Không chỉ những cuốn tự truyện bị cho là nói chưa đúng sự thật mới vấp phản ứng, có những hồi ức bị chỉ trích vì nói “thật quá”.
Lê Vân – Yêu và sống, Thương Tín – Một đời giông bão, Ái Vân – Để gió cuốn đi, Lê Công Vinh – Phút 89… đều là những cuốn tự truyện, hồi ký gây tranh cãi. Cuốn thì bị chỉ trích vì các nhân vật liên quan cho rằng chủ nhân tự truyện không nói đúng sự thật. Cuốn lại bị lên án vì nói sự thật trần trụi quá.
Trong con mắt của những người chấp bút cho hồi ký, tự truyện, thể loại này buộc phải nói lên hồi ức thật, những câu chuyện có thật trong tâm trí nhân vật. Mà sự thật thì hay mất lòng.
*Sự thật quá trần trụi, khơi dậy những đau thương
Năm 2016, cuốn sách Hồi ký Thương Tín – Một đời giông bão do nhà báo Đinh Thu Hiền chấp bút cũng gây xôn xao dư luận, nhưng không phải vì “sai sự thật”, mà vì ông kể lại sự thật quá chân thực, khiến nhiều người sốc.
Nhà báo Đinh Thu Hiền – người chấp bút hồi ký của Thương Tín.
Trong sách, Thương Tín kể kỹ về những mối tình, cuộc hôn nhân thất bại, những lần ông phụ tình, dan díu với các người đẹp… và cả những sai lầm cá nhân khác trong cuộc đời.
Nhưng những người được nhắc đến trong sách đều không tố ông nói sai sự thật. Thậm chí, họ còn giúp ông xác nhận và nói đỡ cho ông trước dư luận, như diễn viên Diễm My 6X, con trai Thanh Tùng hay vợ cũ của Thương Tín ở Mỹ.
Về vấn đề sự thật trong tự truyện, nhà báo Đinh Thu Hiền bày tỏ quan điểm với Zing.vn: “Sự thật trong tự truyện dù có đau đớn có xấu xí thì cũng vẫn cần tôn trọng”.
“Bản thân nhân vật đã trải nghiệm và có thể đã trả giá với các sai lầm của cuộc đời họ, thì người khác khi tiếp cận, cần phải tôn trọng. Bởi quá khứ không thể thay đổi, chỉ là có viết tự truyện hay là không, chứ không thể nói giảm hoặc lảng tránh”.
Cuốn hồi ký Thương Tín từng bị chỉ trích, vì kể nhiều sự thật đến trần trụi.
Tự truyện Công Vinh bị chỉ trích vì kể lại câu chuyện theo hướng có lợi cho nhân vật chính, lược bỏ những phần bất lợi. Với Hồi ký Thương Tín, cuộc đời nhân vật hiện lên đa chiều hơn, với rất nhiều sai lầm, những lần lăng nhăng, phụ tình, thói cờ bạc lúc về già khiến ông sạt nghiệp…
Theo nhà báo Đinh Thu Hiền, để làm được điều đó, yếu tố quan trọng đầu tiên phải là sự trung thực của nhân vật khi nhìn lại quá khứ. Chị kể: “Thương Tín chọn nhận tất cả những bất lợi về phía anh ấy. Nên các câu chuyện mà anh ấy kể trong sách đã gây ồn ào một thời. Nhưng đó chính là tính cách của nhân vật. Tôi cho rằng tự truyện là nơi người ta bộc lộ tính cách rõ rệt nhất”.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà là người đã chấp bút cho 9 cuốn tự truyện, trong đó có cuốn Lột xác – Tự truyện Lâm Khánh Chi vấp phải tranh luận một thời gian ngắn trong thời gian ra mắt bởi một vài chi tiết liên quan đến các nhân vật trong cuốn tự truyện.
Về vấn đề tự truyện thường gây tranh cãi, Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng hồi ký, tự truyện mang tính chủ quan, một chiều với các nhân vật có liên quan đến chủ nhân câu chuyện trong sách.
Nếu là ký ức đẹp sẽ không có gì để phiền não buồn lòng, nhưng phần lớn ký ức của chủ nhân câu chuyện có liên quan đến những con người cụ thể trong câu chuyện của họ lại vô cùng nghiệt ngã.
Mà những người có liên quan lại muốn quên đi quá khứ không mấy nhẹ nhàng ấy để sống yên bình thanh thản thì bị chủ nhân cuốn hồi ký khơi dậy. Nó tựa như một vết thương đã liền da lại cố tình chà sát, gây tổn thương và đau đớn.
Tự truyện của Công Vinh gây tranh cãi vì khơi mở những góc khuất làng bóng.
Về cuốn tự truyện Lê Công Vinh – Phút 89, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà từ chối nói về công việc của đồng nghiệp. Với những ồn ào quanh cuốn sách này, nữ nhà văn nghĩ “có thể những sự thật Công Vinh tiết lộ đã cho người ta thấy một sự thật khác cái sự thật mà người ta đã thấy ở làng bóng đá bấy lâu nay”.
