360 độ

100 năm cải lương: Từ gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban đến đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng – Minh Tơ

Hơn chín mươi năm kể từ gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban về đóng đô ở Đình Cầu Quan, hành trình từ Vĩnh Xuân Ban đến Khánh Hồng – Minh Tơ là những ký ức tự hào của cả gia tộc Bầu Thắng.

Hành trình từ Vĩnh Xuân Ban đến Minh Tơ – Khánh Hồng dù không được ghi chép lại bằng sổ sách, nhưng mỗi chặng đường vẫn cứ hiển hiện thật rõ nét trong tâm trí các thế hệ hậu duệ của bầu Thắng.

Đó không chỉ là những ký ức đầy tự hào mà còn là những lời răn dạy về thái độ làm nghề và khát vọng giữ lửa đam mê của những người đi trước gởi gắm lại cho các thế hệ con cháu.

Những ký ức tự hào

Theo lời kể của nghệ sĩ (NS) Công Minh, khoảng giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, ông bà nội của ông là bầu Thắng đã đưa gánh hát Vĩnh Xuân Ban về trụ tại đình Cầu Quan. Bà bầu Thắng là người rất giỏi quản lý nên chịu trách nhiệm lo toan mọi việc trong ngoài để chồng là nghệ sĩ Hai Thắng, vốn là một kép hát bội tài năng, tập trung cho nghề hát và huấn luyện nghề cho con cháu trong gia đình. Thời đó Vĩnh Xuân Ban dưới sự lèo lái của bà bầu Thắng đã trở thành một trong những gánh hát nổi tiếng của Sài Gòn.

NSND Thanh Tòng và Bo Bo Hoàng ở nhóm Đồng Ấu Minh Tơ (Ảnh: Huỳnh Công Minh)

Được cha dạy nghề, uốn nắn từ khi còn nhỏ, 5 trong số 8 người con của bầu Thắng là Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú, Huỳnh Mai (vợ của NSND Thành Tôn – PV) và Bạch Cúc đều nối nghiệp cha.

“Khi hát bội mất dần khán giả và ca ra bộ rồi đến cải lương như một làn gió mới thu hút đông đảo công chúng, gánh Vĩnh Xuân Ban của nội tôi đã cố gắng thích nghi. Cha mẹ tôi là NS Minh Tơ – Bảy Sự cùng các chú đã đi học hát cải lương để quay trở về cùng gầy dựng gánh hát với bà nội. Bắt đầu từ hình thức hát bội pha cải lương, phần âm nhạc được viết thêm những bài ca, điệu lý của cải lương. Cha tôi và các chú tìm cách đổi mới cách thức trình diễn, điệu bộ, cách ca, hát, dàn cảnh, y trang… lời văn và các bài ca cũng lược bỏ bớt câu chữ nho, thay bằng lời văn được sử dụng phổ biến trên tạp chí lúc bấy giờ. Cha tôi cũng thành lập nhóm cải lương từ nhóm Đồng ấu Minh Tơ để truyền dạy nghề hát cho con cháu trong gia đình và nhiều nghệ sĩ khác” – NS Công Minh nhắc lại câu chuyện ông vẫn thường được nghe các cô chú trong gia đình kể khi ông còn nhỏ.

Cải lương không bao giờ hết khó khăn, ngay cả ở thời điểm cải lương đang ở thời vàng son. Thập niên 40 – 50, rất nhiều gánh cải lương ra đời, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Để tồn tại, mỗi gánh hát phải tìm cách lôi kéo khán giả bằng tuồng tích, lối biểu diễn trên sân khấu… Đoàn Minh Tơ – Khánh Hồng có được một lợi thế lớn khi thu nhận môt số nghệ sĩ của gánh hát Hong Kong ở lại Sài Gòn sau một chuyến lưu diễn.

Các NS này đã hướng dẫn nghệ sĩ trong đoàn hát những động tác vũ đạo, múa giáo, đánh gươm… được sử dụng ở các tuồng hát có xuất xứ từ Quảng Đông. Những chất liệu này rất phù hợp trong bối cảnh nhiều đoàn hát có tuồng được sáng tác dựa trên nội dung các câu truyện của Trung Quốc.

Câu thơ yên ngựa- một trong những tuồng cải lương nổi tiếng của gia tộc bầu Thắng- Minh Tơ

Để có chất liệu âm nhạc mới và khác biệt, NS Minh Tơ và em trai là NS Đức Phú, người rất giỏi về âm nhạc đã quyết định sử dụng thêm chất liệu âm nhạc từ tuồng Quảng Đông cho các tuồng cải lương của Minh Tơ. “Bảng hiệu đoàn cải lương tuồng Tàu Khánh Hồng – Minh Tơ được đổi tên thành đoàn Cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng – Minh Tơ từ đó”- NS Công Minh chia sẻ.

