Smartphone sạc pin chậm có nhiều nguyên do, có thể do ứng dụng chạy ngầm, cáp sạc lỏng, pin kém hoặc do chính thói quen sử dụng điện thoại của người dùng.
Sạc chậm khiến thời gian chờ đợi lâu hơn, dễ làm người dùng smartphone mệt mỏi, lỡ mất việc. Chính vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp người dùng phần nào hạn chế sự phiền toái này.
Kiểm tra dây sạc, củ sạc
Vấn đề đầu tiên cần nghĩ đến là các yếu tố không liên quan tới điện thoại như dây sạc kém, củ sạc có vấn đề hoặc do nguồn điện yếu.
Cáp sạc USB sẽ không ổn định trong trường hợp nhiều người sử dụng, vặn xoắn liên tục, rơi trên cao xuống, hoặc để ở những nơi nhiệt độ dao động đột ngột.
Chính vì vậy, nếu thấy smartphone sạc chậm, trước tiên bạn nên đổi thử cáp sạc xem tình hình có cải thiện không.
Nếu không phải hàng chính hãng, dây sạc và củ sạc thường có chất lượng không đảm bảo.
Tiếp sau nên đổi củ sạc khác, hoặc dùng hẳn củ sạc mới xem vấn đề có được khắc phục hay không. Bạn nên có thói qua sử dụng sạc mới khi mua điện thoại mới, thay vì tận dụng sạc cũ.
Nhiều người có thói quen sạc điện thoại bằng cách cắm vào máy tính. Thực chất, đây không phải giải pháp lý tưởng bởi nó còn phụ thuộc vào tuổi đời máy tính, phụ thuộc vào thời điểm có bao nhiêu cổng cắm máy tính đang được sử dụng.
Sử dụng nguồn sạc trực tiếp vẫn là giải pháp tốt nhất. Nói cách khác, hãy luôn dùng củ sạc mọi lúc có thể.
Chân sạc có vấn đề
Khi đã loại trừ yếu tố dây sạc và củ sạc, bạn nên kiểm tra kỹ chân sạc xem có hiện tượng bất thường nào không.
Sử dụng đèn pin hoặc đèn flash điện thoại để kiểm tra chân sạc. Làm sạch bụi bặm bám vào chân sạc. Chú ý không làm ảnh hưởng tới các thành phần bên trong.
Bạn nên sử dụng bàn chải đánh răng để vệ sinh chân sạc thay vì dùng tăm hoặc bất cứ vật cứng bằng nhựa nào.
Sau thời gian sử dụng, chân sạc thường bị bám bẩn bụi ảnh hưởng tới tốc độ sạc pin.
Ứng dụng chạy nền
Ứng dụng chạy ngầm và phần mềm ngốn pin thường là nguyên nhân chính khiến việc sạc pin chậm hơn thường lệ. Trên cả thiết bị Android và iOS, bạn đều có thể xác định ứng dụng chạy ngầm.
Với thiết bị Android, mục này nằm trong phần Settings > Battery. iPhone cũng tương tự, các ứng dụng ngốn nhiều pin nhất được liệt kê trong phần Settings > Battery.
Khi đã xác định được ứng dụng ngốn pin, bạn có thể xóa ứng dụng để xem có thể cải thiện được tình trạng hay không.
Với thiết bị Android, xem ứng dụng ngốn pin trong phần Settings > Battery. Pin kém
Nếu tất cả các bước kiểm tra trên không tác dụng, đã đến lúc bạn nghĩ tới khả năng thay pin mới.
Cuối năm 2017, Apple bị iFan chỉ trích dữ dội vì cố tình làm chậm iPhone cũ. Mặc dù hãng đã đưa ra lý do sau đó nhưng không mấy ai nghĩ công ty này thật lòng.
Thực tế cho thấy pin lithium-ion, vốn dùng cho smartphone hiện nay, không sử dụng được mãi mãi. Khi đạt tới giới hạn sạc lại nhất định, pin sẽ dần chai và kém đi khiến quá trình sạc lâu hơn.
Thói quen sử dụng
Vừa sạc pin vừa lướt web có thể khiến smartphone nhanh nóng, hại pin.
Thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi cũng khiến pin smartphone nhanh chai. Nếu có thói quen lướt Facebook hoặc web trong lúc điện thoại đang sạc pin, bạn nên từ bỏ càng sớm càng tốt.
Bản thân nhà sản xuất cũng khuyến cáo bạn không nên lạm dụng smartphone theo kiểu này. Thao tác vừa sạc và dùng càng khiến điện thoại nhanh nóng, dẫn tới tình trạng quá nhiệt khiến pin nhanh hỏng hơn.
Theo Gia Nguyễn/Zing.vn