“Góc khuất nào khi được khui mở cũng gây tò mò và tranh cãi cả huống chi với một môn thể thao nhiều bí ẩn và được mệnh danh là thể thao vua”, nhà văn nhấn mạnh.
*Người chấp bút cần chọn lọc sự thật
Câu chuyện trong tự truyện như thế nào không chỉ do nhân vật kể, mà nó hiện lên ra sao trong trang sách còn phụ thuộc vào cách xử lý của người chấp bút.
Trước câu hỏi “Nếu Thương Tín chọn cách kể chuyện cũ theo cách có lợi cho ông, phủ nhận các sai lầm, tỏ ra là nạn nhân… thì chị có chấp nhận viết cuốn hồi ký?”, Đinh Thu Hiền cho biết: “Tôi không biết các tình tiết cuộc đời của nhân vật, nhưng tôi có cảm nhận của người viết về nhân vật”.
Và như vậy, người chấp bút chỉ nên thực hiện tác phẩm khi họ có sự tin tưởng vào nhân vật, vào câu chuyện mình kể ra trong sách.
Theo nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, hồi ký, tự truyện không có giới hạn tiết lộ sự thật, mà thể loại ấy đòi hỏi năng lực phô diễn sự thật. Người chấp bút bên cạnh làm một việc là kể lại lời nhân vật, cần xử lý được yếu tố đặc trưng của thể loại.
Để cuốn sách do mình chấp bút tránh gây tranh cãi, Nguyễn Thị Việt Hà thường tránh đi vào những chi tiết tủn mủn và những gì gây hại đối với cuộc đời những người có liên quan đến câu chuyện.
Ông giáo làng trên tầng gác mái – cuốn tự truyện gây xúc động, chạm tới trái tim bao độc giả của giải thưởng sách Chạm 2018.
“Tôi đặc biệt nâng niu những chi tiết giúp nâng tầm nhân vật và đi đến một giá trị tích cực nào đó. Cuốn sách nào tôi chấp bút cũng có những vấn đề ấy nhưng đến cuối cùng thì cũng thảo luận để cùng thống nhất sự thật nào nên công bố và sự thật nào nên giữ lại”, Nguyễn Thị Việt Hà nói.
Ví dụ, với cuốn Ông giáo làng trên tầng gác mái – Tự truyện Nguyễn Thế Vinh (Cuốn sách được giải thưởng Chạm 2018), đến khi bản thảo đã hoàn thành, chuyển dàn trang để in, thì đến phút cuối người chấp bút và nhân vật đã quyết định đã gỡ bỏ 2 câu chuyện có thể gây hại đến cuộc đời của nhân vật có liên quan.
Là người nghiêm túc với công việc, làm việc tận tâm, khi viết bất cứ cuốn hồi sách nào, Nguyễn Thị Việt Hà cũng tự hỏi mình viết cuốn này để làm gì, mang lại giá trị gì, nó có tích cực không, có hướng thiện không.
Tính nhân văn là yếu tố mà nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chú trọng hàng đầu khi chấp bút tự truyện.
Tính nhân văn và sự thật là hai yếu tố mà Nguyễn Thị Việt Hà đặt lên hàng đầu khi thực hiện hồi ký. Thật khó để kiểm chứng sự thật từ một chiều, trong khi người chấp bút lại không thể khai thác và kiểm chứng thông tin của các nhân vật có liên quan.
Họ chỉ có duy nhất tấm lòng, sự nhạy cảm và trực giác mách bảo đó có phải sự thật không? “Tôi tuyệt đối không ‘nã đạn’ vào cuộc đời người khác bằng con chữ của mình dù chủ nhân câu chuyện đôi khi đã muốn nhân tiện kể lại đời mình để trút uất ức vào những người có liên quan”, nữ nhà văn nói.
Theo Nguyễn Thị Việt Hà, khi nói ra sự thật, sự thật ấy phải đi liền với nhân văn và nếu quá nghiệt ngã người chấp bút sẽ bàn bạc với chủ nhân câu chuyện nên làm thế nào cho nó thật nhẹ nhàng để không gây tan nát quãng đời còn lại mà khó khăn lắm người trong câu chuyện mới tìm lại được.
Như khi thực hiện cuốn Trò chuyện với cõi vô hình – Tự truyện nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà đã từ chối một vài câu chuyện hoặc không đề cập đến những điều mà chị cho đó không phải sự thật hoặc cái có vẻ là sự thật được dựng lên từ lời cung cấp của nhân vật.
“Giữa tôi và Hoàng Thị Thiêm đã phải thảo luận rất nhiều về những ‘sự thật’ mà khi tôi có dịp kiểm chứng nó không hẳn là sự thật hoặc đi quá xa sự thật… Cuối cùng thì tôi vẫn giữ được giá trị của một người chấp bút bằng cách chọn lựa những sự thật nào cần được lên tiếng”, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nói.
Theo Mi Ly – Tần Tần/Zing.vn