Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Giỗ tổ Hùng Vương kể chuyện 5 danh tướng lừng lẫy

Ngay từ thời Hùng Vương, đất nước ta đã sản sinh ra những danh tướng góp công lớn đánh tan quân xâm lược, giữ yên bờ cõi.

Ngoài Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng, Hùng Linh Công, 3 danh tướng họ Phan ở Hải Dương và Phan Tây Nhạc là 5 danh tướng lừng lẫy nhất dưới thời các vua Hùng.

Trong số đó, không ít nhân vật chỉ là truyền thuyết, nhưng được ghi lại trong sử sách đến ngày nay, thể hiện tinh thần anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

Thần tướng tiên phong của Thánh Gióng

Theo cuốn Ngọc phả quốc lục, Hùng Linh Công là con của Hùng Nhạc, cháu ruột Hùng Vương thứ VI.

Tương truyền, lúc mới sinh ra, ông đã “tay chân mập mạp, hình dong tựa lân hổ, cốt cách như bách tùng, khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, 15 tuổi đã cao 9 thước, hàm én, mắt phượng, mày ngài. Đôi vai có thể đỡ trăm cân đá rắn, lại tỏ ra là thiên tư hiểu biết, đức độ hơn người”.

Lê hội đền Y Sơn ở Bắc Giang tưởng nhớ Hùng Linh Công. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Lớn lên, Hùng Linh Công được vua phong làm Bồ Thống, sau lại được phong làm Thống quốc quân giám tả phụ, trông coi xứ Kinh Bắc.

Khi giặc Ân từ phương Bắc sang xâm lược nước ta, Hùng Linh Công được vua ban cho thanh kim đao và 30.000 binh mã tiên phong cự chiến. Sau khi ra chiến trận, Hùng Linh Công đã xuất binh tiếp ứng, cùng Thánh Gióng hợp binh đánh cho giặc Ân tan vỡ, bỏ chạy tán loạn.

Theo truyền thuyết, sau khi Thánh Gióng tới Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời, Hùng Linh Công cũng lui quân về xã Hiệp Hòa. Đến ngày 8/8, trời đổ mưa, chợt nghe ba tiếng sét lớn, binh sĩ, nhân dân chạy ra xem, thấy Hùng Linh Công cưỡi trên con hổ đen, tay cầm thanh kim đao từ từ bay lên, đến đầu núi thì biến mất.

Sau khi Hùng Linh Công đi rồi, nhân dân lập đền thờ, vua sai trăm quân đem sắc chỉ, mũ áo đến nơi làm lễ và truyền cho chúng dân tu sửa nơi đền miếu tế tự hương hỏa, lại sắc phong mỹ tự “Y Sơn linh tích đại vương”, cho phép xã Hiệp Hòa được phụng tế, hàng năm sai trăm quan về tế lễ.

Ba anh em danh tướng họ Phan cùng diệt giặc Ân

Theo ngọc phả đình Cao Xá, dưới triều vua Hùng Vương thứ VI, gia đình ông Phan Tiệp là người đức độ, nhân từ, hay ra tay giúp người. Ông sinh được 3 con trai là Phan Chí, Phan Khí và Phan Minh. Cả 3 thông minh hơn người, lại học hành chăm chỉ.

Theo sách Thiên Nam ngữ lục và Lĩnh Nam chích quái, bấy giờ, giặc Ân đông như kiến, quân đến trăm nghìn, tướng đến gần nghìn, đóng đồn chi chít dọc theo các bờ sông. Chúng chiếm giữ địa thế cao của các núi Trâu Sơn, Phả Lại, Thất Diệu… Đi đến đâu, chúng cũng tìm cách cướp bóc của cải, giết hại dân lành.

Trước vận nước lâm nguy, 3 anh em từ biệt gia đình lên đường ra trận. Trên trận tiền, 3 anh em họ Phan tả xung hữu đột, cùng các tướng lĩnh của vua Hùng đánh cho quân địch tan tác.

Tương truyền, trong một trận kịch chiến, hai vị tướng Phan Chí và Phan Khí lọt vào vòng vây của địch, hy sinh. Vừa mang thù nhà vừa mang nợ nước, tướng quân Phan Minh dốc tâm diệt giặc, lập thêm nhiều công lớn.

Sau chiến thắng giặc Ân, Phan Minh được vua trọng thưởng, nhưng ông không nhận, xin trở về quê phụng dưỡng cha mẹ già, hương khói cho hai anh rồi mất tại đây.

Để ghi nhớ công lao của 3 vị tướng họ Phan, Vua Hùng đã phong làm phúc thần, giao cho các thôn Cao Xá, Nhữ Thị, An Đông lập đình thờ.

Hiện nay, cả 3 vị tướng đều được nhân dân quê nhà tôn làm thành hoàng. Tháng giêng hàng năm, lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc giúp nước và ôn lại truyền thống con Lạc cháu Hồng lại được tổ chức tại đây.

Danh tướng khởi xướng tục thi thổi cơm

Theo công bố của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phan Tây Nhạc là danh tướng thời Hùng Vương thứ XVIII, tức Hùng Duệ Vương. Ông quê ở trang Bùi xá, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là thôn Bùi Nga, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Tượng thờ Phan Tây Nhạc đại vương đình Thị Cấm, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Hội đồng Phan tộc.

Sinh thời, Phan Tây Nhạc từng có công đánh giặc cứu nước, được Vua Hùng gả cháu ngoại cho cho. Sau khi qua đời, ông được vua phong thành hoàng, được thờ ở đình làng Thị Cấm và làng Hòe Thị (Hà Nội ngày nay).

Tương truyền, khi Phan Tây Nhạc đi đánh giặc, vợ ông là bà Hoa Dung cùng rất đông dân làng xin được đi theo để phục dịch. Nhận thấy, trong quân đội có phụ nữ lo việc cơm nước thì việc quân thuận lợi, Phan Tây Nhạc liền tổ chức hội thi nấu cơm để chọn người giỏi nuôi quân. Kết quả, bà Hoa Dung và nhiều chị em làng Thị Cấm, Thị Hòe được tuyển chọn.

Sau khi thắng trận, Phan Tây Nhạc và bà Hoa Dung trở về làng Thị Cấm, được Vua Hùng phong tước. Bà Hoa Dung còn có công dạy nhân dân làm nghề thủ công. Khi hai ông bà qua đời, nhân dân Thị Cấm và Hoè Thị đã tôn Phan Tây Nhạc và Hoa Dung làm thành hoàng của làng.

Ngày nay, ngày 12/2 Âm lịch hàng năm, nhân dân đình làng Hòe Thị ở Từ Liêm, Hà Nội, lại tiến hành hội thi thổi cơm để tưởng nhớ vợ chồng danh tướng Phan Tây Nhạc ngay tại đền thờ ông.

Lễ hội thi thổi cơm còn được cùng một số địa phương khác như Hà Tây (cũ), Thanh Hóa, Nam Định để diễn lại tích này.

Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing.vn