360 độ Giải trí

‘Biên niên sử về khủng long’: Từ tiến hóa tới diệt vong

Với lối kể chuyện đầy cuốn hút, ‘Biên niên sử về khủng long’ của nhà sinh vật học người Mỹ Steve Brusatte – đã thuật lại sống động lịch sử tiến hóa đáng kinh ngạc của thế giới khủng long.

Những mẩu hóa thạch kể chuyện quá khứ xa xưa

Trước khi hồi chuông báo tử vang lên, khủng long đã thống trị thế giới suốt hơn 150 triệu năm, trải qua những gian khổ trong quá trình tiến hóa để có được kích thước khổng lồ, khả năng trao đổi chất nhanh chóng… Nhưng rồi chỉ trong tích tắc, bầy đàn hùng mạnh này lại “kết thúc” và “biến mất” khỏi Trái đất, để lại vô số hóa thạch bị chôn vùi được tìm thấy sau này.

Thông qua những câu chuyện trong “Biên niên sử về khủng long”, tác giả Steve Brusatte – nhà nghiên cứu cổ sinh vật học thuộc thế hệ 8x –  đã đem đến cho độc giả lời giải đáp thỏa đáng về những sự kiện xảy ra khi loài khủng long biến mất, cũng như cách Trái đất tự chữa lành. Công cuộc này bắt đầu từ việc tác giả đi tìm những mẩu hóa thạch. Steve Brusatte cho biết: “Những mẩu hóa thạch có giá trị đặc biệt bởi nhờ nó, ta biết được các loài tuyệt chủng đã tương tác với nhau ra sao; di chuyển, tìm kiếm thức ăn như thế nào; thậm chí là cả nơi cư ngụ và cách thức sinh sản. Vì vậy, tôi đặc biệt quan tâm đến hóa thạch của khủng long và những loài động vật xuất hiện trước đó”. 

Ở đoạn mở đầu của “Biên niên sử về khủng long”, Steve Brusatte đã giải thích cho độc giả hiểu rõ hơn những khái niệm về hóa thạch trong bối cảnh hiện tại đồng thời anh cũng trình bày những suy tư được gợi mở khi cùng thầy cô và đồng nghiệp khám phá, nghiên cứu về những bộ xương khủng long bị vùi sâu dưới đất.

Đối với một nhà cổ sinh vật học, hóa thạch là bằng chứng không thể thiếu trong việc nghiên cứu khoa học; bởi lẽ, đây là những ghi chép duy nhất về sự sống và tiến hóa của các loài sinh vật đã tuyệt chủng. Các vết hóa thạch có thể là: vết chân, tay, đuôi mà khủng long cùng những động vật khác để lại trên bùn, cát khi săn bắt, kiếm ăn, lẩn trốn, giao phối, tương tác và đi lại mỗi ngày.

Với sự nghiên cứu tỉ mỉ của tác giả Steve Brusatte, độc giả sẽ biết thêm nhiều thông tin về các loài khủng long qua những miêu tả ngắn gọn, dễ hiểu. Những cái tên khủng long đem đến sự tò mò, thú vị cho người đọc có thể kể đến là: Khủng long Edmontosaurus (Khủng long mỏ vịt), Iguanodon (Khủng long răng kỳ nhông), Tyrannosaurus (Khủng long bạo chúa), Velociraptor (Khủng long có cánh)… 

Ở những chương đầu tiên, “Biên niên sử về khủng long” là chuỗi câu chuyện xen kẽ giữa công việc nghiên cứu và ước mơ của Steve Brusatte; thông qua đó, người đọc có thể cảm nhận được tác giả đã xem việc gắn bó với ngành cổ sinh vật học như một lẽ sống. Từ thời thơ ấu, Steve Brusatte đã đam mê tìm hiểu kiến thức về khủng long khi sở hữu bộ sưu tập đá và thần tượng Paul Sereno – một nhà cổ sinh vật học. Và đến tuổi trưởng thành, với những kiến thức  đã được tiếp thu từ thế hệ đi trước, anh lại dấn thân lang bạt khắp mọi miền trên thế giới, đến những nơi như: mỏ đá Ba Lan, các bãi triều ở Scotland trong thời tiết giá lạnh, những tòa lâu đài ở Transylvania, hay các vùng hẻo lánh tại Brazil, hoặc ở Hell Creek (miền Tây Bắc Mỹ)… để đào xương khủng long, làm việc cùng những đồng nghiệp quốc tế và đặt tên cho hơn 15 loài mới, trong đó có khủng long “Pinocchio rex” (Qianzhousaurus) và Zhenyuanlong.

Chuỗi ngày tồi tệ cho hành tinh của loài người khi khủng long biến mất

Trong “Biên niên sử về khủng long”, có một sự kiện đóng vai trò bản lề cho toàn bộ tác phẩm, đó là thời điểm kỷ Phấn Trắng kết thúc bằng một tiếng nổ dữ dội, đặt dấu chấm hết cho loài khủng long. Khủng long sống trong ba niên đại địa chất gồm kỷ Tam Điệp, kỷ Jura, kỷ Phấn Trắng (thường được gọi chung là Đại Trung Sinh – Mesozoic). Trong đó, hai thời kỳ đầu chính là thời khủng long phát triển rực rỡ nhất, để rồi vào cuối giai đoạn kỷ Phấn Trắng, chúng đã hoàn toàn tuyệt chủng.

