Đẹp

Sự thật khốc liệt đằng sau cuộc thi hoa hậu Mỹ

Sống trong những khuôn mẫu và kỳ vọng, đối mặt với scandal, bị đồn đại, bị theo sát bởi cánh truyền thông, sự hoài nghi của cộng đồng… là những điều mà hoa hậu phải chịu đựng.

Trong lúc thế giới quay cuồng vì những cuộc thi sắc đẹp, Katherine Shindle lại lột trần bộ mặt thật của những danh hiệu được xem là cao cao quý ấy qua tự truyện Being Miss America: Behind the Rhinestone Curtain của mình.

Gần một trăm năm qua, ngôi vị nữ hoàng sắc đẹp của xứ cờ hoa luôn được người đời tán tụng. Những cô gái trẻ đẹp trên khắp nước Mỹ thèm khát có được danh vị cao quý ấy với mong ước đổi đời. Thế nhưng, đằng sau cái danh ấy là những điều cực khổ, tủi nhục và cả hy sinh âm thầm.

Being Miss America – tự truyện của Hoa hậu Mỹ năm 1998.

Mười bốn chương sách trong tự truyện này là những sự thật đằng sau cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nước Mỹ, lần đầu tiên được tiết lộ bởi người đẹp Katherine Shindle. Cô từng là hoa hậu tiểu bang Illinois trước khi đăng quang ngôi vị hoa hậu Mỹ năm 1998.

Cô là hoa hậu Mỹ đầu tiên lên tiếng kêu gọi nước Mỹ thay đổi nhận thức về đại dịch HIV trên toàn cầu, và phổ biến giáo dục giới tính học đường. Đó là chủ đề gây nhiều tranh cãi, mà sau đó đã khiến Katherine đương đầu với cánh truyền thông suốt nhiều năm trời.

*Chuẩn mực của vẻ đẹp kiểu Mỹ

Katherine dẫn dắt người đọc đi từ những ngày đầu thành lập cuộc thi sắc đẹp này. Với góc nhìn đa chiều, cô khai thác lại những lý tưởng và giá trị cơ bản của giải thưởng này. Một giá trị đậm chất “Mỹ”, tôn vinh vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, phải chịu sự phụ thuộc và đánh giá dưới con mắt của những nhà tài phiệt – những người thành lập cuộc thi.

Dưới góc nhìn của cô, cuộc thi sắc đẹp không chỉ có thế, mà trên hết là truyền cảm hứng cho những người xung quanh, và tôn lên vẻ đẹp tri thức. Nhưng không phải lúc nào chuyện đó cũng trở thành hiện thực

Kể từ những ngày đầu. Đã có rất nhiều hoa hậu mong muốn “tạo dấu ấn” đột phá bao gồm Bess Myerson (1945), hoa hậu gốc Do Thái đầu tiên và duy nhất của nước Mỹ; Yolande Betbeze (1951), người đã chiến đấu chống lại việc sử dụng hình ảnh pinup (ảnh so sánh các thí sinh của cuộc thi); Kaye Lani Rae Rafko (1987), một người phụ nữ lao động bình thường tại Michigan, muốn hợp nhất danh hiệu nổi tiếng của mình với công việc y tá.

Ketherine được trao vương miện đêm chung kết Hoa hậu Mỹ tháng 9/1997.

“Được nghe tên mình xướng lên đêm chung kết quả là một điều kỳ diệu. Tôi như muốn ngất đi vì không thể tin được điều đó đã đến với mình, nó như một món quà lớn mà chúa đã trao cho tôi vây”, Katherine thuật lại cảm xúc của mình đêm trao giải hôm ấy.

Vinh danh hoa hậu tại quê nhà là một hoạt động thường diễn ra ngay sau lễ đăng quang. Trở về nhà và được tôn vinh là điều mọi hoa hậu đều ao ước.

Nhưng trước khi bước qua ngưỡng cửa đó, bạn sẽ phải chấp nhận ký hàng ngàn chữ ký, tiếp hàng trăm buổi phỏng vấn với những câu hỏi về dự định tương lai, về đời tư của bạn.

