360 độ Giải trí

Trang phục lấy cảm hứng từ Sơn Tinh thắng giải tại Mister Vietnam 2024

Tại đêm chung kết Mister Vietnam 2024 diễn ra tối 25/9 vừa qua, Top 10 + 1 thí sinh Mister Vietnam đã mang đến những phần trình diễn mãn nhãn với những trang phục được lấy cảm hứng thiết kế từ văn hóa dân tộc của các NTK trẻ, tạo ấn tượng sâu sắc đến khán giả. Có thể nói, mỗi thiết kế đều rất công phu, thể hiện được những vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Việt Nam rõ nét, hoàn toàn xứng đáng đồng hành cùng các đại diện Việt Nam bước trên sân khấu tại các cuộc thi nhan sắc hàng đầu thế giới. 

Phần trình diễn trang phục dân tộc được xem là một trong những phần đặc sắc nhất, nhận được nhiều tiếng trầm trồ khen ngợi từ hàng ghế khán giả nhất trong đêm Chung kết Mister Vietnam 2024. 

Top 10 + 1 bộ trang phục dân tộc được trình diễn tại đêm thi là những tác phẩm thiết kế xuất sắc từ 60 thiết kế tham gia cuộc thi tuyển chọn “Thiết kế National Costume” với chủ đề “My Vietnam” đã được giám đốc sáng tạo Mr. Thịnh Chocolate cùng với BTC Mister Vietnam phát động từ giữa tháng 7 vừa qua. Đây là những tác phẩm được đánh giá là thể hiện được khả năng sáng tạo, độc đáo và lan tỏa được tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, cảm hứng về văn hóa và con người Việt Nam. Các tác phẩm được thể hiện trong đêm Chung kết gồm: Vũ Khúc Tày (Ntk Trần Kiều Thu Ngọc), Săn Bắt Mặt Trời (Ntk Khắc Hoàng), Đầu Cơ Nghiệp (Ntk Huỳnh Huấn), Tam Thổ Lý Ngư (Ntk Nguyễn Đức Lương), Hùng Ca Âu Lạc (Ntk Đạt Nguyễn), Ý Chí Nam Nhân (Ntk Nguyễn Thị Thu Thảo), Sơn Thần (Ntk Bùi Hoài Duy), Ngưu Sơn Đấu (Ntk Nguyễn Nhựt Duy), Sênh Tiền Võ Khúc (Ntk Trần Hoài Thuận), Tinh Hoa Gốm Việt (Ntk Lưu Bình Tấn), Thăng Long Ngàn Năm (Ntk Nguyễn Đức Lương).

Loạt trang phục dân tộc độc đáo xuất hiện trong đêm chung kết Mister Vietnam 2024.

Cũng trong đêm Chung kết, BTC Mister Vietnam đã công bố Top 3 tác phẩm “Thiết kế National Costume” dành cho các đại diện Việt Nam sẽ tham gia các cuộc thi dành cho nam giới lớn nhất thế giới, với giải thưởng trị giá 50 triệu đồng cho giải nhất, giải nhì và giải ba lần lượt nhận giải thưởng trị giá 30 triệu đồng và 20 triệu đồng. Giải nhất thuộc về tác phẩm Sơn Thần của NTK Bùi Hoài Duy, NTK Khắc Hoàng với tác phẩm Săn Bắn Mặt Trời đoạt giải nhì và tác phẩm Đầu Cơ Nghiệp của NTK Huỳnh Huấn được trao giải ba. Các tác phẩm này sẽ đồng hành cùng Quán quân, Á quân Mister Vietnam 2024 tại các cuộc thi nhan sắc thế giới dành cho nam trong thời gian tới.

Về Giải nhất: Sơn Thần – Nhà thiết kế: Bùi Hoài Duy

Ý tưởng thiết kế: Lấy cảm hứng từ Sơn Tinh, một trong bốn vị Tứ Bất Tử của Việt Nam, Sơn Thần đại diện cho ý chí chinh phục tự nhiên của người dân Việt, vị thần đại diện cho sức mạnh và lòng dũng cảm của nam nhi, bộ trang phục tái hiện lại hình tượng của Tản Viên Sơn Thánh và phong tục cổ của người Việt như tục xăm mình, sinh hoạt, săn bắt được thể hiện thông qua các hoa văn hoạ tiết trên Trống Đồng.

Tác phẩm Sơn Thần – Nhà thiết kế: Bùi Hoài Duy đoạt giải nhất.

Giải nhì: Săn Bắt Mặt Trời – Nhà thiết kế: Khắc Hoàng

Ý tưởng thiết kế: Lấy ý tưởng từ sử thi Đăm Săn không chỉ là một sản phẩm thời trang mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc. “Đăm Săn đi bắt Nữ thần Mặt trời” là một câu chuyện giàu tính sử thi, khắc họa hình tượng một anh hùng hào hiệp, đồng thời phản ánh một thế giới quan phong phú và đa dạng. Câu chuyện không chỉ mang giá trị văn học mà còn là một tài liệu quý giá để nghiên cứu về văn hóa người Ê Đê.

Tác phẩm Săn Bắt Mặt Trời – Nhà thiết kế: Khắc Hoàng đoạt giải nhì.

Giải ba: Đầu Cơ Nghiệp – Nhà thiết kế: Huỳnh Huấn

Ý tưởng thiết kế: Ông cha ta có câu tục ngữ “con Trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu là một loài vật quen thuộc quan trọng nhất đối với người nông dân xưa. Còn “đầu” ở đây có nghĩa là đi đầu, là điều quan trọng cần phải có. “Cơ nghiệp” được hiểu là sự nghiệp, là quá trình tạo dựng tài sản cho cuộc sống. Câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” có nghĩa là con trâu là là loài động vật rất quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp, cuộc sống của người dân ngày xưa và thiết kế “Đầu Cơ Nghiệp” cũng dựa trên ý nghĩa đó mà thành hình. Bên cạnh đó thiết kế tái hiện lại một bức tranh lịch sữ của người nông dân Việt Nam qua nhiều thời kì “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” gắn bó cùng con trâu, cùng cánh đồng cùng những khắc nghiệt của cuộc sống để tìm cho mình những hạt gạo và giấc mơ cơm no áo ấm trong những tháng ngày cơ cực.

Tác phẩm Đầu Cơ Nghiệp – Nhà thiết kế: Huỳnh Huấn đoạt giải ba.