Công nghệ

Đâu là xu hướng đầu tư vào ICO trong tương lai?

Nhìn lại thời gian qua, chúng ta có thể thấy được ICO là một cái gì đó khá mơ hồ. ICO bất thình lình xuất hiện tại thị trường Việt Nam và rồi cụm từ này ngày càng được nhiều người biết đến, lan toả mạnh mẽ như một phong trào “làm giàu không khó” trong lĩnh vực Crypto – Blockchain kể từ năm 2017 cho đến nay.

ICO và Phong trào làm giàu không khó

Đỉnh điểm của phong trào ICO là nó đã khiến cho một số người từng thay đổi cách nghĩ về việc kiếm tiền từ những công việc truyền thống hàng ngày, thay vào đó là “ý tưởng” nên đầu tư vào ICO để kiếm được tiền nhanh hơn và nhiều hơn.

Hàng ngàn người, hàng vạn người, thậm chí… hàng triệu người trên toàn thế giới không biết, thậm chí không hiểu gì về ICO trong lĩnh vực Blockchain bỗng dưng sau một đêm lại trở thành “chuyên gia” phân tích tài chính. Thế là họ đã lao vào ICO như những con thiêu thân bằng việc “canh me – săn tìm” cho bằng được những dự án ICO đang chuẩn bị mở bán để nhanh chân đặt một vé “lên thuyền” nhằm thoả mãn ước vọng “đổi đời” trong một ngày gần nhất. Thế nhưng…

ICO khi đã trở thành Trend chung của thị trường tài chính ở lĩnh vực Crypto thì những ai thuộc dạng “nhanh tay – lẹ chân” nhìn ra xu hướng đó đều có thể dễ dàng gọi vốn.

Chỉ với một tờ A4, các nhà phát hành token vẽ thêm vào đó một số hình “bát quái”, một số công thức mà chỉ có tầm cỡ như “Giáo sư – Tiến sĩ” chuyên ngành mới hiểu rõ được nó là gì, ra sao.!

Sau đó, họ thổi vào “lỗ tai” cộng đồng (user) những ý tưởng đẹp như mơ, hùng hồn tuyên bố khi hiện thực hoá xong sản phẩm thì dự án của họ sẽ thay đổi toàn bộ quy luật vũ trụ.

Với một đội ngũ “đẹp trai”, khoác trên mình đầy đủ các loại học vị của nhiều ngành nghề, một ý tưởng tốt được khắc trên tờ A4 (WPP) hay ho đến mức không còn có thể chê vào đâu được, website thật chuẩn chỉnh… tất cả chỉ cần thế thôi.

“OK, let’s go, chúng ta có thể đi gọi vốn được rồi”

Từ khi chính thức cho dự án ra đời, mở bán ICO đến khi kết thúc ICO đôi khi không quá 20 ngày, người ta (nhà phát hành coin) có thể dễ dàng kiếm vài chục triệu USD, thậm chí có trường hợp ghi nhận có đơn vị gọi vốn bằng ICO đã kiếm được hơn 100 triệu USD.

Chỉ theo thống kê riêng của đơn vị Tokendata (một trong những đơn vị chuyên theo dõi các dự án ICO toàn cầu), chỉ trong 2017 trên thế giới đón nhận hơn 900 đợt gọi vốn của các nhà phát hành coin qua hình thức ICO. Mỗi ngày có hơn 3,39 ICO ra đời và mở bán, kết quả hơn 80% rơi vào tình trạng “báo động đỏ” hoặc đã lừa đảo (scam).

Làm ICO chỉ để Scam là chính


2017 có thể nói là năm của ICO. Giai đoạn này nổi lên hình thức gọi vốn ICO từ mô hình Ponzi. Ponzi cũng đã từng gây ra bão táp, sóng gió trên thị trường Crypto về số người tham gia, lấn áp hoàn toàn xu thế chính tông của ICO thuần. Ponzi mà scam thì không có gì để nói, bởi mô hình Ponzi – sinh ra đề lừa đảo. Nhưng khi tất cả chúng ta đều biết và hiểu được hết về Ponzi thì muộn rồi, lắm kẻ đã giàu sụ vì những kẻ đó đã đi trước chúng ta 1 bước chân về cách lừa đảo thời 4.0.

