Giải trí TVshow Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận khái quát quá trình hình thành của chữ Nôm

Trong chương trình ‘Kính đa chiều’, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận tiết lộ một độc chiêu của chữ Nôm, chỉ người Việt Nam mới có, đó là xây dựng trên cơ sở chữ Hán nhưng lại đọc theo âm Hán Việt.

Ngoài vai trò đồng tác giả sách Cao Bá Quát toàn tập và Giáo trình Hán văn thời Lý Trần, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận còn có nhiều bài viết về văn học cổ Việt Nam đăng trên tạp chí Ngôn ngữ, Tập san KHXH và NV, Nghiên cứu Hán Nôm, Khoa học Xã hội TP.HCM,…

Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận vừa xuất hiện trong chương trình “Kính đa chiều” để chia sẻ về lịch sử và quá trình phát triển của chữ Nôm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận định nghĩa, chữ Nôm là một hệ thống văn tự được cấu tạo từ chữ Hán để ghi lại tiếng nói của dân tộc Việt Nam. Do đó, những người không học chữ Hán sẽ khó phân biệt chữ Nôm và chữ Hán. Thậm chí, ngay cả người Trung Quốc khi nhìn vào chữ Nôm, thoạt nghĩ là chữ Hán nhưng dù cố gắng thì cũng không thể hiểu. Bởi chữ Nôm do người Việt sáng tạo để ghi lại tiếng nói của dân tộc.

Về lịch sử, chữ Nôm ra đời do yêu cầu xã hội. Cụ thể, sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ mới cho nước nhà thì dân tộc Việt vẫn dùng chữ Hán. Thế nhưng do nhu cầu xã hội cần một hệ thống chữ cái riêng để ghi lại tiếng nói của dân tộc, chữ Nôm bắt đầu hình thành.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận tiết lộ một độc chiêu của chữ Nôm, chỉ người Việt Nam mới có, đó là xây dựng trên cơ sở chữ Hán nhưng lại đọc theo âm Hán Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận cho biết: “Yêu cầu đầu tiên là tên người, tên đất. Sau đó, xuất phát từ nhu cầu có thực của xã hội. Cho nên ngoài việc sử dụng chữ Hán trong việc học hành, thi cử, các cụ ngày xưa đã sử dụng những chữ Hán đầu tiên có thể ghi âm tiếng Việt, rồi dần dần từ đó hình thành nên chữ Nôm. Từ sử dụng một ít rồi cuối cùng thành một hệ thống văn tự Nôm đủ để ghi tất cả mọi từ ngữ tiếng nói của dân tộc ta. Cho đến đời nhà Trần, lúc này chữ Nôm đã trở thành bài bản”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận, hệ thống chữ Nôm của người Việt về phương diện cấu tạo được chia làm hai loại. Một loại dùng nguyên hình của chữ Hán và một loại lắp ghép, tức chữ Nôm tự tạo. Với chữ Nôm tự tạo này, người Trung Quốc không thể đọc được.

Về chi tiết, người Việt xưa dựa vào âm và nghĩa để chia chữ Nôm thành nhiều loại nhỏ. Chữ Nôm dùng nguyên hình chữ Hán thì được gọi là giả tá như thiên địa, độc lập, tự do, hạnh phúc, đức tài,… Tương tự giả tá, chữ Nôm tự tạo cũng được chia làm nhiều loại nhỏ, căn cứ vào âm và nghĩa.

Một trong những khía cạnh đặc biệt của chữ Nôm là âm Hán Việt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận, âm Hán Việt là âm đọc chữ Hán của người Việt, bắt nguồn từ âm đọc chữ Hán do chính người Hán dạy cho người Việt vào giai đoạn Đường Tống và chịu sự tác động của ngữ âm tiếng Việt. Từ đó hình thành nên âm Hán Việt, một cách đọc độc chiêu, chỉ Việt Nam mới có.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận nhấn mạnh: “Chữ Nôm là loại chữ xây dựng trên cơ sở chữ Hán nhưng đọc theo âm Hán Việt, không phải tiếng Hán theo âm Bắc Kinh hay tiếng Hán hiện đại và cũng không phải là tiếng Hán giai đoạn thế kỷ thứ bảy trở về trước”.

“Kính đa chiều” chủ đề tiếp theo Đạo cụ cải lương xưa và nay với sự tham gia của host Lê Hoàng và nghệ nhân Trường Lộc sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 7/11 trên kênh VTV9.