“Cãi nhau không, lỗi lầm cũng không, chỉ là không thể ở cạnh người đó được nữa, không thể chia sẻ được nữa thì như thế. Có thể tự dưng hết duyên. Thế thôi” – Lệ Quyên nói về Hà Hồ.
– Nói về cuộc sống riêng của Lệ Quyên, điều đại đa số khán giả dành cho chị là “giàu sang”. Chị định nghĩ như thế nào về hai chữ này?
Tôi không bao giờ cho rằng mình giàu. Nghệ sĩ ở Việt Nam, nhiều người rất giàu nhờ giỏi kinh doanh, còn tôi mới chỉ bước vào giai đoạn rực rỡ trong sự nghiệp khoảng 7 năm trở lại đây.
Ngoài âm nhạc, tôi không kinh doanh thêm ở bất cứ lĩnh vực nào. Phòng trà của vợ chồng tôi cũng từ vốn nghệ thuật mà ra. Do đó, những thứ từ nhỏ đến lớn nhất mà tôi sở hữu cũng từ tình thương của khán giả.
Nếu có thể, bạn hãy tìm cách liên hệ với những nhà quản lý biểu diễn để xem thu nhập của ca sĩ là bao nhiều và liệu trong 7 năm ca hát thì một người có thể giàu hay không. Đó chỉ là con số khá khiêm tốn, gọi là “năng nhặt, chặt bị”.
Với một đất nước nhỏ bé, nhu cầu đơn giản và việc đi ra thế giới là quá khó thì đặc trưng thu nhập của chúng tôi là rất ít so với đồng nghiệp trong khu vực, chứ đừng nói so với nghệ sĩ lớn của thế giới. Không chỉ hát, nhiều người còn phải kiêm thêm nhiều vai trò khác bổ trợ cho công việc của họ, nhưng thu nhập lại không hề thoả đáng. Nghệ sĩ Việt Nam không bao giờ giàu đâu.
Do đó, theo tôi, mọi người đừng nên để tâm đến thu nhập, vật chất của nghệ sĩ Việt.
– Nhưng ít nhất, thông qua những gì được chị thể hiện trên mạng xã hội, ví dụ như việc chụp ảnh khéo léo khoe nhà ở Mỹ, túi hiệu, kim cương, trang sức đắt tiền. Chị nói mình không giàu, nghe có vẻ quá khó tin?
Tôi sẽ không bao giờ bàn về điều này. Mọi người hãy tự hiểu theo hiểu biết của mình. Nếu mọi người đã biết thì tôi không cần phải nói. Còn nếu chưa biết, thì tôi có nói mọi người cũng không tin. Bởi với tôi, giá trị đồ vật không quan trọng. Suy cho cùng, tất cả điều đó tôi có được là từ sức lao động của bản thân và sự yêu thích cá nhân.
Chuyện đăng tải hình ảnh lên trang cá nhân là điều hết sức bình thường. Không lẽ tôi đeo một chiếc đồng hồ, mặc một bộ đầm mà lỡ chúng có logo hay thương hiệu gì đó thì lại phải làm mờ đi chăng? Nếu đó là thành quả của bạn thì bạn có quyền được chia sẻ một cách văn minh. Chia sẻ không văn minh là khi bạn liệt kê từng món đồ kèm theo những con số thể hiện giá trị.
Tôi có cuộc sống sung túc, đủ đầy, có thể đưa con đi du lịch, không quá vật vã, túng thiếu để mua được món quà mà mình thích và cũng có một chút tích luỹ cho tương lai. Tôi nghĩ như vậy là quá tốt chứ không thể gọi là giàu.
– Việc chơi hàng hiệu, chọn sử dụng những thương hiệu cao cấp nếu không thể khẳng định khả năng tài chính thì có ý nghĩa gì với chị?
Tôi là người rất thích thời trang. Từ thời gian đầu bước vào con đường ca hát, tôi đã có thói quen chịu chi trả cho sở thích này, và điều này đến bây giờ vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, tôi mua một món đồ nào đó mà mình thật sự yêu thích chứ không phải vì giá trị của nó.
