360 độ Giải trí Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Câu chuyện cuộc sống: Nỗi sợ bị bỏ lỡ

‘Câu chuyện cuộc sống’ tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống như làm thế nào để quản lý tài chính ổn định, học cách kiềm chế cơn tức giận và làm sao để bước ra khỏi nỗi sợ bị bỏ lỡ.

Đừng trút giận lên người khác

Tức giận là một trong những cảm xúc của con người mà trong chúng ta ai cũng sẽ gặp phải. Tuy nhiên thay vì bình tĩnh kiểm soát cơn giận của mình thì nhiều người lại có thói quen trút giận lên người khác, điều này không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân với những người xung quanh.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao – Chuyên gia Tâm lý bày tỏ: “Người hay trút giận là người không có khả năng quản lý và kìm nén cảm xúc. Khi tiếp xúc với người luôn trong trạng thái sẵn sàng bùng nổ sự tức giận, chúng ta dần tránh né và cảm thấy mối quan hệ này không an toàn. Muốn từ bỏ thói quen trút giận lên người khác, chúng ta cần thay đổi quan điểm của mình, cần có sự tôn trọng người khác, đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn nhận hậu quả và không kỳ vọng quá nhiều vào người khác. Khi chúng ta kiểm soát được cơn giận của mình thì các mối quan hệ xung quanh cũng trở nên tốt đẹp hơn”.

Nỗi sợ bị bỏ lỡ 

Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, công nghệ, các thiết bị di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều người mong muốn bản thân mình phải bắt kịp xu hướng và hoạt động của người khác. Đây được gọi là F.O.M.O Fear Of Missing Out (Hội chứng sợ bị bỏ lỡ), hội chứng này có thể gây ra những vấn đề về tâm lý, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui – Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết: “Những người rơi vào hội chứng này sẽ tốn rất nhiều thời gian để cập nhật thông tin, kể cả những thông tin không quan trọng, không liên quan đến cuộc sống của họ. Hội chứng này đem đến sự lo lắng, bứt rứt, dễ có những quyết định nóng vội không được suy xét thận trọng. Để chữa “bệnh” này, cần thiết phải “cai” điện thoại, thay vào đó là những hoạt động đọc sách, viết nhật ký giúp kết nối lại với cảm xúc của mình; hoặc chọn cách giao tiếp trực tiếp với những người thân trong gia đình. Khi chúng ta sắp đưa ra một quyết định nào đó, nguyên tắc là dừng lại 3 giây suy nghĩ thật thận trọng, tự hỏi xem mình có thật sự cần nó không, hay chỉ vì sợ thua thiệt với một ai đó”. 

Làm thế nào để người trẻ quản lý tài chính ổn định?

Trong cuộc sống, việc quản lý tài chính là một kỹ năng quan trọng mà người trẻ cần nắm, tuy nhiên nhiều người trẻ gặp khó khăn trong vấn đề này dẫn đến nợ nần và cảm giác bất ổn tài chính, không đạt được mục tiêu trong cuộc sống.  

Anh Nguyễn Văn Minh (Quận 2, TP.HCM) cho biết anh đã đi làm được một thời gian nhưng vẫn chưa xây dựng cho bản thân một kế hoạch về tài chính trong tương lai: “Tôi cảm thấy bản thân thiếu kiến thức về đầu tư, tiết kiệm và tài chính cá nhân. Ai cũng muốn sự ổn định về tài chính nhưng tôi cũng chẳng biết nên bắt đầu và làm như thế nào”.

Ông Tạ Thanh Tùng – Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, Công ty Cổ phần FIDT chia sẻ: “Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân là học cách tiết kiệm. Mỗi tháng nên dành ra một khoản tiết kiệm, chi phí sinh hoạt hàng tháng là số tiền còn lại. Tài chính cá nhân liên quan đến tâm lý, hành vi của chúng ta đối với tiền. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng cho bản thân quỹ dự phòng. Nếu chẳng may chúng ta có một sự cố gì đó về thu nhập, chúng ta mất việc hay gặp vấn đề về sức khỏe không thể đi làm được, quỹ dự phòng sẽ giúp giúp ta duy trì được sinh hoạt của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Và nên nhớ quỹ dự phòng là khoản tiền mà chúng ta không bao giờ được lấy sử dụng vì bất kỳ mục đích gì, bởi vì mục tiêu của nó là dự phòng cho trường hợp khẩn cấp, nên chỉ khi khẩn cấp chúng ta mới cần đến nó”.

“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.