Khát vọng đổi mới dường chưa bao giờ dừng lại dù chỉ trong suy nghĩ của những người con gia tộc bầu Thắng. Đầu những năm 1960, cải lương lại gặp khó trước sự tấn công ồ ạt của phim ảnh đại vĩ tuyến từ Đài Loan, Ấn Độ. Trong “cái khó, ló cái khôn”, tuồng cải lương Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài đã được NS Đức Phú viết dựa trên bộ phim cùng tên do Đài Loan sản xuất.

Điều khác biệt nhất ở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là lần đầu tiên chất liệu âm nhạc của Đài Loan đã được đưa vào tuồng. Đây cũng là một trong những kịch bản được viết hoàn chỉnh hiếm hoi của đoàn Khánh Hồng – Minh Tơ giai đoạn trước năm 1975.

Một điều có lẽ ít khán giả biết, hầu hết tuồng tích của đoàn cải lương Hồ Quảng Minh Tơ trước năm 1975 đều được các nghệ sĩ tập theo lối “hát cương”. Tác giả chỉ đưa ra phần khung sườn của kịch bản gồm nội dung, tính cách nhân vật, quy định tình huống kịch, nhiệm vụ của nhân vật… trong từng lớp diễn. NS sẽ tự sáng tạo văn thoại và hát các bài ca dựa trên chất liệu âm nhạc được NS Đức Phú viết riêng cho Khánh Hồng – Minh Tơ

NS Công Minh – Thanh Sơn trong một chương trình của Đài truyền hình TP.HCM

Cho đến sau năm 1975, khi Đài Truyền hình TP.HCM yêu cầu các tuồng cải lương được ghi hình phải có kịch bản, các tuồng cải lương của đoàn Minh Tơ mới bắt đầu có kịch bản hoàn chỉnh và các NS thôi hát cương.

Và những bài học làm nghề

Nhắc lại những ký ức về Đình Cầu Quan, NS Trinh Trinh, thế hệ thứ năm của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ nói cô vẫn nhớ như in không khí tập tuồng của cha mẹ và luôn ước ao có một ngày mình lại được sống trong không khí đó.

“Mỗi buổi tập tuồng cả đoàn hát phải có mặt. Mọi người im phăng phắc khi các NS đang tập tuồng trên sân khấu. Lớp diễn không có vai, NS ngồi dưới quan sát để học nghề. Vì lẽ đó, một NS có thể thuộc tuồng của tất cả các NS khác và khi có sự cố, đoàn hát không quá khó khăn để tìm được người thế vai’ – Trinh Trinh nói.

NS Thanh Thảo – lớp con cháu cùng thế hệ của NS Trinh Trinh cho biết thêm, từ nhỏ, chị em cô đã được ba mẹ dạy không được phép coi thường những vai diễn nhỏ. Có những nhân vật chỉ là rất phụ trong tuồng, chỉ xuất hiện vài phút trên SK nhưng lại rất quan trọng và đòi hỏi những kỹ năng mà đôi khi NS chuyên đảm nhận vai chính nhưng thiếu luyện tập cũng không thể thể hiện được.

5 cô đào thuộc thế hệ thứ năm của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ (Thanh Thảo, Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh và Ngọc Nga).

“Câu chuyện ba mẹ kể nhiều nhất cho chị em tôi nghe là đoàn hát của gia tộc gần như không có đào chính, kép chính. Đào chính, kép chính sẽ thay đổi ở từng vở và tuỳ thuộc vào khả năng, sự hợp vai của các NS. NS đóng đào kép chính ở tuồng này có thể xuống đào kép nhì, ba ở tuồng tiếp theo là chuyện bình thường ở Khánh Hồng – Minh Tơ. Những câu chuyện kể đó len sâu vào suy nghĩ không chỉ của chị em tôi mà còn của những người anh chị em họ khác trong gia tộc. Chúng tôi không nề hà vai chính phụ mà chỉ quan tâm phải làm sao để khán giả chấp nhận và yêu thương nhân vật của mình” – Thanh Thảo bộc bạch.

Có rất nhiều câu chuyện kể về sự nghiêm khắc của NSƯT Tú Sương khi truyền nghề cho hai con gái là Hồng Quyên và Tú Quyên. Những người không hiểu về gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ có thể ngờ vực rằng câu chuyện đã được báo chí thổi phồng, nhưng nếu hiểu sự nghiêm khắc có tính truyền thống từ gia tộc này sẽ thấy cách dạy con của NSUT Tú Sương như một lẽ đương nhiên.

NS Xuân Yến – Thanh Loan, hai cô đào nổi tiếng một thời của Khánh Hồng – Minh Tơ

Trong câu chuyện của mình, NS Công Minh không quên những lần anh em ông bị thầy dạy vũ đạo lấy giáo “gõ” đầu gối đau điếng vì mất tập trung khi tập luyện hoặc đứng sai thế. Giọng ông hóm hỉnh nhắc cả những lần bị ném dùi trống vì ca “đâm hơi”, trật nhịp.