Ví dụ, mới đây tôi vừa mua đôi giày mà 2 năm qua nhà sản xuất không bán nữa, và tôi đã vui như đứa trẻ được cho quà. Cảm giác như mình có được cả một giang sơn. Những đôi giày, những chiếc túi, đôi hoa tai, tôi thương chúng như con. Nhưng bạn tin không, cũng có lúc tôi mặc những bộ đồ sau khi giảm giá chỉ còn vài USD, nhưng vẫn thấy đẹp vì phù hợp với vóc dáng.
Ở khía cạnh công việc, tôi nhận ra khi tên tuổi mình càng lớn, việc mặc đẹp không chỉ phục vụ cho bản thân mà còn để đáp lại sự yêu thương của khán giả. Từ trong nước đến hải ngoại, nhiều người nói họ không chỉ đi nghe Lệ Quyên hát mà còn để ngắm hôm nay tôi mặc trang phục gì, make up ra sao, dạo này béo hay gầy, vòng eo còn bé hay không?…
Tóm lại, nhiệm vụ của tôi là phải làm sao để bản thân có thể mang lại sự hài hoà nhất từ âm nhạc lẫn hình thức. Tôi cũng tin mình là người sử dụng tiền chừng mực, mua sắm vì sự yêu thích của bản thân chứ không phải để thể hiện cho người khác. Tôi không bao giờ làm nô lệ cho sự thể hiện.
– Cuộc sống thật của chị sau những nhào nhoáng, xa hoa của thế giới giải trí, của những hình ảnh không tì vết được hình dung như thế nào?
Nói về sinh hoạt gia đình nói chung, tôi là người khá kỹ càng. Dù bận rộn, tôi vẫn muốn tự tay lựa chọn những vật dụng cá nhân cho các thành viên trong gia đình. Mọi sự ưu tiên đều dành cho con, còn lại mọi thứ đều rất bình thường, giống như mọi người.
– Chị xuất thân từ gia đình có nền tảng kinh tế trung bình khá, đến hiện tại mọi thứ đã vượt bậc. Từ đó, quan điểm dùng tiền của chị thay đổi ra sao?
Tôi vẫn ăn khoai lang thường xuyên đấy chứ (Cười lớn). Nói chung, đồng tiền làm ra rất khó khăn nên phải được sử dụng một cách chính xác nhất, kể cả trong những trường hợp bé nhất. Nếu cần thì số tiền đó dù có lớn, nhưng vẫn nằm trong khả năng, thì vẫn phải chi. Ngược lại, nếu không cần, thì một cắc tôi cũng không bỏ. Quan điểm của tôi khá rõ ràng, làm được 10, tôi sẽ cất 4 phần, tiêu 6.
Suy cho cùng, chúng tôi lao tâm khổ tứ cũng chỉ để phục vụ cho cuộc sống, sự hưởng thụ của mình. Còn chuyện chi tiêu, tôi là người chịu trách nhiệm quản lý và luôn có những khoản rất rõ ràng. Ông xã tôi là người sống phóng khoáng nên không để ý đến những chuyện đó. Tôi cũng ước ao có ai làm giúp mình điều này, bởi là người giữ tiền cũng là một sự vất vả.
– Nhìn từ bên ngoài, nhiều người cho rằng chị quá đỗi sung sướng, nhưng nếu nhìn nhận từ khía cạnh khác, chị dường như cũng những nỗi lo riêng khi là nguồn thu nhập chính của gia đình, phải gồng gánh một phòng trà trong khi chồng chỉ đóng vai trò hỗ trợ phía sau?
Tôi kết hôn từ năm 2011, đến nay là chuẩn bị bước qua năm thứ 8. Tôi và ông xã đến với xuất phát điểm là 0 và khi đã là vợ chồng, thì việc gì cũng là của chung, không được phép quá rạch ròi. Ở khía cạnh nào đó, anh cũng là người sắp xếp mọi việc cho tôi, để tôi thoải mái đầu óc tập trung cho nghệ thuật. Không thể phủ hết công sức đó được.
Nhưng đúng, đã có lúc tôi cảm thấy hơi quá sức. Tuy nhiên, với một người có cá tính “miệng nói tay làm”, thì dù tôi có lấy một người chồng tỷ phú thì cũng không thể ngồi không được. Và nếu anh ấy “dại dột” nói một câu “Em không cần phải làm việc, cứ ở nhà chăm chồng con” thì anh ấy sẽ bị “loại” ngay lập tức.
Nếu cuộc đời có một ngã rẽ khác, tôi có cuộc sống chỉ xoay quanh việc đi họp cho con, gặp gỡ bạn bè, xả stress, tiền có sẵn trong tài khoản, chưa chắc tôi lại thích.
