Phim ảnh

‘Ông ngoại tuổi 30’ – hài ổn, diễn xuất còn gượng

Phim remake tốt ở các tình huống gây cười, nhất là về nhân vật nhí, nhưng diễn xuất nhìn chung chưa đủ mạnh cho câu chuyện nhiều nút thắt.

Phim do Võ Thanh Hòa đạo diễn, là bản Việt hóa của phim Hàn Quốc Scandal Makers (2008). Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình) là một phát thanh viên,MC nổi tiếng, có người yêu xinh đẹp. Ở chương trình tâm sự qua sóng vô tuyến, anh khuyên một cô gái trẻ đi tìm người cha chưa hay biết mình có con rơi. Oái oăm thay, cô gái này – tên Mi Trần (Kiều Trinh đóng) – chính là con của Sơn Huy.

Mi Trần dắt theo con trai của cô tên Phương Đông (Coco Hoàng Gia Bảo đóng) đến nhà Sơn Huy, khiến cuộc sống anh đảo lộn. Vốn là chàng trai đa tình, Sơn Huy lâm vào tình huống khó xử khi phải làm cha, làm ông. Anh còn phải giấu nhẹm chuyện này trước giới truyền thông, đặc biệt là gã phóng viên Bồng Bềnh (Tùng Leo đóng) chuyên đi săn scandal của sao.

Cũng như nhiều phim remake, Ông ngoại tuổi 30 tận dụng lợi thế kịch bản tốt của nguyên tác. Câu chuyện được khai triển mạch lạc quanh hai mối quan hệ của Sơn Huy với con gái và cháu ngoại. Nhân vật chính đi từ chỗ chối bỏ đến chấp nhận và học cách chăm sóc người thân. Tuy nhiên, khi tình hình dần ổn định, mâu thuẫn mới lại được khuấy lên khi Mi Trần tham gia cuộc thi hát và được khán giả yêu thích, còn người yêu cô bỗng dưng xuất hiện. Các mặt trái của giới showbiz như việc câu ratings, xâm phạm đời tư cũng được đan cài trong câu chuyện.

So với bản Hàn, bản Việt làm ổn ở khâu hài, đôi khi bổ sung thêm vài pha hài tình huống đặc trưng của đạo diễn. Các cảnh đáng giá thuộc về cậu bé Phương Đông – người lúc đầu bị Sơn Huy xem như thừa thãi, nhưng dần khiến ông yêu thương. Sao nhí Coco Hoàng Gia Bảo lột tả được sự láu cá cần thiết của nhân vật khôn trước tuổi. Nhiều lần, những cái nháy mắt tinh nghịch, điệu bộ kháu khỉnh của Phương Đông chiếm thiện cảm khán giả.

Dù vậy, diễn xuất của nhóm diễn viên người lớn không đủ mạnh cho câu chuyện. Trịnh Thăng Bình ăn điểm nhờ ngoại hình phù hợp với vai MC đào hoa, nhà giàu nhưng diễn còn gượng. Mỗi khi có cảnh đòi hỏi biểu cảm – như lúc Sơn Huy hoảng hốt bởi bạn gái đến mà Mi Trần đang ở trong nhà, anh thường bị “gãy” trong thể hiện. Đây cũng là vai diễn điện ảnh đầu tiên của nam ca sĩ sinh năm 1988.

Sao nhí trong phim được tạo hình gần giống bản gốc.

Hạ Vi – vai cô giáo mầm non khiến Sơn Huy phải lòng – tiếp tục bộc lộ điểm yếu diễn xuất sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Người đẹp có ánh mắt, thần thái đều đều trong cả phim. Nam ca sĩ Lou Hoàng cũng thất bại trong vai người yêu của Mi Trần với những biểu cảm cường điệu quá mức, cho thấy sự thiếu tự nhiên của “tay ngang” đóng phim.

Ổn hơn cả trong dàn diễn viên người lớn là Kiều Trinh (còn gọi là Trinh xíu). Vẻ trẻ trung, xinh xắn của cô gái sinh năm 1994 phù hợp với nhân vật từng được Park Bo Young thể hiện thành công. So với bản Hàn, nhân vật Mi Trần được xây dựng dịu dàng, bớt ngổ ngáo hơn, giúp diễn viên trẻ “dễ thở” trong diễn xuất. Trích đoạn ấn tượng nhất của Kiều Trinh là khi trình diễn bài hát ở giữa phim. Tuy nhiên, cô và Trịnh Thăng Bình đều đuối sức ở cảnh tranh cãi cao trào với cách thoại và biểu cảm bị hụt so với sức nặng tình huống.

Về hình ảnh, Ông ngoại tuổi 30 tròn trịa về bối cảnh, nhưng màu phim không tái hiện được sự ấm áp của bản gốc. Một vài cảnh đêm bị nhiễu (noise) do thiếu sáng. Nhạc phim là điểm cộng với hai ca khúc Ước gì (bản phối mới) và Tâm sự tuổi 30 bắt tai và phù hợp với nội dung.

Kiều Trinh có vai chính điện ảnh đầu tiên. Năm ngoái, cô thủ vai bạn của nhân vật nữ chính trong “Em chưa 18”.

Ông ngoại tuổi 30 nằm trong trào lưu phim remake của điện ảnh Việt, bắt đầu từ sau thành công của Em là bà nội của anh (2015). Năm ngoái, có bốn phim điện ảnh dựa trên kịch bản nước ngoài là Bạn gái tôi là sếp (làm lại từ ATM: Er Rak Error), Sắc đẹp ngàn cân (từ 200 Pounds Beauty), Yêu đi, đừng sợ (từ Spellbound) và Ngày mai Mai cưới (từ series hài Get Married của Indonesia). Năm nay, Tháng năm rực rỡ (từ Sunny), Ông ngoại tuổi 30 và Yêu em bất chấp (từ My Sassy Girl) đã và sắp công chiếu.

Nhìn chung, các phim remake có ưu thế là kịch bản đã qua “thử lửa” ở nước bạn, nhưng điều này không đảm bảo thành công tuyệt đối ở phòng vé Việt Nam. Vấn đề chủ chốt vẫn nằm ở tay nghề đạo diễn, phải biết nhấn nhá để làm bật lên cảm xúc như Phan Gia Nhật Linh với Em là bà nội của anh hay Nguyễn Quang Dũng với Tháng năm rực rỡ. Ở điểm này, đạo diễn sinh năm 1989 Võ Thanh Hòa vẫn còn non tay hơn đàn anh. Gây cảm xúc rõ nét nhất trong Ông ngoại tuổi 30 chỉ có cảnh hồi tưởng và cảnh hát của Mi Trần.

Phim khởi chiếu từ ngày 30/3 với nhãn C13 (không dành cho khán giả dưới 13 tuổi).

Theo Ân Nguyễn/Vnexpress.net