Thói tham quyền cố vị của CEO Facebook một lần nữa bị cổ đông phản ứng. Một nhóm cổ đông đã yêu cầu Zuckerberg rời khỏi vị trí chủ tịch hội đồng quản trị trong năm sau.
Một số công quỹ đang nắm cổ phần Facebook đã hậu thuẫn một chiến dịch nhằm “đá bay” Mark Zuckerberg khỏi vị trí chủ tịch Facebook, sau những bê bối liên tiếp gần đây.
Những thủ quỹ tiểu bang đến từ Illinois, Rhode Island, Pennylvania và ông Scott Stringer, Giám đốc kiểm toán của thành phố New York đã đồng lòng nộp đơn yêu cầu Mark từ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Họ đã đổ tiền vào Facebook thông qua quỹ đầu tư Trillium Asset Management hồi tháng 6.
Nhờ nắm 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết, Mark Zuckerberg sẽ mãi ở vị trí chủ tịch hội đồng. Ảnh: Reuters.
Bản đề xuất trên yêu cầu Facebook thay thế chủ tịch hội đồng quản trị mới trong kỳ họp thường niên vào tháng 5/2019.
“Facebook đóng vai trò quan trọng trong xã hội và kinh tế. Họ có trách nhiệm xã hội và minh bạch tài chính. Vì vậy chúng tôi yêu cầu sự độc lập và trách nhiệm trong các cuộc họp”, Stringer yêu cầu vai trò CEO và chủ tịch hội đồng quản trị của Facebook phải được nắm giữ độc lập.
Trong năm 2017, một đề xuất và tính độc lập tương tự đã được nhiều người bình chọn. Tuy vậy, nó đã bị Facebook bác bỏ với lý do “gây ra sự thiếu ổn định, nhầm lẫn và kém hiệu quả cho ban quản trị trong chức năng quản lý và quan hệ”.
Hiện, Mark Zuckerberg có khoảng 60% quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị.
Trong cuộc họp vào quý I/2016 của Facebook, hội đồng quản trị công ty này đã phê chuẩn đề xuất tạo ra một loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết (cổ phiếu loại C). Quyết định này được cho là của Mark Zuckerberg, người đang nắm giữ hơn 50% quyền biểu quyết và trực tiếp hưởng lợi từ cổ phiếu loại C.
Cụ thể, trong khi cổ phiếu loại C không có quyền biểu quyết, Mark Zuckerberg cũng đã nắm đến 60% cổ phiếu thuộc 2 loại còn lại (A và B) được biểu quyết.
Việc này giúp Zuckerberg luôn nắm quyền “sinh sát” trong tay. Nếu Facebook sử dụng cổ phiếu với mục đích thưởng, trả công cho nhân viên hay dùng cổ phiếu cho các thương vụ mua lại, cổ phiếu chứa quyền biểu quyết của Zuckerberg sẽ không bị pha loãng.
Bên cạnh đó, nếu Zuckerberg muốn quyên tặng hoặc bán cổ phiếu của mình cho hoạt động từ thiện, ông cũng có thể sử dụng cổ phiếu loại C, duy trì quyền biểu quyết của mình ở Facebook.
Theo Trọng Hưng/Zing.vn