– Thử ngẫm nghĩ lại những gì đã trải qua, đã đạt được, hỏi thật, chị có thấy mình là người phụ nữ quá giỏi giang?
Tôi xin lấy câu nói của một người bạn – người mà nói một cách trần trụi là đã cùng tôi “mặc quần thủng đáy”, cùng tắm, cùng ăn một cân khoai luộc, trong túi chỉ có vài cắc bạc từ khi còn bé – rằng: “Mày là niềm tự hào của tao. Không phải vì mày là một ngôi sao mà bởi mày đã thay đổi được số phận của mình ngay từ kiếp này, chứ không cần phải qua kiếp sau”.
Về phần mình, tôi không biết mình có giỏi hay không nhưng khi nghe câu nói đó từ những người bạn mà tôi gọi là “hiểu mình từ chân tơ kẽ tóc”, thì tôi nghĩ có lẽ mình cũng làm được điều gì to lớn thật.
– Nhưng làm phụ nữ giỏi giang tức khó lòng chịu thua đối phương, kể cả với người đàn ông của họ. Theo hoàn cảnh của chị thì điều này đúng hay sai?
Từ nhỏ, tôi là người rất tự lập. Lớn hơn một chút, tôi đã có thể tự quyết định những việc lớn, nhỏ trong gia đình. Và quãng thời gian đã qua, tôi nghĩ mình chưa bao giờ mắc phải những lỗi sai quá lớn. Với sự tự tin như vậy, tôi không tránh khỏi sự áp đặt trong cuộc sống gia đình.
Trên sân khấu, tôi có thể nữ tính, dịu dàng bao nhiêu thì về nhà lại đàn ông bấy nhiêu, chuyện gì cũng chỉ nói đúng một lần. Đối với người bạn đời của mình, nét tính cách đó ở một người phụ nữ đôi khi dẫn đến hệ luỵ khiến người đối diện cảm thấy khó chịu, bị gò ép.
Chồng tôi là người từng trải và nói chung là khá lạnh, khó gần và rất kiệm lời. Dĩ nhiên, người có sự nhẫn nhịn đôi khi không phải là dễ bị bắt nạt. Nếu như với bạn bè, tôi là người nhường nhịn nhưng trong gia đình, tôi là người sống thẳng thắn, thậm chí là có tính cách bẩm sinh “không thích chịu thua” người bạn đời của mình. Do đó, nếu anh ấy là người ăn thua đủ thì kết quả sẽ rất kinh khủng. Nhờ sự điềm đạm của chồng mà tôi hiện tại đã biết kiềm chế hơn rất nhiều.
– Những mâu thuẫn trong tính cách của chị và ông xã ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng theo khía cạnh nào. Tích cực hay tiêu cực?
Tôi tự cảm thấy bản thân đã rất chừng mực trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong trường hợp gia đình của tôi, một người là nước còn một người là lửa. Nếu tôi luôn hừng hực, muốn mọi thứ phải thật nhanh, phải được quyết định ngay và luôn, anh ấy thì hoàn trái ngược.
Trong những cuộc đối thoại, tôi là người nói, anh ấy là người nghe, có khi không hề nói câu nào mà chỉ có tôi độc thoại. Điều đó khiến tôi có lúc muốn nổ tung vì cảm giác bản thân không được chia sẻ, không được ai tung hứng. Nhưng chính cái tưởng chừng rất khó giải quyết từ sự đối lập đó lại là điều bình yên, ít nhất là về phía bản thân tôi.
Sự trọn vẹn nào cũng có những góc khuất. Nói ra có vẻ hơi sách vở, nhưng đôi khi mình phải tự gặm nhấm những điểm khuyết đó để tự mình rèn giũa sự kiên nhẫn, biến nó trở thành điều tốt đẹp.
Dĩ nhiên, cuộc sống vợ chồng nào mà không sóng gió, yêu thương nào mà không phai nhạt dần, và rồi khi đó, sự tôn trọng, lắng nghe và thể diện sẽ còn quan trọng hơn cả tình yêu.
– Sóng gió nào từng khiến vợ chồng chị phải gồng mình chống đỡ, thậm chí phải lao đao, nghiêng ngả?
