Đạo diễn “Người bất tử” chia sẻ cuộc sống với Đinh Ngọc Diệp khiến anh suy nghĩ điềm đạm hơn, cả trên phim trường lẫn đời tư.
– Vợ chồng anh sắp đón con chào đời. Anh chuẩn bị cho việc làm cha như thế nào?
Đứa con sắp chào đời là điều gì đó quá mới mẻ với tôi, là hạnh phúc tôi chưa hiểu được. Tôi vốn chuyện gì cũng phải tính toán thật kỹ, tìm hiểu trước khi làm gì đó. Tôi biết mình sẽ hoang mang khi làm bố. Vì thế, càng chuẩn bị tốt cho vai trò này thì càng bớt sự hoang mang (cười).
Sau khi con ra đời, tôi dự định dành nửa năm cho gia đình trước khi quay Mắt biếc (chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh). Trong thời gian đó, tôi sẽ không đi xa mà ở nhà suy nghĩ ý tưởng làm phim cũng như phụ giúp vợ.
– Sau hai năm kết hôn, cuộc sống của anh thay đổi ra sao?
Tôi trở nên kiên nhẫn hơn. Trước đây, cái tôi của tôi lớn, cảm xúc mạnh. Khi kết hôn, tôi phải học cách suy nghĩ đến cảm xúc của vợ, nghĩ cho gia đình chứ không chỉ cá nhân. Khi có chuyện, tôi không nóng vội mà suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng hay trả lời gì đó. Tôi và vợ chưa từng to tiếng, nếu có giận thì cố không để qua đêm mà cắt ngay cảm xúc tiêu cực khi đó.
Qua đó, tôi giảm bớt tính nóng, không chỉ trong đời tư mà cả trên phim trường. Lúc quay phim Người bất tử, có nhiều chuyện mà nếu như trước đây đụng phải tôi đã “lên cơn” nhưng giờ thì không. Nhìn chung, hôn nhân khiến tôi nhìn cuộc đời bình tĩnh hơn, bình tĩnh hơn trước các tình huống khó khăn để tìm cách giải quyết.
– Đinh Ngọc Diệp hỗ trợ anh thế nào trong sự nghiệp?
Tôi may mắn cưới người trong giới và đồng điệu về lĩnh vực phim. Chúng tôi thường hào hứng trao đổi công việc cùng nhau. Khi tôi viết kịch bản, Diệp cũng tham gia phụ giúp. Cô ấy đam mê viết lách và khi xem phim có thể cảm nhận và đưa ra ý kiến rõ ràng. Diệp đánh giá phim với cái nhìn mộc mạc, đôi khi có những ý kiến mà tôi – người làm về kỹ thuật lâu năm – không thấy. Cô ấy có những nhận xét đáng giá, khiến tôi lắng nghe.
Ngoài ra, Diệp hỗ trợ về truyền thông cho các dự án của tôi. Đó là phần tôi thấy khó nhất bởi tôi không giỏi giao tiếp, quan hệ với người ngoài giới. Tôi hiểu truyền thông quan trọng và ảnh hưởng lớn rất lớn đến thành công của phim. Vì thế, tôi thấy yên tâm có bạn đời giúp được ở mảng này.
– Tác phẩm mới – “Người bất tử” – là phim có kinh phí lớn và tốn thời gian nhất của anh. Điều gì thôi thúc anh đưa câu chuyện này lên màn ảnh?
Nhiều năm qua, đề tài về cái chết hấp dẫn tôi. Nó là thứ không thể tránh khỏi và khiến mọi người đều sợ hãi khi nghĩ đến. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi con người có thể đi ngược tự nhiên, chống lại cái chết. Tôi phác họa một người đàn ông bất tử, sống qua nhiều thế kỷ rồi đưa nhân vật vào một câu chuyện tâm linh – ly kỳ.
Tôi chấp bút kịch bản từ sau khi viết Scandal (2013) nhưng xong hồi một thì hơi băn khoăn về phần sau. Sau hai năm, tôi trở lại, hợp tác với biên kịch Kay Nguyễn để tạo đường dây mới. Phiên bản ban đầu thiên về kinh dị hơn. Nhưng càng viết, tôi càng thấy hướng tâm linh gần gũi với khán giả Việt hơn.