Hoa hậu chỉ được về nhà sau nửa đêm và phải chuẩn bị dậy sớm từ sáng hôm sau để trở về. Không có một màn chào đón hoành tráng như bạn nghĩ tại sân bay.

Những người sẽ chờ bạn ở đó, không ai khác chính là các mạnh thường quân, những người tài trợ cho bạn trong suốt cuộc thi. Và thứ họ cần, chính là … một bức ảnh chụp với bạn. Katherine đã kể như vậy trong hồi ký.

*Áp lực của chiếc vương miện

Nếu quay về 40, 50 năm về trước, hoa hậu chỉ được như bình hoa di động, là một danh hiệu chỉ phải xuất hiện trên các cuộc thi truyền hình hoặc những lễ trao giải khác nhau, thì nay vai trò của hoa hậu đã trở thành một nhân tố truyền cảm hứng cho giới trẻ: thúc đẩy nhận thức và tư duy của cộng đồng trong thời đại mà nữ quyền và tự do bày tỏ quan điểm dâng cao.

Mọi hoạt động xã hội sẽ dồn đến như một trách nhiệm “phải có” của một hoa hậu. Nhưng những hoạt động ấy lại do chính những nhà tài trợ lớn trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ tổ chức, nhằm giúp họ quảng bá thương hiệu, tên tuổi.

Với Katherine, đây là một áp lực lớn vì cái nhìn của công chúng sẽ hướng vào và đánh giá những gì hoa hậu đang muốn truyền đạt, đặc biệt nếu nó gắn đến những vấn đề nhạy cảm.

Điều đó trở thành sự thật khi Katherine công bố mình là nhà hoạt động phòng chống HIV, và nỗ lực cải thiện giáo dục giới tính học đường. Những đòn chỉ trích cô ngay lập tức xuất hiện. Góc nhìn của công chúng trở nên ngờ vực, khi họ gán ghép cho cô với những từ ngữ không hay, cho rằng cô đang cường điệu hóa vấn đề và gây chú ý.

Riêng cánh nhà báo liên tục soi mói vào những hoạt động vì nghệ thuật của cô diễn ra sau đó. Điều này làm Katherine bị sốc và phải mất một thời gian điều trị tâm lý. Không gục ngã trước những thách thức, cô làm theo hướng đi của bản thân.

Katherine hiện là thành viên của Hiệp hội Diễn viên Mỹ, và là nhà vận động hành lang lớn tại New York.

“Tôi đã không đeo vương miện từ khi ấy nữa. Tôi đã trở thành một nhà vận động hành lang cho những dự thảo luật lớn về y tế, và tham dự những buổi diễn thuyết với sinh viên về phòng chống AIDS và HIV, và tôi đã quyên tiền cho nghiên cứu chữa bệnh”, Katherine kể lại trong một buổi phỏng vấn tại New York năm 2017.

Trong một cuộc phỏng vấn sau khi sách xuất bản, Katherine chia sẻ cuốn sách giúp cô giải tỏa nỗi lòng khi được kể ra những suy nghĩ và trải nghiệm của mình, suốt gần 20 năm sau ngày đăng quang.

Với cô, hầu hết phụ nữ trẻ trên cả nước đều muốn phấn đấu để trở thành hoa hậu Mỹ, họ nhìn vào nó như cách mà công chúng đón nhận: như một giấc mơ, một điều ước đảm bảo rằng họ sẽ được tôn trọng, được ngợi ca, và trở thành biểu tượng giới trẻ Mỹ. Nhưng họ không biết họ đang thực sự bước vào cái gì nếu họ thắng.

Hàng thập kỷ trong những khuôn mẫu, kỳ vọng, đối mặt với scandal, bị đồn đại, bị theo sát bởi cánh truyền thông, sự hoài nghi của cộng đồng, và cả những sự ngờ vực về khả năng dẫn dắt công chúng đã khiến cho việc mang chiếc vương miện hoa hậu Mỹ gần như bất khả thi.

Theo Nguyễn Ngọc Anh Khôi/Zing.vn