Chúng tôi vừa mới trải qua 8 năm hôn nhân, vẫn còn khiêm tốn lắm. Trong 8 năm đó, vợ chồng tôi có những lần va chạm, nhưng chưa đến mức đi quá xa. Gia đình tôi có thoả hiệp nên giải quyết những căng thẳng càng nhanh càng tốt.
Nhiều người cho rằng một người trông có vẻ chả bao giờ biết buồn như tôi nếu nổi giận chắc chắn sẽ rất dữ dội. Điều này không đúng, chúng tôi đã có lúc không nói với nhau suốt cả tuần, việc ai nấy làm. Mọi thứ vẫn rất khuôn khổ, vẫn ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, chỉ là như hai cái bóng.
Chúng tôi chưa bao giờ có chuyện vì cãi nhau lại mỗi người một giường vì làm như thế chẳng được gì. Đó là lần vợ chồng tôi mâu thuẫn đỉnh điểm nhất. Dĩ nhiên còn có những tranh cãi khác, nhưng được thể hiện ở những cách khác nhau. Nếu được, hãy giải quyết và thẳng thắn chia sẻ.
– Một người tự nhận có tính cách “đàn ông” như chị, liệu có đủ sự mềm mỏng, uyển chuyển để lèo lái gia đình vượt qua những lần căng thẳng, dữ dội như thế?
Tôi là người hay nói nên sẽ mở lời trước. Khi bình thường, tôi có thể gay gắt đấy, nhưng nếu có mâu thuẫn xảy ra thì gay gắt chỉ dẫn đến một kết cục duy nhất là hai vợ chồng không thể nhìn mặt nhau. Tôi không chọn cách nói nặng, nhưng lại có điểm yếu là nói khó nghe. Và khi hai vợ chồng ngồi xuống nói chuyện, thì sẽ nghiêm túc như hai người đàn ông, rất rõ ràng và sòng phẳng.
Tôi sẽ cho đối phương biết quan điểm của mình trong mọi chuyện và nếu một trong hai có suy nghĩ phản bội thì kết cục sẽ như thế nào. Đó như một thoả hiệp vậy và để sau này khỏi phải nói lại cũng như khi có chuyện xảy ra thì đỡ rối. Bọn tôi nói chung luôn chọn cách như vậy đễ mọi người tự nhìn bản thân cũng như cuộc sống được dễ thở.
– Gần đây, chị nhiều lần bị gán vào những lần “bỏ đi vì tránh mặt” Hồ Ngọc Hà. Nhiều người nói nếu không có lửa làm sao có khói?
Nếu người tinh tế nhìn vào sẽ biết rằng đấy là điều rất vô lý. Suy cho cùng, nếu có ý định tránh mặt thì không bao giờ chúng tôi xuất hiện cùng một nơi cả và mọi người sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để đàm tiếu.
Chúng tôi đều là những người phụ nữ văn minh, có đủ hiểu biết nên không bao giờ làm những việc thừa với nhau. Có lỗi với nhau thì không, xích mích cũng không, tại sao chúng tôi phải tránh mặt? Tôi chả có vấn đề gì cả.
Mọi người đừng bận tâm đến những điều đó nữa. Chuyện gì xảy ra trước mắt thì cũng đã là câu trả lời an bài rồi. Hãy để cho chúng tôi sống thật tự nhiên và bình thường. Ai cũng có yêu ghét, có lựa chọn của riêng mình. Còn tôi chưa bao giờ phải giải thích vì dù thế nào, thêu dệt là “sở thích” của mọi người.
Tôi không muốn rắc rối, không muốn tổn thương cho ai và không muốn nói đến một cái tên nào mà mình không muốn nghĩ đến. Còn ai nói động đến tôi là quyền của họ, khi nào nói thẳng đến tên tôi hẵng hay. Khi thích nói, tôi sẽ nói thẳng, không cần phải “me mé”.
– Hết tình bạn, liệu giữa hai chị có còn tình đồng nghiệp?
Đồng nghiệp chứ sao nữa? Cãi nhau không, lỗi lầm cũng không, chỉ là không thể ở bên cạnh người đó được nữa, không thể chia sẻ được nữa thì như thế. Có thể tự dưng hết duyên. Thế thôi!
