‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Khi người trẻ làm quản lý, dạy con ăn mặc đẹp phù hợp và văn hóa và hậu quả khó lường khi bạo hành ngôn ngữ với trẻ em .
Khi người trẻ làm quản lý
Hiện nay các vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp đang dần được trẻ hóa, ngày càng nhiều người trẻ nắm giữ các vị trí quan trọng. Bởi họ có sự năng động, sáng tạo và không ngừng học hỏi làm mới các ý tưởng để thành công trong công việc. Nhiều người cho rằng người trẻ nên chưa nhiều kinh nghiệm, chưa đủ tầm để điều hành một nhóm hoặc tổ chức, đặc biệt đối với các nhân viên có thâm niên sẽ cảm thấy chưa thích nghi được với việc sếp là người trẻ.
Thực tế các tình huống khó xử xảy ra giữa lãnh đạo trẻ và nhân viên có thâm niên xuất phát từ khoảng cách giữa các thế hệ, đơn giản vì sự trải nghiệm kinh nghiệm và góc nhìn của cả hai sẽ có sự khác nhau dẫn đến việc chưa thống nhất được tiếng nói chung và dễ xảy ra các mâu thuẫn. Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu – Chuyên gia tâm lý cho biết: “Đối với một nhân viên với thâm niên trong nghề, qua nhiều năm họ vẫn có nhu cầu khẳng định giá trị của họ trong công việc, cũng như nhu cầu được công nhận năng lực từ những người sếp mới. Cho nên những người sếp trẻ, nếu như không hiểu được nhu cầu này và có khuynh hướng hạ thấp, không xem trọng giá trị và những đóng góp của người nhân viên với kinh nghiệm nhiều năm, chắc chắn mâu thuẫn và xung đột sẽ xảy ra”.
Vậy nên bên cạnh năng lực, thái độ và cách hành xử là yếu tố rất quan trọng mà một người quản lý, lãnh đạo trẻ cần phải chú ý. Đặc biệt là lắng nghe, dành sự tôn trọng với nhân viên, nhất là với nhân viên có thâm niên cao. Khi giữa các thế hệ trong một tập thể có được sự dung hòa, phối hợp tốt điều đó sẽ trở thành sự kết nối tuyệt vời khi có thể bù trừ cho nhau, tận dụng các điểm mạnh của nhau tạo nên các giá trị tốt đẹp cho công ty, doanh nghiệp. Vì vậy các nhà quản lý trẻ hãy phát triển song song giữa trí tuệ và kỹ năng để duy trì các mối quan hệ xung quanh, không ngừng trau dồi kiến thức và học hỏi vốn sống từ các thế hệ trước.
Dạy con ăn mặc đẹp phù hợp và văn hóa
Càng lớn trẻ càng muốn tự lập về mọi mặt để thể hiện sở thích cũng như cá tính của riêng mình. Thông thường khi trẻ càng lớn, nhất là giai đoạn bước vào cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ có xu hướng muốn tự lựa chọn trang phục cho bản thân. Vấn đề ăn mặc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là nguồn cơn gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa cha mẹ và con cái. Trong nhiều trường hợp nếu như con trẻ cảm thấy mặc như vậy là đẹp thì cha mẹ lại cảm thấy xấu và không phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – chuyên gia tâm lý cho biết, gu thẩm mỹ của trẻ được thể hiện qua việc lựa chọn phong cách thời trang của trẻ và sự hiểu biết về văn hóa: “Các bậc phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho con trẻ có phong cách ăn mặc phù hợp với lứa tuổi. Mỗi đứa trẻ đều có giá trị khác nhau về tính cách, và sở thích, do vậy khi định hướng cho con về phong cách ăn mặc như thế nào là phù hợp phải dựa trên sở thích của con trẻ. Là bậc cha mẹ chúng ta cần nên hiểu rõ sở thích và thói quen của con, điều này giúp ích trong việc định hình phong cách thời trang của con”.
Việc lựa chọn phong cách ăn mặc như thế nào là quyền của mỗi cá nhân, trẻ em cũng có quyền tự lựa chọn phong cách ăn mặc cho chính mình. Song trẻ vẫn cần sự giáo dục của phụ huynh để trẻ hiểu văn hóa ăn mặc của một người cũng là sự phản chiếu của bản thân gia đình và xã hội. Trẻ không nên chạy theo trào lưu, mà hơn hết nên cảm nhận xem trang phục đó có mang lại sự tự tin, thoải mái và phù hợp với nơi mình đến hay không. Từ đó rút ra được bài học trong việc lựa chọn cách ăn mặc sao cho không chỉ đẹp mà còn phải phù hợp với vóc dáng, hoàn cảnh và bối cảnh.
“Bạo hành ngôn ngữ” với trẻ em – Hậu quả khó lường
Cơn đau của một trận đòn roi có thể quên nhanh, thế nhưng những vết thương từ lời nói có thể kéo dài và hằn sâu trong kí ức. Với con trẻ đây còn là vết thương tâm lý nghiêm trọng nhưng nhiều cha mẹ lại không hề biết. Một đứa trẻ nếu thường xuyên phải nghe lời la mắng, bạo lực tinh thần bằng ngôn ngữ sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong cuộc sống có không ít cha mẹ vì không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, nên thường dùng những từ ngữ nặng nề để nói với con cái. Để rồi họ bao biện rằng “vì tôi thương chúng”, tuy nhiên chính những lời nói cay nghiệt có tính sát thương của cha mẹ không làm cho trẻ tốt lên thay vào đó trẻ sẽ hình thành nên những vết sẹo tâm lý khó chữa lành.
Thạc sĩ Lê Ngọc Bảo Trâm, Khoa Tâm lý học – Trường ĐH KHXH&NV cho biết, trẻ em ở độ tuổi vị thành niên thường rất tin vào lời của người lớn: “Đôi khi trẻ tự đánh giá, tự nhận thức về bản thân của mình thông qua những sự đánh giá của người lớn. Nếu phụ huynh thường xuyên nói với con là “con rất chậm chạp”, trẻ sẽ nghĩ về bản thân theo chiều hướng không tích cực, không có giá trị, tạo ra rào cản lớn trong lòng trẻ, trẻ khó tìm kiếm những con đường và cơ hội để xây dựng cho mình những giá trị tốt đẹp. Khi trẻ không cảm nhận được giá trị của bản thân, trẻ dần mất đi sự tự tin, hay thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực như tự làm đau bản thân mình, trong nhiều trường hợp khi áp lực quá lớn trẻ không thể kiềm nén và dẫn đến việc trẻ từ bỏ cuộc sống hiện tại theo cách cực đoan nhất”.
Mỗi người chúng ta dù là trẻ em hay người lớn đều mong muốn được yêu mến, có chỗ đứng trong lòng người thân của mình. Cha mẹ nghiêm khắc với những hành vi sai trái của con là cần thiết, nhưng nếu thoái hóa cực đoan sẽ gây ra hậu quả xấu. Hãy dùng ngôn ngữ yêu thương để giao tiếp với con, giúp con hiểu được lỗi sai để hoàn thiện bản thân. Từ đó giúp con lớn lên tự tin và hạnh phúc hơn.
“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.