Kênh phân phối sách online tăng trưởng vượt bậc trong 3 tháng đầu năm, nhưng cũng không kéo nổi doanh thu cho cả ngành do hệ thống nhà sách chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch.
Ba tháng đầu năm, ngành hàng sách trên Tiki tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sàn thương mại điện tử này cho biết đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 3 năm qua.
Phân phối sách online tăng đột biến
Tại Tiki, 5 loại sách bán chạy nhất trong 3 tháng qua là sách kiến thức tổng hợp, sách thiếu nhi, sách y học, truyện tranh – manga – comic và sách lịch sử. Trong đó, so với cùng kỳ năm ngoái, các đầu sách về kiến thức tổng hợp tăng trưởng gần 80%, sách thiếu nhi tăng 75% và sách y học tăng gần 65%.
Đặc biệt, sau Hội sách online tháng 3 vừa qua, với sự hợp tác của nhiều công ty phát hành, Tiki ghi nhận kết quả tăng trưởng gần gấp 2 lần so với năm 2019. Ông Đỗ Huy Quốc – Giám đốc ngành hàng sách tại Tiki cho biết, Nhã Nam thu về kết quả kinh doanh rất tích cực thông qua chương trình này. Trước đó, trong tháng 2, AZbooks cũng tăng gấp đôi lượng sách bán ra trên sàn so với năm 2019.
Chia sẻ với Zing, CEO Anbooks Ngô Phương Thảo xác nhận, lượng đơn đặt hàng sách thông qua hệ thống Tiki tăng khoảng 20% so với trước khi xuất hiện dịch Covid-19, trong khi Saigon Books cũng ghi nhận doanh thu mảng online tăng nhẹ.
Các đơn vị phân phối sách online hiện kết hợp với nhiều công ty phát hành thực hiện khuyến mãi nhiều đầu sách thu hút. Ảnh chụp màn hình.
Thực tế, không chỉ Tiki mà các sàn thương mại điện tử khác, tiêu biểu là Fahasa.com, cũng nhận được kết quả tích cực trong thời gian qua, giữa bối cảnh người đọc ngại đến nơi công cộng như nhà sách. Các công ty phát hành sách, nhà sách cũng chủ động xây dựng kênh bán hàng riêng qua Facebook, hotline.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng giám đốc Công ty CP Văn hóa Phương Nam cho biết, lượng sách bán qua kênh online của doanh nghiệp này tăng đột biến đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng online chưa đủ bù doanh thu sụt giảm
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – CEO Saigon Books, kênh phân phối online chỉ chiếm chưa đến 50% cơ cấu doanh thu, do đó tình hình kinh doanh nhìn chung vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ông cho rằng sớm nhất trong quý III/2020, ngành sách mới có thể phục hồi.
Hiện nay, các hệ thống nhà sách đã hạn chế lượng khách đến mua, thậm chí đóng cửa tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM… Doanh số của Saigon Books trong tháng 3 giảm 30%, dự báo tháng 4 giảm khoảng 50% so với trung bình hàng tháng trước dịch.
Báo cáo của các đơn vị phát hành sách lớn như Fahasa, Phương Nam, Nhân văn, Tiền phong, Tân Việt, đường sách Nguyễn Văn Bình… và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Alpha, Thái Hà, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A… cũng cho thấy doanh thu giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết đang tìm cách đẩy mạnh các kênh bán hàng online và hoạt động marketing trên mạng xã hội, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, combo giảm giá để thu hút khách hàng.
Khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Đỗ Huy Quốc bày tỏ niềm tin mua sắm sách online sẽ là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.
“Mua sắm online khắc phục được giới hạn về không gian, thời gian, tốc độ giao hàng mà các hệ thống offline chưa đáp ứng được. Từ đó, khách hàng có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí. Tiki đặt mục tiêu tăng trưởng đối với ngành sách ở mức cao và vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ này trong những năm qua”, ông chia sẻ.
Trao đổi với Zing, các doanh nghiệp đều cho biết sẽ đẩy mạnh phát hành các sản phẩm sách kỹ năng, kiến thức, đặc biệt là kiến thức y khoa và các đầu sách dành cho gia đình, nuôi dạy con cái trong thời gian tới.
Gần nhất, Anbooks đưa ra thị trường cuốn “Đại dịch! Tim không đập thình thịch” của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cung cấp nhiều kiến thức hữu ích cho độc giả về dịch Covid-19 và kiến thức y khoa về dịch tễ cộng đồng, giúp độc giả có kiến thức đúng và đủ về dịch bệnh.
Theo Lan Anh /Zingnews.vn