Bọn tôi vẫn văn minh, việc ai nấy làm. Nhiều chương trình trong và ngoài nước, chúng tôi vẫn hát với nhau thường xuyên. Tôi nghĩ Hà cũng chẳng có gì với mình cả, chỉ là bất đồng quan điểm và khác về hành xử. Tất nhiên còn có những điều riêng tư, tôi không tiện chia sẻ. Nhưng đến đây là đủ rồi.
– Ồn ào liên quan đến mối quan hệ giữa chị và Hồ Ngọc Hà mang đến cho chị những phiền phức gì?
Tôi thấy bình thường. Quan trọng là mình không nghĩ gì, còn nếu cứ lo phải né tránh, thì mình mệt mỏi thật đấy.
– Cái tôi quá lớn của hai người phụ nữ giỏi giang là nguyên nhân của rạn nứt này?
Không. Với người không biết, tôi có thể vỗ thẳng mặt họ mà nói. Còn người thừa thông minh thì nói để làm gì? Cái tế nhị nhất với bạn bè là kết thúc trong im lặng. Không phải việc gì mình cũng có thể nói được. Tốt nhất là để bạn tự chiêm nghiệm, còn bản thân mình sẽ giữ khoảng cách.
Đôi khi nghĩ lại vẫn thấy bâng khuâng. Nhưng thôi kệ đi, chúng tôi cũng bận và có rất nhiều bạn, nhiều mối quan hệ giá trị khác.
– Gần 20 năm ca hát, chị nói gì khi nhớ lại chặng đường, những thăng trầm mà mình đã trải qua?
Chặng đường 20 năm của tôi, thì có đến 10 năm quá vất vả. Tôi đúng nghĩa phải đi từng bước, một cách chậm rãi. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi, bởi ở khía cạnh nào đó, đúng với tính cách của tôi, đó là sự điềm tĩnh và chậm rãi.
Sau 5 năm đầu làm nghề, tức thời điểm 2004, tôi mới phát hành album Giấc mơ có thật. Tiếp tục 5 năm sau đó, người mà mọi người tưởng chừng luôn thủng thẳng lại có bước chuyển mình không ai nghĩ đến. Đó là khi tôi chuyển sang bolero. Có thể tôi tham lam, nhưng sự tham lam đó nằm trong khả năng và đúng chừng mực, thì tôi nghĩ mình có quyền làm.
Lệ Quyên nếu đã có 20 năm làm nghề, tôi hy vọng sẽ còn rất nhiều năm về sau nữa. Trong quãng thời gian đó, tôi hứa khán giả sẽ còn thấy nhiều điều ngoạn mục nhưng vẫn nằm trong vùng an toàn như thế.
– Đâu là thời điểm có ý nghĩa quan trọng nhất trong 20 năm đi hát, tạo nên Lệ Quyên của hiện tại?
Tôi cho rằng album bolero đầu tiên là một “bom tấn”, đã nắm thẳng tay tôi đưa lên một vị trí mà mình không dám kỳ vọng. Đến nay, việc mọi người dành tình cảm cho tôi khi hát bolero là điều không cần phải bàn cãi nữa. Đó là tình cảm quá lớn và nồng nàn.
– Mới đây, Đàm Vĩnh Hưng phát biểu ‘Lệ Quyên đã bị gièm pha, mỉa mai khi hát bolero’. Về phía mình, chị đã đối mặt và vượt qua những gièm pha đó ra sao?
Cảm quan của tôi, của bạn, hay của tất cả mọi người khi khám phá hoặc trải nghiệm một điều mới mẻ thì việc đầu tiên luôn là sự hoài nghi.
“Cô ấy sẽ làm được gì?”, “Liệu có làm được không?” là những “mẫu số chung” mà mọi người dành cho tôi. Nhưng nghệ thuật là phạm trù cụ thể, không ai có thể giúp ai được. Dù khán giả có khắt khe và cay nghiệt đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu đó là một trải nghiệm đúng và vừa vặn, chắc chắn khán giả sẽ đón nhận.
Tôi nhớ những sự hoài nghi mà mình nhận được khi chia sẻ việc hát bolero. Đến khi album đầu tiên là Khúc tình xưa 1 được phát hành, chỉ nhìn vào list nhạc, khán giả đặt ra rất nhiều câu hỏi vì sao có Sầu lẻ bóng rồi lại có Tình lỡ, Ảo ảnh? Theo họ, như thế là không đúng, không có sự đồng điệu. Tuy nhiên, mọi người không nhận ra đều này lại giúp album có sự uyển chuyển hơn, hay nói cách khác là không – nhàm – chán. Bolero và nhạc xưa phải có sự bổ trợ cho nhau bằng nhiều tiết tấu, màu sắc, cảm xúc.