ICO thuần, đây là cụm từ dành cho những ICO gọi vốn nhằm tạo ra ứng dụng cho xã hội. Hình thức gọi vốn bằng mô hình ICO là phương pháp gọi vốn mới so với các phương pháp truyền thống. Với phương án truyền thống, bạn có thể gọi một số vốn từ một người hay nhiều người khi bạn chứng minh được bạn có khả năng trả lại tiền cho họ, hoặc cho họ có cổ phần trong dự án của bạn.

Còn phương thức ICO, nó cũng giúp cho bạn gọi được vốn, nhưng khác phương pháp truyền thống, thông qua ICO, bạn có thể gọi vốn từ rất nhiều người trong cùng một khoảng thời gian.

Bạn ngồi một chỗ cũng có thể gọi được vốn từ những người mà bạn không biết họ là ai và ngược lại họ cũng không biết rõ bạn là ai. Tất cả đều qua internet và một vài cú click chuột.!

Từ khi ICO ra đời, ICO giúp cho hàng ngàn startup trên toàn thế giới từ tay trắng bỗng dưng có vài chục ngàn đến vài chục triệu USD để thực hiện dự án của mình. Gọi vốn rất nhanh, rất gọn gàng, quan trọng hơn hết, khi đã cầm tiền xong mà bạn không hiện thực được dự án thì vẫn không sao, không bị làm sao cả, tất cả đều OK… trừ những người đầu tư vốn!

Cái gì cũng có hai mặt, lợi dụng ICO là hình thức gọi vốn nhanh, hiệu quả và xu hướng đầu tư tài chính ở lĩnh vực Crypto trong năm 2017 là hình thức ICO nên người ta kéo nhau đi làm ICO. Phần lớn, các nhà phát hành token gọi vốn từ mô hình ICO đều có khát vọng chung là có tiền để xây dựng sản phẩm thật sự. Họ làm nghiêm túc và cũng đã có tương đối nhiều đơn vị đến nay đã thành công trên thị trường Blockchain.

Tuy nhiên không phải ai cũng vậy, có nhà phát hành token gọi vốn từ ICO chỉ với mục đích trả nợ. Thì ra, do trước đây nợ quá nhiều không biết lấy tiền đâu mà trả nợ, sau đó biết đến hình thức ICO thì “tương kế tụ kế” làm ICO để có tiền trả nợ.

Có đơn vị thì gọi vốn từ ICO xong, họ làm sản phẩm rất nghiêm túc nhưng làm mãi không thành công, tiền thì đã tiêu gần hết 50 – 60% từ ICO… nên thôi không làm nữa, ít ra còn 40% tiền vẫn còn hơn, anh em chia nhau sống cả đời cũng tốt.

Có trường hợp, scam vô cùng tinh vi. Gọi vốn ICO xong, họ cũng làm sản phẩm nhưng làm theo kiểu cho có làm, lâu lâu post cái tin giao cho cộng đồng để cộng đồng biết mình vẫn đang làm. Sau đó một thời gian, họ bắt đầu xoá hết dấu vết đã từng làm ICO bằng cách: Xoá sạch toàn bộ tư liệu trên web site đã từng ICO. Tiếp theo xoá luôn các kênh telegram để nhà đầu tư ai về nhà nấy, đỡ láo nháo chửi bới cả ngày trong tele. Cứ như vậy, xoá dần dần tất cả mọi thứ về mình để sau này không còn ai biết đến mình đã từng ICO. Và rồi cho nó chìm vào quên lãng….

Ngoài ra, có vụ ghi nhận cố tình lừa đảo nhà đầu tư bởi vì “bỗng dưng có quá nhiều tiền”. Trước ICO, toàn bộ đội ngũ hay còn gọi là core-team được xác định là hai bàn tay trắng. Sau ICO, bỗng nhiên có vài chục triệu USD, tiền quá nhiều làm cho họ nghĩ cần gì phải làm nữa, làm nữa cũng chỉ vì tiền,…

Chúng ta phải thừa nhận rằng, có 1.0.0.1 cách để những “siêu lừa” đi lừa đảo nhà đầu tư qua tờ giấy A4 khi đã gọi được vốn từ ICO… Tin rằng, với thị trường đang đỏ lửa ở thời điểm hiện tại kèm những di chứng do những kẻ lừa đảo cố tình tạo ra để đi scam nhà đầu tư thì cụm từ ICO hiện nay khi nhắc đến nó được ví như những nổi sợ hãi về đầu tư hơn là cơ hội.

