Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Câu chuyện cuộc sống: Ứng xử khi con xem nội dung không phù hợp lứa tuổi

‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Truyền động lực cho bản thân, ứng xử khi con xem nội dung không phù hợp lứa tuổi.

Truyền động lực cho bản thân

Động lực được ví như một chất xúc tác, thúc đẩy mỗi người làm việc, học tập một cách thăng hoa, tập trung và hiệu quả hơn. Động lực rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi chúng ta. Thế nhưng, không ít người lại rất dễ rơi vào tình trạng thiếu động lực, chán nản và dễ bỏ cuộc, dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và cuộc sống.

Chị Nguyễn Hoàng My (TP.HCM) cho biết, trong suốt 2 năm chị phải chuyển việc đến 4 lần. Mặc dù là môi trường làm việc khá ổn định, mức thu nhập cũng tốt, nhưng mà chị lại thường xuyên mất động lực làm việc mà không biết nguyên do.

Anh Nguyễn Khắc Kinh Quốc (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã có gia đình và có hai đứa con. Công việc là điều kiện kinh tế để lo cho gia đình nên tôi phải cố gắng, dù là không có vui lắm, không có thích lắm, nhưng tôi sẽ vượt qua. Sẽ có một ngày nào đó các bạn trẻ đến một thời điểm và độ tuổi của tôi. Các bạn sẽ thấy rằng, các bạn không phải chỉ sống cho đam mê. Và lúc đó, bạn có quá nhiều thứ phải bảo vệ. Những con người các bạn bảo vệ đó chính là động lực của các bạn”.

Động lực là sức mạnh bên trong mỗi con người, là yếu tố giúp định hướng, thúc đẩy và duy trì hành vi liên tục để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra ở bất kỳ tình huống nào, tạo động lực cho bản thân là việc cần thiết. Có động lực, con người mới có đủ sức mạnh để vượt qua thử thách, giải quyết vấn đề nhanh hơn và đón nhận nhiều cơ hội mới.

Tiến sĩ Trịnh Viết Then – Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Động lực là một thuật ngữ mô tả quá trình bắt đầu, định hướng và duy trì các hành vi có mục đích nhằm hoàn thành các kế hoạch và hoạt động của con người. Đó chính là nguồn năng lượng, nguồn đam mê để thôi thúc mỗi người hoạt động một cách có hiệu quả. Yếu tố cấu thành nên động lực của mỗi con người gồm: thể chất, tâm lý cá nhân và môi trường xã hội, chúng tạo nên động lực của mỗi con người, giúp họ có hiệu quả trong mọi hoạt động”.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đã khiến không ít người dừng mất đi thói quen tạo động lực cho bản thân. Điều này đã ít nhiều dẫn đến những hệ lụy không mong muốn trong cuộc sống.

Ứng xử khi con xem nội dung không phù hợp lứa tuổi

Trong sự phát triển của công nghệ, trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn thông tin, trong đó cả những nội dung nhạy cảm chưa phù hợp với độ tuổi. Do vậy, phụ huynh cần cung cấp cho trẻ những kiến thức cần thiết nhất, là về giáo dục giới tính, để trẻ không tò mò và có cách ứng xử khéo léo khi phát hiện con xem những nội dung không phù hợp. Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ không chỉ nhận thấy được những thay đổi bên ngoài cơ thể mà còn cảm nhận những thay đổi tâm sinh lý từ bên trong.

ThS Nguyễn Hải Uyên, Chuyên gia Tâm lý cho biết, việc giáo dục giới tính ngoài việc giúp cho trẻ có thể hiểu được bản thân mình, hiểu được giới khác, biết cách thức chăm sóc bản thân, đồng thời, còn giúp cho trẻ biết quý trọng cơ thể của chính mình, và có cách thức bảo vệ bản thân phù hợp trước những cái chuyển động của xung quanh. “Thời điểm phù hợp nhất để giáo dục giới tính là thời điểm trẻ bắt đầu nhận thức được về bản thân mình, thường xoay quanh khoảng ở độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi. Chúng ta sẽ lưu ý rằng ở giai đoạn tiền dậy thì, những mục tiêu quan trọng đề ra là trẻ sẽ cần biết rõ về cơ thể của mình, biết cách gọi tên các bộ phận của cơ thể, biết đặc điểm khác biệt cơ bản giữa bạn trai và bạn gái. Đồng thời, biết cách tự bảo vệ bản thân khi mà người khác có sự xâm phạm vào những vùng riêng tư của mình. Ở giai đoạn khoảng từ 12 tuổi trở lên, trẻ sẽ có những rung cảm, cảm giác giới tính với những người bạn khác giới. Vậy thì, những cái tiếp xúc va chạm ở trên cơ thể cũng sẽ diễn ra. Cho nên, giáo dục giới tính ở giai đoạn đó, chúng ta sẽ cần cho trẻ biết những giới hạn nào của việc có những cái kết nối cặp đôi  giai đoạn tuổi học trò”chuyên gia chia sẻ.

Ngày nay, các em có cơ hội được tiếp cận sớm với công nghệ số, chỉ cần lỡ tay nhấn chuột vào các đường dẫn độc hại, trẻ có thể tiếp cận với những hình ảnh và video chứa nội dung không phù hợp lứa tuổi. Khi phát hiện con vô tình xem nội dung như vậy, cha mẹ thường có những phản ứng khác nhau. Có phụ huynh tức giận, cấm đoán, khó mở lời. Nhưng cũng có người thì nhẹ nhàng khuyên bảo.

Anh Huỳnh Nguyễn Phúc, TP.HCM chia sẻ: “Khi thấy ở các bé ở trong hoàn cảnh đó, chúng ta không nên làm bé phải xấu hổ, hay là tức giận, hay có những phản ứng nào đó tiêu cực”.

Đồng quan điểm, chị Phạm Hồng Đào ngụ tại Tỉnh Long An cho biết, khi phát hiện ra con trẻ xem những nội dung không đúng, chị sẽ hướng dẫn cho con, sẽ trao đổi với con, chỉ ra những cái nên xem, để cho trẻ tiếp cận với những cái đúng đắn. “Tôi sẽ cư xử mềm mỏng, trao đổi giống như là một người bạn với trẻ, để trẻ có thể tiếp thu”chị Đào chia sẻ.

Chuyên gia Tâm lý Cao Kim Thắm, Trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam cho biết, những trường hợp ba mẹ hơi ngại khi nói về cái vấn đề giới tính, không biết làm sao giáo dục cho con, hoặc trốn tránh cho qua chuyện, đôi khi là nóng giận, cấm đoán. \

Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.