Nửa năm sau, khi mọi người bắt đầu “ngấm”, họ hiểu rằng “Quyên đúng”. Thử hỏi một album 12 bài đều theo một màu sắc, bạn có nghe được không hay chỉ đọng lại cảm giác mệt mỏi? Không chỉ hát, tôi còn muốn mình trở thành một “quý bà hát bolero”, tức sẽ làm dòng nhạc này bớt bi thương, sang trọng hơn, hình thức cũng sẽ trở nên thời thượng.
Khi tôi hát nhạc Trịnh cũng vậy. Bản thân anh Sơn rất thích tác phẩm của mình được biến tấu đa dạng, nhưng chẳng qua lâu nay mọi người vì sợ nên không làm như vậy. Với tôi, nếu đã là người hát sau, chắc chắn phải thể hiện được sự sáng tạo cũng như tham vọng hát theo cách của riêng mình. Tôi không bao giờ dám biến một bài hát trở nên lai căng, méo mó hay thậm chí là dị hợm mà vẫn giữ những hơi thở dung dị, gần gũi nhưng vẫn sâu đúng với những sáng tác của một người rất giỏi văn chương như Trịnh Công Sơn.
– Khi chuyển sang những dòng nhạc mà theo chị nói là có lượng khán giả khá “đóng khung”, chị đón nhận những ý kiến trí chiều với tâm thế nào?
Có người nói nhạc Trịnh phải hát nhẹ nhàng hơn, không nên diễm lệ đến như vậy. Tôi tôn trọng những ý kiến đó và không có chút nào khó chịu hay cảm giác mất tự tin. Vẫn là câu nói “làm dâu trăm họ”, nhưng với tôi, khi nhận những đánh giá trái chiều, điều trước tiên là nên nhìn nhận lại bản thân.
Sau cùng, mỗi khi thể hiện các ca khúc bolero hay nhạc Trịnh, khán giả có mặt tại thời điểm đó chính là những người đánh giá chính xác nhất. Họ không thể miễn cưỡng vỗ tay nếu không thích.
Kể từ khi phát hành album, tôi dù diễn ở phòng trà, sân khấu lớn hay event không bao giờ không được yêu cầu hát 1, 2 bài nhạc Trịnh. Có thể trong số khán giả có những người từng chưa hài lòng, nhưng khi nghe tôi hát trực tiếp, họ sẽ phải suy nghĩ lại.
– Nghệ sĩ Việt rất ngại khi bị chê, thậm chí đó là lời chê đúng, chị có đồng tình?
Tôi nói thật, không ai muốn bị chê cả. Nếu người nào nói “Cứ chê đi, tôi hạnh phúc lắm”, là họ nói dối. Nhưng là một người biết nhìn nhận, bạn phải đón nhận tất cả ý kiến đó một cách rất văn minh. Hơn nữa, khi một người cảm thấy không phù hợp thì dù việc ấy có vĩ đại đến đâu, sau cùng cũng là không thích. Đôi khi, giữa đa số là những lời khen, vẫn có những ý kiến gay gắt mà khi đọc không tránh khỏi cảm giác nhói nơi lồng ngực.
– Những ông hoàng, bà chúa của Vpop đã gần như không còn giữ được sức ảnh hưởng như trước. Chị có ý thức giữ vững ngôi “nữ hoàng phòng trà” của mình như thế nào?
Tôi chỉ lo cảm xúc của mình chai lì. Còn chuyện bị soán ngôi, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Nếu không rõ quy luật của nghề này, bạn sẽ không chịu nỗi cú sốc đó đâu, thậm chí cuộc sống sẽ chấm dứt. Do đó, tôi rất bình thản.
Mặt khác, tôi cho rằng mình sẽ vẫn còn giá trị nếu còn lao động nghiêm túc. Ví dụ như các cô, chú tên tuổi lớn, dù đã qua thời hoàng kim nhưng những chương trình lớn làm sao thiếu họ được, lớp trẻ cũng không thể thay thế. Tôi chỉ mong mình đạt được “level” đó.
Theo Phương Giang – Thanh Huyền/Zing.vn