Lượng phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung rất đồ sộ. Nhưng không phải tác phẩm nào cũng được công chúng yêu mến.
Tân Tiếu ngạo giang hồ (2018): Sau thành công vang dội của Tiếu ngạo giang hồ bản 2001, các phiên bản phim sau này đều buộc phải tìm hướng đi mới. Điều đó vô tình dẫn tới những cải biên lỗi nhịp hay thậm chí thảm họa. Nam chính Đinh Quán Sâm trở thành tâm điểm của sự chỉ trích với gương mặt quá non nớt cùng diễn xuất dở tệ khi vào vai Lệnh Hồ Xung. Nhậm Doanh Doanh của Tiết Hạo Tinh cũng chẳng khá hơn là bao. Thậm chí, nhà sản xuất còn trẻ hóa và thay đổi rất nhiều tình tiết xoay quanh Đông Phương Bất Bại. Cộng thêm những cảnh võ thuật và kỹ xảo hời hợt, tất cả khiến Tân tiếu ngạo giang hồ hứng chịu đủ lời chỉ trích.
Tân Thần điêu đại hiệp (2014): Trong lần thứ hai chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung, Vu Chính tiếp tục áp dụng công thức “hứng gạch đá” để gây tiếng vang. Lần này, tâm điểm của chê bai nhắm vào nhân vật Tiểu Long Nữ do Trần Nghiên Hy thủ vai với tạo hình “xấu đến hài hước”. Cô hoàn toàn bị dàn nữ phụ lấn át về mặt nhan sắc. Bên cạnh đó, “biên kịch vàng” còn cải biên tới mức khó chấp nhận khi cho Dương Quá (Trần Hiểu) tán tỉnh Lý Mạc Sầu (Trương Hinh Dư), hay Hoàng Dược Sư (Lý Minh Thuận) ngoại tình với Mai Siêu Phong (Dương Dung).
Tân Tiếu ngạo giang hồ (2013): Dưới bàn tay nhào nặn của Vu Chính, Tân tiếu ngạo giang hồ bị khán giả công kích tới mức gọi là “thảm họa truyền hình năm 2013”. Bộ phim khiến cộng đồng fan Kim Dung phẫn nộ khi đưa Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân) thành nữ chính thay cho Nhậm Doanh Doanh (Viên San San). Mối quan hệ của họ với Lệnh Hồ Xung (Hoắc Kiến Hoa) bị biến thành câu chuyện tình tay ba tẻ nhạt. Thậm chí, ông còn thêm nhiều tình tiết “ảo diệu” như màn thay tim ở những tập cuối. Ngoài ra, tạo hình lòe loẹt của nhân vật và phần kỹ xảo kém cỏi càng khiến thành phẩm mất điểm nghiêm trọng.
Tân Thiên long bát bộ (2013): Phiên bản Tân thiên long bát bộ do Đài truyền hình Triết Giang sản xuất hứng chịu không ít lời chê bai từ phía khán giả ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên. Lần lượt các tên tuổi Kibum, Trương Mông và Giả Thanh đều bị cho là chưa đủ “sức nặng” để góp mặt. Và chỉ sau vài tập công chiếu, bộ phim càng bị “ném đá” dữ dội hơn vì tạo hình nhân vật quá xấu và diễn xuất đơ cứng. Đạo diễn Lại Thủy Thanh cũng cải biên quá mức nguyên tác khi biến một tác phẩm kiếm hiệp thành ngôn tình sến sẩm.
Anh hùng xạ điêu (2008): Dù không phải là phiên bản hay nhất, Anh hùng xạ điêu bản 2003 vẫn gặt hái thành công vang dội tại nhiều quốc gia với nội dung hấp dẫn, và đặc biệt là diễn xuất lôi cuốn của Lý Á Bằng, Châu Tấn… Do đó, bản phim 2008 không tránh khỏi việc bị đưa ra so sánh. Diễn xuất của Hồ Ca và Lâm Y Thần đều bị cho là thua kém hai bậc tiền bối, nhất là khi họ không thể thể hiện thần thái nhân vật. Bên cạnh đó, đạo diễn Lý Quốc Lập cho cải biên quá nhiều chi tiết như để Dương Khang (Viên Hoằng) cải tà quy chánh, hay Âu Dương Khắc (Lý Giải) yêu Mục Niệm Từ (Lưu Thi Thi)…
Tuyết sơn phi hồ (2007): Tuyết sơn phi hồ được đánh giá cao về mặt diễn xuất, nhưng thực tế vẫn gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng fan Kim Dung. Với “thành tích” cải biên truyện Kim Dung, Vương Tinh tiếp tục biến tác phẩm thành câu chuyện tình tay tư giữa Hồ Phỉ (Nhiếp Viễn) và ba cô gái Viên Tử Y (Chu Ân), Miêu Nhược Lan (An Dĩ Hiên), Trình Linh Tố (Chung Hân Đồng). Ông thực tế đã gộp cả hai tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện vào cùng một loạt phim, rồi thay đổi số phận và tính cách của khá nhiều nhân vật. Như từ một nhân vật phụ với ngoại hình xấu xí trong nguyên tác, Trình Linh Tố bỗng trở nên xinh đẹp và cướp luôn đất diễn của nữ chính Miêu Nhược Lan.
Tiểu Bảo và Khang Hy (2000): Trong các phiên bản Lộc đỉnh ký trên màn ảnh nhỏ, Tiểu Bảo và Khang Hy là cái tên bị người hâm mộ đem ra bàn tán nhiều nhất. Bộ phim như phiên bản dài tập của hai phim điện ảnh Lộc đỉnh ký do Châu Tinh Trì đóng chính. Nhiều khán giả cho rằng Tiểu Bảo và Khang Hy đã phá hỏng hoàn toàn tinh thần và ý nghĩa của nguyên tác khi biến Vi Tiểu Bảo (Trương Vệ Kiện) thành một anh hùng nghĩa khí và thông minh, tài năng xuất chúng, thay vì gian manh, nịnh bợ như ý đồ của Kim Dung. Bên cạnh đó, Vương Tinh cũng đưa ra nhiều cải biên khi thay đổi quá khứ của một trong bảy người vợ, hoặc cho Kiến Ninh công chúa (Lâm Tâm Như) chết ở cuối phim.
Theo Minh Tuyết/Zing.vn