360 độ Chân dung Interview

NSND Diệp Lang: ‘Tôi ước có sức khỏe để về nước thăm sân khấu’

Sống ở Mỹ nhưng tâm hồn nghệ sĩ luôn hướng về quê hương, nơi ông có nhiều kỷ niệm với cải lương.

– Gần 10 năm sang Mỹ định cư, cuộc sống của ông ra sao?

Năm 2005, tôi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật sinh tử tại bệnh viện tim của Sài Gòn. Từ đó sức khỏe của tôi yếu và quyết định ngừng hát. Năm 2009, vợ tôi – Thu Phong – vướng phải bệnh hiểm nghèo. Các con quyết định đưa bố mẹ sang Mỹ định cư, tiếp tục điều trị. Hiện sức khỏe của tôi yếu lắm. Tôi gần 80 tuổi, bị bệnh tim và chứng Parkinson khiến tay chân run, mắt hư một bên, đầu óc lúc nhớ lúc quên.

Xứ lạ quê người, sống sao bằng nơi “chôn nhau cắt rốn”. Niềm vui lớn nhất của tôi và vợ nơi đây là được sống quây quần bên vợ chồng con gái và cháu ngoại. Các cháu còn nhỏ nên có ông bà ở bên càng quý. Tôi không muốn xa chúng.

Nghệ sĩ Diệp Lang ở tuổi 78.

– Ông định khi nào về thăm quê hương?

Tôi tha thiết mong được về quê thăm lại những nơi đã đi qua, nhất là rạp Trần Hưng Đạo – nơi hồi nhỏ tôi đi hát với nhiều kỷ niệm gắn bó với sân khấu. Nhưng lực bất tòng tâm. Gần 20 tiếng ngồi trên máy bay, tôi sợ mình không chịu nổi. Tôi đang cố gắng dưỡng bệnh để mong có dịp cùng vợ trở lại quê nhà.

– Ông làm gì để khuây khỏa nỗi nhớ sân khấu?

Mỗi khi nhớ sân khấu, tôi thường ngồi trên ghế ngoài sân, ca vài câu vọng cổ. Mấy năm trước, tôi và Ngọc Huyền tháng nào cũng thu tuồng này, tuồng kia. Tôi cũng gọi điện cho Bảo Quốc ôn lại kỷ niệm một thời. Ở đây chúng tôi khó khi nào gặp nhau vì không biết nói tiếng Anh, không lái xe được, đi đâu cũng bất tiện.

– Giờ một ngày của ông diễn ra thế nào?

Tôi thích chơi cùng cháu ngoại bất cứ lúc nào thấy khỏe trong người. Lâu lâu tôi tản bộ để tinh thần thoải mái hơn. Sức khỏe của tôi không được tốt nên hạn chế đi diễn. Thỉnh thoảng tôi làm khách mời trong các liveshow của đồng nghiệp, đàn em, con cháu.

Khán giả vẫn còn thương tôi lắm. Năm ngoái trong liveshow Hồng Nga, nghe nói có tôi tham gia, nhiều người mua vé, sân khấu không đủ chỗ ngồi. Tôi phải chuẩn bị sức khỏe trước đó cả tuần để diễn. Tôi chỉ nhận vai nhẹ nhàng, còn kiểu nhân vật đòi hỏi nội tâm, vũ đạo như Hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu dễ làm tôi lên máu lắm, rất nguy hiểm.

– Ông còn những dự định nào về sân khấu chưa thực hiện được?

Làm sao để nghệ thuật cải lương cũng được người trẻ yêu quý, giữ gìn thì mới mong nghệ thuật này tồn tại được, đó là sự đau đáu của tôi. Nỗi buồn lớn nhất của tôi là ai thấy cái áo, cái nhà nào nhiều màu sắc, sến súa đều quy chụp vào hai từ “cải lương”. Nếu nhiều người, nhất là người trẻ, chịu khó tìm hiểu, học hỏi để có kiến thức về các môn nghệ thuật dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử và cải lương, họ sẽ hiểu hơn và từ hiểu và yêu mới tìm cách giữ gìn như giáo sư Trần Văn Khê từng nói như thế.

– Ông truyền niềm đam mê nghệ thuật lại cho con cháu như thế nào?

Ai xin theo tôi làm nghề, tôi khuyên học cho giỏi rồi mới đi hát. Nếu người nào chọn vô đoàn cải lương, tôi hết lòng dạy dỗ. Con gái và con trai tôi đều theo nghề. Tôi cũng có nhiều thế hệ học trò như: Văn Châu, Tấn An, Bảo Trang, Lương Tuấn, Châu Thanh, Tuấn Thanh…

Tôi nhớ lúc nhỏ, tôi không thích đi hát vì nghề này toàn ngủ ở đình, chùa, ăn cơm chợ. Cha tôi – một nghệ sĩ chơi đàn kìm – khuyên tôi theo nghệ thuật cải lương vì theo ông “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi theo cha đi hát đến khi ông chết, rồi gia nhập đoàn của má Bảy – Phùng Há. Sau này, ông “bầu” Phước (soạn giả Nguyễn Huỳnh) dắt tôi vô đoàn của ông và đặt nghệ danh là Diệp Lang. Khi kép chánh của vở Chiếc nhẫn kim cương bỏ tuồng, “bầu” Phước đưa tôi vào thế vai và bắt học thuộc tuồng trong một đêm. Lần đầu tiên tên tôi có mặt trên bảng quảng cáo trước cửa rạp, lúc đó tôi 17 tuổi.

– “Kim chỉ nam” ông đeo đuổi trong suốt gần 60 năm hành nghề là gì?

Giờ thấy nghệ sĩ trẻ diễn hay, tôi mừng lắm. Còn thấy người diễn dở, diễn không tới, tôi vừa thương nghề vừa thấy buồn. Ngày trước, ông Năm Châu (nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu) thấy tôi tập tuồng, có dặn dò với ý rằng: “Diễn viên cải lương tất nhiên cần diễn xuất nhưng khi cất tiếng hát, đừng diễn quá. Nghệ thuật phải thật và đẹp”. Câu đó theo tôi mấy chục năm nay.

Thông tin thêm:

NSND Diệp Lang, tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, là nghệ sĩ cải lương, sân khấu, diễn viên điện ảnh, đạo diễn… Tám tuổi, ông theo cha là thầy đàn Ba Diệp tham gia đoàn cải lương Tam Phụng. Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng. Ông có nhiều vai diễn thành công như trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân… Năm 1963, ông đoạt giải Thanh Tâm. Ông được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003.

Theo Tâm Giao/Vnexpress.net