Tác giả Steve Brusatte đã thuật lại chi tiết những giả thuyết về nguyên nhân khủng long tuyệt chủng. Trong đó, có một nguyên nhân đáng chú ý là vụ va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái đất ngoài khơi Mexico ở cuối kỷ Phấn Trắng cách đây 66 triệu năm. Từ đó, Steve Brusatte đưa ra nhận định rằng:“Sau vụ va chạm của tiểu hành tinh, có lẽ không còn thế lực nào có thể định đoạt được số phận của khủng long… Trước đó, khủng long đã có cơ hội vươn lên sau khi những ngọn núi lửa khủng khiếp cách đây 250 triệu năm gần như quét sạch mọi loài trên Trái đất. Và giờ thời thế đã thay đổi, những con T. rex, Triceratops, những con khủng long cổ dài… đã biến mất. Đế chế khủng long tuy đã kết thúc nhưng chúng vẫn tồn tại mãi mãi”.

Thông qua những cuộc khảo cứu, “Biên niên sử về khủng long” đã trở thành một bản tường thuật phong phú, sống động với nhiều chi tiết chằng chịt được tô đậm bằng những phát hiện mới từ chính tác giả. Từ các bằng chứng hóa thạch, Steve Brusatte đã vẽ ra một bức tranh toàn diện về sự sống và tiến hóa của các loài khủng long theo trình tự tuyến tính qua từng chương: Khủng long xuất hiện, Khủng long trỗi dậy, Khủng long trở thành một thế lực, Khủng long cất cánh, Khủng long biến mất…

Tác phẩm “Biên niên sử về khủng long” dễ khiến người đọc nhớ đến series Công viên kỷ Jura của đạo diễn Steven Spielberg bởi lối kể chuyện hấp dẫn đến mức một khi đã lật sách, độc giả sẽ không dễ dàng buông xuống vì đã bị cuốn theo những diễn biến mới khi Steve Brusatte tìm ra những mẫu vật như: xương, răng, trứng, tổ, lông… của khủng long. Tác giả kể lại rằng: “Sau khi hoàn thành việc khai quật ở Homer, chúng tôi tiếp tục khảo sát hàng ngàn cây số mét vuông vùng đất khô cằn, đơn điệu bao quanh Ekalala, cố gắng bắt đầu thật sớm để tránh cái nóng kinh hoàng. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều răng của các loài khủng long ăn thịt nhỏ hơn, gồm cả những con Dromaeosaurid có cánh giống với Velociraptor, cũng như răng của một loài khủng long to cỡ con ngựa có tên Troodon…” 

Vì được tiếp cận những ghi chép hoàn chỉnh, người đọc sẽ có cảm giác như được cùng Steve Brusatte trở về quá khứ để tìm hiểu tường tận đủ mọi loại khủng long từng xuất hiện trên Trái đất như: khủng long ăn thịt, khủng long ăn cỏ, hay những loài khủng long lớn nhất, dài nhất và hung bạo nhất. Đồng thời, “Biên niên sử về khủng long” cũng nêu bật được sự bền bỉ của nhà cổ sinh vật học trẻ người Mỹ khi dành cả thanh xuân cho một hành trình nghiên cứu trường niên về sự tiến hóa đến diệt vong của loài khủng long. Đặc biệt là, anh không ngại gian khó để đến thực địa tại các vùng đất xấu trong lưu vực San Juan (New Mexico, Hoa Kỳ) để theo dấu những con T.rex và Triceratops.

Với hơn 300 trang sách và hàng trăm thông tin lôi cuốn, “Biên niên sử về khủng long” giúp người đọc khám phá vô vàn điều kỳ diệu về hành tinh của loài người thời tiền sử.

“Có lẽ đã có hàng tỷ con khủng long sinh sống khắp nơi trên thế giới, từ thung lũng Hell Creek đến các hòn đảo ở châu Âu, chúng đã thức dậy vào sáng ngày hôm ấy cách đây 66 triệu năm. Và rồi, chỉ trong tích tắc, theo đúng nghĩa đen, mọi thứ đã kết thúc”. 

Thông qua tác phẩm “Biên niên sử về khủng long”, Steve Brusatte không chỉ tìm kiếm lời giải đáp về sự diệt vong của loài khủng long mà còn đặt ra những câu hỏi đáng suy tư về loài người:“Con người luôn tự tin về vị trí của mình trong thế giới tự nhiên, ngay cả khi những điều chúng ta đang làm khiến hành tinh này thay đổi nhanh chóng. Việc này khiến tôi thấy bất an. Có một ý nghĩ cứ lởn vởn trong tâm trí khi tôi rảo bước trên sa mạc khắc nghiệt ở New Mexico, khi nhìn cảnh hóa thạch của khủng long đột ngột phải nhường chỗ cho hóa thạch của Torrejonia và các loài động vật có vú khác. Đó là câu hỏi liệu những gì đã xảy ra với loài khủng long, có thể xảy ra với loài người chúng ta vào một lúc nào đó hay không?”.