NS Công Minh: Ở Khánh Hồng – Minh Tơ, người tài sẽ được trân trọng như nhau, bất kể đó là người trong gia tộc hay chỉ là dâu, rể trong nhà. Từ nhỏ tôi đã cảm nhận được ông nội rất trân trọng NSND Thành Tôn dù dượng Thành Tôn chỉ là con rể. Những quyết định quan trọng liên quan đến Khánh Hồng – Minh Tơ luôn luôn có đủ mặt của bốn thành viên là NS Minh Tơ, NS Đức Phú, NSND Thành Tôn và NSND Thanh Tòng.

Là con bầu gánh, nhưng mấy anh em không ai được hưởng quyền ưu tiên mà đều giống hệt các học trò khác của thầy Minh Tơ, cũng phải làm quân lượm tiền, cầm cờ chạy hiệu, bắt ngựa… thậm chí học cả đánh trống, làm đèn, chỉnh âm thanh, đạo cụ, hậu đài….

Bởi, cha ông vẫn dạy các con: “Muốn giỏi nghề thì người NS phải biết tất cả những gì có liên quan đến nghề hát. Và phải biết hết mọi thứ để sau này không bị ai làm khó”. Tiền lương của con bầu gánh cũng chỉ như mức của tất cả những NS, nhân viên khác. Để được tăng lương, phải làm được điều gì đặc biệt hoặc có những sáng tạo bất ngờ.

Có lẽ chính nhờ sự rèn giũa đó của NS Minh Tơ mà các con ông ngoài khả năng biểu diễn còn là những tên tuổi được đánh giá cao ở những lĩnh vực khác: NSND Thanh Tòng – người nổi tiếng với những kịch bản đề tài lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt mới cho Khánh Hồng – Minh Tơ khi chuyển từ cải lương Hồ Quảng sang cải lương tuồng cổ; NS Minh Tâm tiếp nối công việc của chú Đức Phú, trở thành người viết nhạc cho hầu hết các vở cải lương tuồng cổ của NSND Thanh Tòng và đoàn cải lương Minh Tơ; NS Thanh Sơn là tên tuổi thường được chọn đầu tiên khi các đơn vị nghệ thuật, đoàn làm phim cần tìm cố vấn hoặc người dàn dựng những màn vũ đạo sân khấu; NS Công Minh lại được giới làm nghề biết đến với những bộ trang phục cổ trang được thiết kế, thực hiện tỉ mỉ, công phu với độ chính xác cao về bối cảnh, hoàn cảnh, tính cách nhân vật…

Hậu duệ đời thứ sáu của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ

Ông Bầu Thắng tên thật là Nguyễn Văn Thắng (còn gọi là Hai Thắng, sinh năm 1895, tại làng Thuận Lễ, tỉnh Tân An) là con trai của anh kép Vĩnh và cô đào Xuân – đôi đào kép nổi tiếng của sân khấu hát bội. Lên SK từ khi còn nhỏ, đến năm 20 tuổi ông đã là một kép hát nổi tiếng khắp vùng lục tỉnh. Vợ ông Hai Thắng là bà Ngọc, vốn là một khán giả yêu mến tài năng của ông.

Sau khi kết hôn, bà Ngọc đã khuyến khích ông Hai Thắng lập một ban hát riêng cho mình. Vợ chồng ông đã gom góp tất cả toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm để mua lại “xác” của một gánh hát bội, rồi tập họp đào kép để thành lập gánh hát Vĩnh Xuân Ban. Sau một thời gian đi lưu diễn, Vĩnh Xuân Ban đã về đóng đô ở Đình Cầu Quan – Sài Gòn.

Không chỉ được biết đến trong vai trò một ông bầu nổi tiếng, NS Minh Tơ còn là người có tài năng vượt trội. Khoảng 4-5 tuổi, ông đã được đóng vai Lưu Kim Đồng trong vở tuồng Thất hiền quyến. Tài năng của ông ngày càng toả sáng khi có thể diễn tất cả các vai từ kép con đến kép lão và trở thành một trong những kép hát nổi tiếng của Sài Gòn với các vai diễn Lữ Bố, Dương Tôn Bảo, Cao Đổng Kim Lân, Quan Công, Cao Hoài Đức, Hoàng Phi Hổ, Bá Lý Hề… Các con của ông đều là những tên tuổi được nhiều công chúng yêu thích của SK cải lương: NSND Thanh Tòng, NS Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Sơn, Công Minh, Minh Tâm… Học trò của ông có rất nhiều người thành danh.

Ảnh tư liệu và gia đình cung cấp
Theo Thảo Vân/Phunuonline.com.vn