– Tác phẩm được ghi hình trải dài ở ba miền. Anh có thể chia sẻ về giai đoạn khó khăn nhất?
Đó là lúc quay ở hang Tú Làn (Quảng Bình) kéo dài khoảng 10 ngày. Trong kịch bản đầu, hang động chỉ là phần nhỏ câu chuyện. Tuy nhiên, khi đến nơi tôi thật sự bị thu hút và muốn nó xuất hiện nhiều hơn. Khu vực này có sự hùng vĩ và ghê rợn, bí ẩn xen lãng mạn. Khi khảo sát, tôi cùng đoàn phải bơi 300 mét vào hang, trải qua cảm giác vừa sợ vừa thú vị khi chân không chạm đáy, dơi bay trên đầu.
Sau khi chọn nơi này, chúng tôi tiếp tục phải giải bài toán hậu cần – làm sao đưa 150 người trong đoàn vào hang. Không thể mang thiết bị qua ngả lúc khảo sát, cũng như không thể dùng đường hàng không. Từng có một đoàn phim tính đến phương án dùng trực thăng đưa thiết bị vào hang nhưng không được cấp phép. Cuối cùng, chúng tôi may mắn khi có một công ty hỗ trợ mở lối riêng vào thẳng ốc đảo – nơi ghi hình. Đường này xa hơn một chút và đoàn phim phải di chuyển bằng thuyền phao theo lối hẹp – nhưng sẽ an toàn hơn. Mỗi ngày, ê-kíp phải làm việc khẩn trương, kết thúc lúc 4 giờ chiều để ra kịp trước khi trời tối.
– “Người bất tử” đánh dấu sự trở lại của anh với kiểu phim tâm linh, ly kỳ. 10 năm hoạt động ở ViệtNam, anh liên tục thay đổi thể loại và chủ đề. Vì sao thế?
Thể loại với tôi chỉ là cái vỏ, cách kể chuyện. Khi làm phim, tôi xem điều quan trọng nhất là câu chuyện và lối kể sao cho thú vị nhất, còn thể loại phục vụ cho mục tiêu đó. Khi nhận dự án, tôi suy nghĩ trong thời gian dài, đến khi tìm được cách kể ưng ý mới bắt đầu ghi hình. Tuy nhiên, không phải thể loại nào tôi cũng tham vọng chinh phục, ví dụ như phim nhạc kịch thì không hợp với tôi. Về đề tài, tôi có sự luân chuyển bởi nếu khai thác mãi một câu chuyện, tôi thấy mình bị cũ kỹ, lặp lại nhiều.
Tuy nhiên, có một điểm xuyên suốt trong phim của tôi – cũng là thứ tôi tâm đắc nhất. Đó là yếu tố ly kỳ (thriller), gây bất ngờ cho người xem, ngay cả ở các phim Cô dâu đại chiến hay Thiên mệnh anh hùng. Từ khi đi học trường điện ảnh, tôi đã rất mê phim của Alfred Hitchcock – bậc thầy phim ly kỳ người Mỹ. Đến nay, tôi vẫn còn xem lại phim của ông và thấy hấp dẫn như lần đầu.
– Khi thử nghiệm nhiều thể loại, đôi khi anh thua ở phòng vé như với Lôi Báo năm ngoái. Anh đối mặt thất bại thế nào?
Ở mỗi phim, tôi đều có độ hài lòng nhất định dù thắng phòng vé hay không. Tôi nhìn mọi thứ lạc quan, nghĩ rằng dự án nào mình cũng yêu nó. Mỗi tác phẩm đều có rủi ro còn nhà làm phim phải can đảm đối mặt với quyết định của mình. Nếu làm an toàn quá, có khi tôi lại không hứng thú, không đem đến sự mới lạ cho người xem. Nhìn rộng ra, để nền điện ảnh phát triển, phải có người đầu tư vào đề tài gai góc, mạo hiểm.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi quay lưng với phòng vé, chỉ nghĩ từ phía mình. Đạo diễn phải có một số tác phẩm thành công về mặt doanh thu để có cơ hội thực hiện các dự án khác.
Theo Ân Nguyễn/Vnexpress.net