Gọi vốn bằng hình thức ICO sẽ không tồn tại?

Không, nỗi sợ hãi nào cũng qua đi. Jack Ma – Chủ tịch Alibaba đã từng nói, Bitcoin có thể là bong bóng nhưng ứng dụng Blockchain thì không bao giờ. Thế nên, ngày nào còn ứng dụng Blockchain thì ngày đó vẫn còn ICO. Thời gian sẽ thanh lọc lại toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm chính bạn hoặc người khác, những lớp user cũ cho dù bỏ đi hết thì vẫn có lớp user mới bước vào cuộc chơi ICO trong tương lai. Và user với trình độ dân trí ngày càng cao sẽ giúp cho họ nhận ra đâu là một ICO đáng để đầu tư, đâu là một ICO chỉ dựng lên để scam người dùng..

ICO trong tương lai cần những điều kiện gì để thu hút được nhà đầu tư tài chính?

Như đã phân tích bên trên, tài sản lớn nhất của các nhà phát hành dự án gần như chỉ có là tờ A4 (White Paper). Với tôi, trong lịch sử tài chính, tờ giấy A4 mang tên “White Paper “ này là tờ giấy có giá trị nhất đến hiện tại. Ít nhất những gì ghi trên đó cũng giúp cho những nhà phát hành coin thu về được từ vài ngàn USD đến hơn 100 triệu USD. Đây cũng chính là tờ giấy giúp cho hàng ngàn người trở thành tỷ phú sau một đêm và cũng có hàng triệu người sau một đêm mất trắng tài sản đầu tư.

Nhưng đó là chuyện của 2017 đến nay. Trong tương lai, ICO sẽ khác rất nhiều vì đa phần user đã có ít nhiều kinh nghiệm “ăn Cam”. Chưa kể, lớp người đi sau “chỉ vẽ” lớp người đi trước về việc nhận dạng 1 dự án tốt hay không tốt nó sẽ ra sao.

Và cũng không còn chuyện chỉ cầm mỗi tờ A4 đi FOMO cộng đồng là có thể gọi vốn được vài chục triệu USD. Nên nhớ rằng, cho dù dự án đó hay đến mức độ nào đi nữa, có bao nhiêu chuyên gia uy tín đánh giá cao đến đâu chăng nữa thì tất cả khi còn nằm trên tờ A4 vẫn chỉ là mớ lý thuyết nói suông, hoàn toàn vô nghĩa.

Đã là lý thuyết thì ai nói cũng hay, ai vẽ cũng đẹp. Từ lý thuyết đi đến thực tế là một quãng đường rất khác nhau, không phải ai làm cũng được. Đừng vì quá tin mớ lý thuyết được cho là hay ho, đẹp đẽ, ấy mà dễ dàng đưa tiền cho bất kỳ ai và rồi lại vô tình biến họ thành những “nhà bán Cam bất đắc dĩ”.

ICO trong tương lai phải là thực tế. Thực tế ở đây ít nhất là những gì khai báo trên tờ A4 trong RoadMap (lộ trình xây dựng sản phẩm từ khi dự án được hình thành) phải hoàn thành được tối thiểu từ 4/10 đến 5/10 quãng đường thì mới có thể đi gọi vốn bằng ICO.

Ít ra tới lúc ICO gọi vốn, những đơn vị nào xây dựng sản phẩm được 4/10 – 5/10 quãng đường trên Roadmap, chứng minh thực tế cho cộng đồng nhà đầu tư thấy được sản phẩm trông ra sao, xài thế nào, tính năng dùng để làm gì thì lúc nhà đầu tư mới có lòng tin vào dự án để đầu tư. Nếu không làm được điều này, các nhà phát hành ICO trong tương lai rất khó để gọi vốn từ cộng đồng user….

