Là khách mời trong chương trình ‘Kính đa chiều’ với chủ đề ‘Sân khấu dành cho thiếu nhi’, NSƯT Bạch Long có những chia sẻ đầy tâm huyết cũng như hé lộ lý do đằng sau đoàn Đồng Ấu Bạch Long do mình sáng lập phải ngưng hoạt động dù nhận nhiều sự ủng hộ của trẻ em và phụ huynh.
Khi lớn lên tham gia hoạt động nghệ thuật, vào khoảng năm 1990, NSƯT Bạch Long nhận được yêu cầu tập kịch Cóc kiện trời cho các con của nghệ sĩ trong đoàn Minh Tơ để phục vụ biểu diễn Tết Trung Thu. Khi nhận được kịch bản, Bạch Long đề xuất chuyển từ thể loại kịch nói sang cải lương như sở trường của mình. Sau khi được đồng ý, nghệ sĩ Bạch Long tập hợp các bé bấy giờ như Tú Sương, Quế Trân, Nhật Tân, Thanh Thảo, Ngọc Trinh, Bình Tinh,… để tập luyện. Khi đó, Tú Sương khoảng 10 tuổi, còn lại hầu hết ở độ 5 – 8 tuổi. Có thể nói, nhờ sự dạy dỗ của Bạch Long mà nhiều tên tuổi trong số ấy đã trở thành nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như hiện nay.
Đạo diễn Lê Hoàng nhận định, để nghệ thuật sân khấu bao gồm kịch nói, cải lương phát triển thì phải có lực lượng kế thừa. Và để thế hệ trẻ sau này kế thừa nghệ thuật sân khấu thì cần được giáo dục từ bé. Tương tự các đội bóng trên thế giới hay tại Việt Nam, các cầu thủ đều được tuyển chọn từ lúc thiếu niên.
NSƯT Bạch Long cho biết, vào thập niên 1990 khi nam nghệ sĩ thành công với vở Cóc kiện trời dành cho thiếu nhi, có nhiều phụ huynh đưa con đến học. Tuy nhiên sau một thời gian khi xu hướng nhạc Hàn Quốc xuất hiện thì các bé chuyển sang học ca nhạc, hiphop.
Trước thắc mắc của đạo diễn Lê Hoàng về những địa điểm giảng dạy sân khấu truyền thống cho thiếu nhi, NSƯT Bạch Long cho biết vẫn còn nhưng chủ yếu dạy tân nhạc và không có cải lương. “Lực lượng kế thừa hiện nay chủ yếu là sinh viên thích cải lương tuồng cổ. Các bạn tìm thầy Bạch Long để học, còn lớp nhỏ không có nữa”, nam nghệ sĩ tỏ bày.
Câu trả lời của NSƯT Bạch Long khiến đạo diễn Lê Hoàng ngậm ngùi. Giải thích thêm về việc giảng dạy cải lương ngày càng thu hẹp, anh trai NSƯT Thành Lộc thổ lộ: “Trước đó Vũ Luân, Quế Trân may mắn vì Bạch Long có đoàn hát, vì vậy khán giả bắt đầu biết đến các cháu. Còn các bé sau này học xong không có sân khấu hoạt động nên chuyển sang ca nhạc”.
Nhớ lại thời kỳ hoàng kim của đoàn Đồng Ấu Bạch Long, nam nghệ sĩ bồi hồi: “Hồi đó đoàn Đồng Ấu Bạch Long được Nhà Văn hóa quận 3 hỗ trợ nhóm để đi diễn phục vụ thiếu nhi. Mấy rạp khác nghe nói đoàn Đồng Ấu được nhiều khán giả ủng hộ nên mời mình qua”. Dù nghệ sĩ Bạch Long đã từ chối nhưng các anh chị trong nghề vẫn quyết mời đoàn Đồng Ấu Bạch Long sang biểu diễn dưới những công văn mang tên giao lưu giữa các quận. Trước sự nổi tiếng của đoàn Đồng Ấu Bạch Long, nhiều đoàn cải lương khác mất một lượng khán giả nên gửi đơn lên trên yêu cầu đoàn Đồng Ấu Bạch Long hạn chế hoạt động.
NSƯT Bạch Long tiết lộ Đoàn Đồng Ấu Bạch Long bị “chơi xấu” đến mức ngừng hoạt động.
Đáng chú ý, khi đoàn của NSƯT Bạch Long ngưng hoạt động, nhiều đoàn khác lại mời Tú Sương, Vũ Luân về đoàn của họ để hát những vở tuồng người lớn trong khi vẫn còn là thiếu nhi. “Họ thưa đoàn Đồng Ấu trẻ con mà hát tuồng người lớn, nhưng khi họ mời Tú Sương, Vũ Luân về thì hát toàn tuồng người lớn. Mà tụi nó tuổi con nít, bên đây hát thiếu nhi đúng rồi, khi tụi nhỏ về bên kia lại hát tuồng tình yêu”, NSƯT Bạch Long bức xúc.
Chua xót thay cho NSƯT Bạch Long vì bị “chơi xấu”, đạo diễn Lê Hoàng khẳng định: “Giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi thứ nhất phải có tâm yêu thiếu nhi thật sự chứ không phải giáo dục cho thiếu nhi nhìn vào kinh tế. Thứ hai phải đồng bộ. Thứ ba phải có sáng tác chuyên biệt, không phải mang nghệ thuật của người lớn diễn cho trẻ em coi rồi bảo con trẻ phải yêu nghệ thuật”.
Host Lê Hoàng cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi hiện nay trên toàn quốc chưa có Nhà hát thiếu nhi như ở nước ngoài. Trong khi nhu cầu thiếu nhi xem kịch rất nhiều, bằng chứng mỗi năm Idecaf sản xuất chương trình Ngày xửa ngày xưa thu hút rất đông lượt khán giả mua vé cho thiếu nhi. NSƯT Bạch Long đồng tình: “Nói thẳng là Việt Nam chỉ có sân khấu kịch Idecaf có loại hình nghệ thuật dành cho thiếu nhi nhưng phải vào tháng 6, tháng nghỉ hè chứ hàng đêm thì không có”.
Nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ thêm, từng có khoảng thời gian vào năm 1978 – 1979, Sở Văn hóa yêu cầu tất cả các đoàn nghệ thuật người lớn phục vụ thiếu nhi vào sáng chủ nhật hàng tuần. Khi đó, nam nghệ sĩ đảm nhiệm các vai chính biểu diễn cho thiếu nhi như Kim Đồng, Thánh Gióng, Trần Quốc Toản,… cho đến khi các đoàn sân khấu dần “xuống dốc”. Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng: “Chúng ta phải xây dựng chiến lược giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi một cách đàng hoàng, đồng bộ chứ không phải trông vào những người yêu thiếu nhi như nghệ sĩ Bạch Long. Trẻ con cũng yêu cải lương nếu có những điều phù hợp với chúng, chỉ là không có người hướng dẫn, không có người dìu dắt, không có người xây dựng tiết mục. Nghệ sĩ chúng ta rất nhiều người giỏi, nhưng người có tâm huyết với thiếu nhi thì không có nhiều”, host Lê Hoàng nhận định.
Kính đa chiều – chủ đề tiếp theo Khả năng tiếp thị thơ với sự tham gia của host Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 15/3 và 18/3 trên kênh VTV9.