Dưới thời HLV Park Hang-seo hay Philippe Troussier, việc thiếu chân sút giỏi luôn là nỗi lo của đội tuyển Việt Nam.
Nỗi lo muôn thuở
Vòng 21 V-League 2023 – 2024 vừa qua, Rafaelson đi vào lịch sử giải đấu với 5 bàn thắng ghi vào lưới CLB Thanh Hóa, giúp đội Nam Định thắng 5-2. Với 26 bàn thắng, Rafaelson sẽ nối dài quãng thời gian các chân sút ngoại thống trị V-League lên 7 mùa giải liên tiếp.
Trong danh sách đua vua phá lưới, xếp sau Rafaelson là… 7 tiền đạo ngoại khác. Từ vị trí thứ 9 trở đi, tiền đạo nội mới xuất hiện.
Chuyện tiền đạo nội đánh mất vị thế ngay trên sân nhà không phải bây giờ mới có, nhưng đang trở nên đậm nét hơn bao giờ hết ở mùa giải này. Ở V-League hiện tại, chỉ có 3 đội bóng mà chân sút số 1 là nội binh, đó là Hà Nội, Quảng Nam và HAGL. 11 đội bóng còn lại, trong đó có đội đầu bảng Nam Định, đều đang trở thành “con tin” của những tiền đạo nước ngoài.
Tuấn Hải đã có 7 bàn ở V-League 2023 – 2024 (Ảnh: Minh Tú)
Tại một trong những đội đóng góp nhiều tuyển thủ quốc gia nhất như Thể Công Viettel, Pedro Henrique chỉ cần ghi 4 bàn sau 6 trận là trở thành… chân sút số một.
“Các đội V-League đang phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh”, lời cảm thán của HLV Daiki Iwamasa là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ảnh hưởng trực tiếp đến đội tuyển Việt Nam.
Khi đứng trên đỉnh cao, HLV Park Hang-seo nhận định: bóng đá Việt Nam chỉ có 3 tiền đạo giỏi gồm Tiến Linh, Công Phượng và Đức Chinh. Trong số này, chỉ còn Tiến Linh trụ lại. Công Phượng chỉ được gọi ở một số đợt, còn Đức Chinh đã rơi vào quên lãng với 1 bàn thắng ở cấp CLB trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, nếu ông Park còn có Tiến Linh như “bùa hộ mệnh” với những bàn thắng quan trọng, HLV Troussier lại không tìm được chân sút tin cậy nào. Trong vỏn vẹn 11 bàn ghi được sau 14 trận dưới thời ông thầy người Pháp, chân sút số 1 là Tuấn Hải chỉ ghi 3 bàn, trong đó 2 bàn là từ các trận giao hữu.
Chờ đột phá của HLV Kim Sang-sik
Ông Kim Sang-sik đã gọi 6 tiền đạo ở đợt tập trung đội tuyển Việt Nam đầu tiên, gồm Tuấn Hải, Tiến Linh, Văn Toàn, Vĩ Hào, Văn Tùng và Ngọc Sơn.
Văn Toàn sẽ có chỗ đứng? (Ảnh: Thụy An)
Hai cái tên cuối gây tranh cãi hơn cả, khi Văn Tùng chỉ ghi 1 bàn sau 3 năm đá V-League (34 trận), còn với Ngọc Sơn là 4 bàn sau 4 năm. Mùa này, Ngọc Sơn ra sân 13 trận, chưa lần nào tìm được mành lưới đối thủ.
Nguyên nhân dễ lý giải nhất cho quyết định của HLV Kim Sang-sik, đó là ông gọi các chân sút trẻ để đầu tư cho tương lai. Vĩ Hào, Văn Tùng và Ngọc Sơn đều ở độ tuổi U.23, cần được lên đội tuyển Việt Nam để mài giũa, tích lũy kinh nghiệm. Có thể, nhà cầm quân người Hàn Quốc muốn nhìn thấy điều gì đó ở những viên ngọc thô.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam hay nơi đâu cũng vậy. Nơi xây dựng nền tảng cho cầu thủ là CLB, còn đội tuyển quốc gia chỉ là “phần ngọn”. Nếu thực tế các chân sút trẻ cứ… nhàn nhạt ở CLB, thì dù lên đội tuyển quốc gia bao nhiêu lần, cũng rất khó đột phá. Trường hợp của Văn Tùng, cầu thủ ông Troussier ưu ái gọi lên tuyển nhiều lần nhưng chưa tiến bộ, là một ví dụ.
Bài toán tấn công của ông Kim Sang-sik sẽ xoay quanh 3 nhân tố cũ: Văn Toàn, Tiến Linh và Tuấn Hải. Trong đó Văn Toàn đã ghi 5 bàn mùa này, còn Tiến Linh và Tuấn Hải đều có 7 pha lập công.
Tiến Linh là “đầu tàu” của CLB Bình Dương (Ảnh: VPF)
Cả ba đều đá chính thường xuyên ở CLB, trong đó Tiến Linh đá trung phong tại Bình Dương, Văn Toàn dạt cánh ở Nam Định, còn Tuấn Hải đá rộng, chơi đa năng ở Hà Nội.
Các chân sút của ông Kim đều đạt độ chín sự nghiệp, có nền tảng thể lực và cảm giác bóng tốt do được ra sân thường xuyên. Trong bối cảnh hầu hết các đội V-League dành sàn diễn cho chân sút ngoại, những tiền đạo Việt Nam phải chấp nhận tự tìm kiếm thời cơ cho mình.
Nếu có chiến thuật hợp lý (như cách ông Park đưa Tiến Linh trở thành vua phá lưới AFF Cup 2022), phát huy được ưu điểm của học trò, HLV Kim Sang-sik vẫn có đủ bột để gột nên hàng tấn công “xem được”.
Theo Hồng Nam/Thanhnien.vn