Công nghệ

Những lần YouTube sập mạng khiến người dùng lao đao

Nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới từng trải qua nhiều lần sập mạng gây ảnh hưởng trên diện rộng.

Sáng 17/10, người dùng không thể truy cập YouTube trên mọi nền tảng từ máy tính, di động cho đến TV trong hơn một tiếng.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên nền tảng này gặp lỗi.

YouTube sập mạng lần đầu (2013)

Ngày 16/8/2013, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới bị ngừng hoạt động trong vòng 5 đến 30 phút. Theo New York Times, nhiều người dùng truy cập vào YouTube nhận được dòng thông báo “500 Internal Server Error” cùng một đoạn text đầy những kí tự lạ.

“Nhiều người dùng không thể truy cập vào trang web hay tốc độ truy cập chậm hơn thường ngày. Chúng tôi đang tìm và khắc phục sự cố. Xin lỗi vì mọi sự phiền phức mà chúng tôi đã gây ra”, phát ngôn viên của YouTube nói.

Lỗi không truy cập được vào YouTube mà đa số người dùng gặp phải.

Theo VentureBeat, sự cố trên liên quan tới nhiều dịch vụ của Google như Gmail, Google Drive, tất cả các trang web đều không thể truy cập được. Sau khi khắc phục vấn đề, Google thất thoát khoảng 545000 USD (12.7 tỷ đồng). VentureBeat so sánh rằng một cách hóm hỉnh rằng số tiền đáng giá 5 chiếc xe điện Tesla của Larry Page, CEO Google thời đó.

“YouTube tiêu rồi. Sự nghiệp, tiền tài của tôi theo đó mà trôi. Tôi phải kiếm việc khác thôi”, Casey Neistat, một vlogger nổi tiếng chia sẻ trên Twitter.

Theo nickname Katie Combs trên Twitter, sau khi YouTube “sập”, mạng xã hội Reddit cũng gặp sự cố. Tuy nhiên, Reddit không xác nhận về thông tin này.

Toàn châu Âu không thể truy cập YouTube (2016)

Theo The Sun, tối ngày 22/6/2016, người dùng khắp châu Âu và Anh quốc không thể truy cập vào trang youtube.com. Phạm vi ảnh hưởng của sự việc tiếp tục lan rộng sang Nhật Bản và các nước Châu Á. Người dùng tiếp tục gặp phải lỗi “500 Internal Server Error”. Tuy nhiên, sau 15 phút không thể truy cập, người dùng đã có thể kết nối bình thường.

YouTube sập ảnh hưởng đến nhiều nền tảng khác.

Theo Techcrunch, YouTube gặp lỗi gây ảnh hưởng đến nhiều nền tảng khác như Spotify. Nguyên nhân là do các nền tảng đều kết nối dữ liệu thông qua công nghệ điện toán đám mây của Google. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Google cho rằng sự cố hoàn toàn không liên quan gì đến DDOS hay các cuộc tấn công mạng.

“Sự cố là do chúng tôi tiến hành các buổi bảo trì server. Nhưng lại bất cẩn trong việc duy trì hoạt động máy chủ”, phát ngôn viên của Google nói.

Người Mỹ không thể vào YouTube (2017)

Theo The Next Web, sự cố bắt nguồn từ lúc Google bị sập vào năm 2017 do một vài lỗi trên Google Drive. Trên Twitter của YouTube, người dùng khắp thế giới đổ dồn về báo cáo lỗi và xin lời khuyên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Phạm vi ảnh hưởng bắt nguồn từ châu Mỹ sau đó lan rộng khắp châu Âu.

Có khoảng hơn 1.000 lượt báo cáo trên trang web Down Detector lại với cùng một lỗi “500 Internal Server Error”. Sau đó 30 phút, YouTube trở lại trạng thái bình thường.

YouTube từng bị sập bởi công nghệ điện toán đám mây.

Tuy nhiên, theo Bussiness Insider, tốc độ kết nối từ Ấn Độ chậm lại hẳn. Lý giải cho điều này, Shubham Kumar, chuyên gia công nghệ tại Đại học Cambridge cho rằng đa số nội dung từ đất nước này vi phạm điều khoản của YouTube.

“Tại Ấn Độ, YouTube là trang web tệ nhất khi hầu hết người dùng đều tìm kiếm các nội dung nhạy cảm. Từ khóa về những nội dung này luôn nằm trong top trend”, Shubham nói.

YouTube TV sập vì quá tải (tháng 6/2018)

Theo The Verge, tại phút 68 của trận đấu diễn ra giữa Crotia và Anh tại World Cup 2018, dịch vụ YouTube TV bị sập trong vòng 40 phút. Đây là lần sập thứ hai của YouTube TV trong năm. Trước đó, nền tảng cũng bị quá tải tại Chung kết giải bóng rổ phía Đông NBA. Người dùng dịch vụ phải bỏ ra 40 USD (931,800 đồng)/tháng cùng với cam kết cung cấp đường truyền tốt nhất cho mọi sự kiện thể thao của YouTube.

“Chúng tôi vô cùng xin lỗi và đang hết sức sửa chữa vấn đề, YouTube TV sẽ tiếp tục hoạt động sau vài phút”, đại diện của YouTube nói trên Twitter.

Theo Zing.vn