Ông Hoàng Văn Bình, phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC), cho biết Sky Music đã vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả nhưng chưa chịu khắc phục hậu quả.
Bốn tháng đã trôi qua kể từ khi các nhạc sĩ phản ứng trước hành vi vi phạm bản quyền tác giả của đơn vị kinh doanh nhạc Sky Music. Tuy nhiên, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) khẳng định vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực từ phía đơn vị vi phạm.
Ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng giám đốc VCPMC, bức xúc nói: “Chúng tôi đã gửi công văn, cảnh báo vi phạm nhưng Sky Music không chấp nhận bồi thường, không khắc phục hậu quả. Không những thế đơn vị này còn tiếp tục vi phạm”.
*Tuyên bố kinh doanh nhạc có bản quyền nhưng hơn 90% vi phạm bản quyền
– Các nhạc sĩ đã phản ứng mạnh mẽ việc vi phạm bản quyền của Sky Music thời gian qua. Cụ thể sự vi phạm ấy thế nào thưa ông?
Từ đầu năm 2017, VCPMC phát hiện Công ty Cổ phần Sky Music tự ý sử dụng số lượng lớn tác phẩm âm nhạc của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên Trung tâm để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc với tên gọi X-Music Station thông qua các website http://xms.vn, http://xmusicstation.com và các ứng dụng nghe nhạc Xmusic, XmusicStation.
Họ tuyên bố là nhạc thuộc các dự án này đều có bản quyền gồm quyền liên quan của ca sĩ, nhà sản xuất và cả quyền tác giả. Nhưng thực tế là họ đã không xin phép tác giả, cũng không xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả thông qua VCPMC.
Only C là một trong những nhạc sĩ bị Sky Music vi phạm bản quyền nhiều nhất.
Trên cơ sở chứng cứ thu thập được và kết quả xác minh từ các tác giả thành viên, VCPMC đã đấu tranh, buộc Sky Music phải thừa nhận hành vi sai trái, chuyển danh sách bản ghi mà Sky Music đã cung cấp cho đơn vị sử dụng để VCPMC đối soát.
Kết quả đối soát danh sách nhạc do Sky Music chuyển qua xác định thì trong tổng số 2.073 bản ghi mà công ty này cung cấp cho các đơn vị kinh doanh sử dụng có tới 1.873 tác phẩm của hàng trăm tác giả là thành viên Trung tâm.
Nghĩa là hơn 90% tổng số bản ghi mà Sky Music sử dụng là bất hợp pháp. Trong đó những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm bị vi phạm nhiều là nhạc sĩ Quốc An, Only C, Nguyễn Văn Chung…
Về số tiền VCPMC truy thu với sai phạm của Sky Music thì chúng tôi đang trong quá trình xử lý. Con số chính xác sẽ được Trung tâm cung cấp tới báo chí một ngày gần nhất.
– Như ông chia sẻ, VCPMC đã gửi công văn nhiều lần nhưng Sky Music không thực hiện đúng thỏa thuận. Vậy để bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ thành viên, VCPMC sẽ làm gì tiếp theo?
Vừa qua, VCPMC đã làm việc với Sky Music để giải quyết vấn đề bồi thường cho các tác giả thành viên nhưng phía Sky Music không chấp nhận bồi thường, khắc phục hậu quả cho các tác giả theo yêu cầu.
Nghiêm trọng hơn, Sky Music còn vi phạm các cam kết tại biên bản làm việc với Trung tâm ngày 9/5 và tiếp diễn hành vi xâm phạm. Vì vậy, ngày 31/10, VCPMC đã gửi cảnh báo vi phạm, yêu cầu Sky Music chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Đồng thời, chúng tôi có văn bản báo cáo về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music gửi Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả và đơn vị chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Sắp tới, VCPMC sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các tác giả thành viên.
Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ đầu tiên lên tiếng tố cáo Sky Music vi phạm bản quyền.
– Ở Việt Nam, chưa từng có tiền lệ về việc khởi kiện trong lĩnh vực vi phạm bản quyền. Nếu khởi kiện Sky Music, VCPMC có tự tin về phần thắng tại tòa?
Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định rất rõ các biện pháp bảo vệ quyền mà chủ thể quyền có thể áp dụng khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, bao gồm cả việc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.
Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp nào và vào giai đoạn nào sẽ được VCPMC cân nhắc kỹ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả thành viên, đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ xâm phạm và thái độ hợp tác của đơn vị vi phạm.
Hiện nay, các luật sư của VCPMC đã thu thập, củng cố đầy đủ chứng cứ vi phạm của Sky Music. Chúng tôi cũng tiến hành các bước theo đúng trình tự, quy định của pháp luật Việt Nam và những cam kết quốc tế.
Sai phạm của Sky Music không chỉ dừng lại ở các tác phẩm của tác giả Việt Nam là thành viên VCPMC mà còn có cả tác phẩm của tác giả quốc tế mà VCPMC là đại diện đã ký hợp tác với hơn 71 tổ chức tập thể ở trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.
*Cần kiểm tra đơn vị kinh doanh nhạc thực hiện bản quyền trước khi cấp phép
– Ông đánh giá thế nào về bức tranh vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam hiện nay?
Tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc hiện nay khá phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực từ biểu diễn, website, các phần mềm ứng dụng công nghệ nền tảng, nhà hàng, khách sạn, hệ thống phát thanh, truyền hình… với nhiều hình thức vi phạm tinh vi, đa dạng như sử dụng tác phẩm không xin phép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm.
Sự phát triển của công nghệ khiến cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả trở nên tinh vi và phức tạp.
Vấn nạn vi phạm bản quyền không những gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả, gây bức xúc trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về bản quyền như Công ước Berne, Hiệp định Trips…
Nhạc sĩ Hoài An cho rằng Sky Music cố tình không tuân thủ pháp luật.
– Vậy theo ông, cần có những biện pháp gì để vấn đề bản quyền âm nhạc được thực hiện đúng pháp luật?
Thời gian qua, pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả từng bước hoàn thiện về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.
Tuy nhiên, công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm.
Đối với lĩnh vực biểu diễn, xuất bản… cơ quan cấp phép cần rà soát kỹ hồ sơ cấp phép và xem việc hoàn thành nghĩa vụ pháp định đối với chủ sở hữu quyền là điều kiện tiên quyết trước khi cấp phép. Bởi quyền tác giả là tài sản riêng của tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện.
Đối với các đơn vị kinh doanh nhạc để thu lợi nhuận từ dịch vụ cung ứng bản ghi hoặc giải pháp nghe nhạc có sử dụng quyền tác giả (như Sky Music), cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành kiểm tra, yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền tác giả trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ nội dung cho khách hàng.
Theo Bích Hằng/Zing.vn