Khi bạn là một nhà đầu tư thông minh, dù chưa có kinh nghiệm hay đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực ICO. Tôi chân thành khuyên bạn, ICO tốt không bao giờ thiếu, quan trọng là bạn có nhận ra hay không mà thôi. Tất nhiên, ICO tốt không phải ICO nào cũng phải chạy trước Roadmap 4 đến 5/10 lộ trình hoặc có sản phẩm trước khi tiến hành ICO.

Nhưng nếu là tôi, trong bối cảnh hiện nay, cùng một thời điểm mà xuất hiện hai hay nhiều ICO được đánh giá là tiềm năng, là tốt cỡ như nhau thì tôi sẽ kiên quyết chọn ICO nào đã có quá trình xây dựng sản phẩm trước đó.

Tất nhiên, sản phẩm đó tôi phải trải nghiệm được, cảm nhận được, đánh giá được về tính năng, ứng dụng…. thì tôi mới đầu tư cho họ khi họ làm ICO.

Hãy đầu tư vào những ICO có Đội ngũ thật, họ làm việc thật, tạo ra sản phẩm thật, bạn phải sử dụng, trải nghiệm được thật, cho cảm nhận thật – đánh giá được thì mới đầu tư. Và đây cũng là xu hướng đầu tư của ICO trong tương lai.

Còn nếu, tất cả vẫn còn là mớ lý thuyết trên tờ A4, sau đó vẫn cầm đi hô hào gọi vốn để hy vọng kiếm được vài chục triệu USD, xem ra nếu đầu tư theo kiểu này thì còn quá nhiều mạo hiểm, tiềm năng được “ăn Cam” của chúng ta cũng có vẻ cao…

Thông tin về những thống kê về ICO “CAM”:

Theo thống kê của Tokendata (một trong những website theo dõi các dự án ICO toàn cầu) – họ đã liệt kê có 902 crowdsale diễn ra vào năm ngoái. Trong số đó, 142 dự án đã thất bại ngay ở giai đoạn kêu gọi vốn và 276 dự án khác cũng thất bại do chỉ kêu gọi vốn xong rồi bỏ chạy hoặc từ từ biến mất. Còn có dự án đã kêu gọi hơn 104 triệu USD nhưng vẫn thất bại.

Số lượng ICO còn đang hoạt động thì ở mức thấp. Mà trong đó lại có 113 dự án được phân loại là đã “thất bại một nửa” bởi vì chúng đã ngừng hoạt động trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc bởi vì cộng đồng của chúng quá nhỏ nên dự án khó có cơ hội thành công. Điều này có nghĩa là khoảng 59% dự án crowdsale của năm ngoái đã được xác nhận thất bại hoặc đang trong quá trình thất bại.

Theo đó, các tài khoản Twitter bị bỏ quên, các nhóm Telegram trống rỗng, các địa chỉ web không còn tồn tại và các cộng đồng đang dần tan rã là những thực trạng đáng buồn trong năm 2017 cho lĩnh vực Blockchain.

Có nhiều trường hợp thất bại khác nhau: Có dự án không kêu gọi được vốn, có dự án kêu được một vài ngàn đô và một số ít được hơn 10 triệu USD nhưng chúng đều có kết quả giống nhau, sau một thời gian gọi vốn xong, chúng đều không có MVP, không phát hành bản alpha Product hoặc không có sự đóng góp gì đáng kể vào mạng lưới phân quyền trên nền tảng Blockchain để mang lại những ứng dụng thực tế cho nhân loại.

Ngoài ra, thêm 531 dự án ICO đã thất bại ngay ở những bước đầu chuẩn bị sơ sài. Hầu hết trong các trường hợp này, các nhà đầu tư đã có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn (Scam). Tuy nhiên, không phải ai cũng thoát khỏi những chiếc “bánh vẽ” khi những dự án được cho là scam vẫn huy động được 233 triệu USD.

Đây là một thực trạng đáng sợ trong lĩnh vực ICO nói chung, hàng tỷ USD từ những nhà đầu tư tài chính trong 2017 đã vĩnh viễn mất trắng cho những siêu lừa thời 4.0


Tổng hợp

(Nguồn: Liên minh Blockchain Việt Nam)