Ngày 6/3 muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia phòng bệnh sốt xuất huyết được thả tại xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang.
Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Giám đốc Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam cho biết kết quả lấy phiếu đồng thuận ở 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên tại Vĩnh Lương, 100% đồng ý với việc thả muỗi vằn mang Wolbachia trong khu vực.
Theo giáo sư Đức Anh, sau đợt thả muỗi đầu tiên vào ngày 6/3, trong 12-18 tuần tiếp theo, mỗi tuần dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi khu vực diện tích 50m x 50m đã được chia sẵn theo bản đồ.
Dự án thí điểm thả muỗi Wolbachia ở đảo Trí Nguyên kết thúc khả quan, từ năm 2015 các nhà nghiên cứu tiến tới thả loài muỗi này trên đất liền. Các nhà khoa học kỳ vọng phương pháp sinh học này không chỉ giúp khống chế dịch sốt xuất huyết ở Vĩnh Lương mà sẽ được nhân rộng ra các địa phương có dịch lưu hành trên toàn quốc.
Bà Megan Woolfit, Đại học Monash (Australia), đơn vị tài trợ Chương trình Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết Việt Nam, tham gia thả muỗi tại Nha Trang sáng 6/3. Ảnh: N.N.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang cho biết địa phương luôn hoan nghênh, tạo điều kiện để các nhà khoa học ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo hướng an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường… Mục tiêu là góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân và xã hội.
Ông Võ Phước Tiến, đại diện người dân Vĩnh Lương cho biết đã thấy tận mắt cán bộ dự án đưa tay vào lồng muỗi cho mấy trăm con muỗi chích cùng lúc nên rất yên tâm ủng hộ. “Người dân hiểu rằng để có được giống muỗi lành giúp phòng bệnh, các nhà khoa học và cán bộ dự án đã phải làm việc rất nghiêm túc và mất rất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị”, ông Tiến chia sẻ.
Lãnh đạo địa phương tham gia thả muỗi. Ảnh: N.N
Wolbachia là một loại vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng trong tự nhiên như bướm, chuồn chuồn, ruồi giấm và một số loài muỗi. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika lại không mang vi khuẩn Wolbachia. Do đó các nhà khoa học sử dụng phương pháp công nghệ sinh học để diệt muỗi gây sốt xuất huyết, bằng cách thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ra môi trường tự nhiên. Muỗi Wolbachia sẽ cặp đôi với muỗi sốt xuất huyết, nhờ quá trình sinh sản tự nhiên của giống loài để truyền vi khuẩn Wolbachia cho muỗi bệnh, giúp hạn chế lan truyền bệnh mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng.
Năm 2013-2014, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã triển khai thí điểm thả muỗi ở thực địa đầu tiên là đảo Trí Nguyên với khoảng 3.000 dân sinh sống. Kiểm tra vào tháng 12/2014, hơn 90% muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ở đảo Trí Nguyên đã được thay thế tự nhiên bằng muỗi vằn mang Wolbachia ít có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện quần thể muỗi mang Wolbachia vẫn tự duy trì trên đảo. Những năm qua trong khi đất liền Nha Trang dịch sốt xuất huyết xảy ra lớn và gia tăng nhanh thì trên đảo không có ổ dịch tập trung nào.
Dựa trên những đánh giá khoa học toàn diện về tính an toàn tại Australia, Việt Nam và Indonesia cũng như kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới, phương pháp sử dụng muỗi vằn mang Wolbachia được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường.
Theo Lê Phương/Vnexpress