giả đã tạo ra dòng văn học riêng, gọi là “chưởng Kim Dung”. Truyện chưởng của Kim Dung có nhiều đặc trưng. Trong đó, các nhân vật không chỉ đánh đấm, mà câu chuyện luôn hướng thiện. Về mặt văn chương, chưởng của ông viết hấp dẫn, sinh động như cuộc đời, tỏa ra một phong cách riêng ảnh hưởng tới một số cây bút.

Độc giả của Kim Dung tại Việt Nam có nhiều người say mê, sưu tầm đủ bộ tác phẩm của ông. Kiến trúc sư Từ Xuân Minh (sinh năm 1976, Hà Nội) là người yêu thích tác phẩm Kim Dung. Anh đọc Kim Dung từ khi học lớp 8, tới nay đã 30 năm.

Từ một cuốn truyện Lãnh nguyệt bảo đao (Phi hồ ngoại truyện) bị rách đầu, mất đuôi đọc ké của ông nội, Từ Xuân Minh đã ấn tượng với nhiều đoạn và tìm đọc tác phẩm Kim Dung từ đấy.

Cũng như nhiều người cùng thế hệ, anh Từ Xuân Minh kể trước đây khan hiếm sách truyện, thường đọc ké tác phẩm Kim Dung, hoặc đi thuê về đọc. Những năm 1990, có cả trào lưu in lậu chưởng Kim Dung, chất lượng sách xấu nhưng mọi người vẫn săn lùng đọc. Tới những năm 2000, nhiều người đã tìm đọc Kim Dung qua mạng.

Say mê, yêu thích tiểu thuyết Kim Dung, anh Từ Xuân Minh đã sưu tầm đủ 16 bộ tiểu thuyết của ông đã in ở Việt Nam. Không những thế, anh Minh còn bỏ thời gian, công sức tìm kiếm, sưu tầm những cuốn sách cũ của Kim Dung in từ nhiều năm trước. “Lâu lâu tôi lại lấy truyện của Kim Dung ra đọc”, anh Minh nói.

Nhà văn Kim Dung có nhiều fan hâm mộ ở Việt Nam.

Theo anh Xuân Minh, về mặt cá nhân, anh rất thích những tiểu thuyết dã sử, kiếm hiệp. Trong khi đó, tiểu thuyết Kim Dung lại ly kỳ, hấp dẫn, mang tính giải trí cao.

“Chính vì cuộc sống hiện đại quá, mệt mỏi quá, làm cho tác phẩm của Kim Dung có giá trị, nó giúp độc giả thư giãn. Ngoài câu chuyện ly kỳ, võ thuật, tác phẩm của ông còn chứa đựng lịch sử, thời đại, văn hóa, phong tục… Trên tất cả, Kim Dung đã tạo ra những câu chuyện hết sức hấp dẫn”, Xuân Minh nói.

Không chỉ đọc tiểu thuyết, những người say mê như anh Từ Xuân Minh còn xem các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung, nhận xét rõ sự khác biệt giữa truyện và phim, sự khác nhau giữa các phim do các đơn vị khác nhau sản xuất.

Thỉnh thoảng, anh Minh gặp gỡ những người yêu thích tác phẩm võ hiệp để trò chuyện về tác phẩm của tiểu thuyết gia Kim Dung.

Bên cạnh những người sưu tầm sách, rất nhiều độc giả say mê tác phẩm của Kim Dung. Trên mạng xã hội, rất nhiều hội nhóm của những người yêu thích tác phẩm Kim Dung. Trong đó, hội Kiếm hiệp Kim Dung tới hơn 100.000 người tham gia, các nhóm như Hội yêu thích tác phẩm Kim Dung, Hội yêu thích phim Kim Dung, Tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung… đều có hàng nghìn tới hàng chục nghìn người tham gia, chia sẻ về tác phẩm mình hâm mộ.

Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sinh ra trong một gia tộc có bề dày thành tích khoa bảng với ông cố là nhà thơ nổi tiếng còn ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Ông được mệnh danh “Võ lâm minh chủ”, là nhà văn nổi tiếng nhất trong dòng tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhà văn 94 tuổi là tác giả của các tác phẩm Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ…

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học Trung Quốc, nhà văn Kim Dung được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc.

Theo Tần Tần/Zing.vn