Man City, Liverpool và Chelsea đều đang đi theo tiếng gọi của bóng đá cống hiến. Riêng chỉ có MU trung thành với triết lý bảo thủ và cũng hết thời.
Mãn nhãn. 90 phút ở Stamford Bridge được gói ghém trong hai chữ như vậy khi Chelsea hòa Liverpool 1-1 thuộc vòng 7 Premier League (230/9). Hai đội nằm trong top đầu chơi thứ bóng đá tấn công rất sôi nổi. Nhịp độ trận đấu đôi lúc được đẩy lên rất cao, như bộ phim rượt đuổi trên xa lộ.
Bây giờ, Liverpool, Man City và Chelsea là những đại diện tiêu biểu cho lối chơi tấn công đang chiếm thế thượng phong ở Premier League. Coi họ đá rất đã mắt. Mọi thứ diễn ra dưới tốc độ kinh hoàng và rực lửa. Và đây mới chỉ là sự bắt đầu. Mọi thứ hãy còn rất hấp dẫn phía trước.
Chelsea (áo xanh) và Liverpool (áo đỏ) đang là đại diện tiêu biểu cho thứ bóng đá tấn công hấp dẫn.
Từ những gì Chelsea và Liverpool thể hiện, dễ nhận thấy các đại diện tiêu biểu của trường phái tấn công sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh và không từ bỏ triết lý của mình. Liverpool đá Gegenpressing dưới sự chỉ đạo Juergen Klopp, còn Chelsea chơi “Sarri-ball” đầy hứa hẹn.
Bóng đá hiện đại của những năm 2018 đòi hỏi một CLB phải chơi không chỉ khoa học, mà còn rực lửa. Sau tiếng còi khai cuộc, mọi vị trí cần dồn lên tấn công. Cách đơn giản nhất để chiến thắng là ghi nhiều bàn hơn đối phương. Để làm điều đó, chỉ có bóng đá tấn công mới đáp ứng.
Sân Stamford Bridge, Chelsea và Liverpool tung ra 23 tình huống dứt điểm. Đội khách kiểm soát bóng nhỉnh hơn, với 52,8%. Số pha phạt góc hai đội ngang bằng, 4 lần mỗi bên. Những con số đó cho thấy Chelsea và Liverpool chơi rất cống hiến. Họ không hề tỏ ra co cụm phòng ngự.
Chelsea biết Gegenpressing của Liverpool lợi hại thế nào, đáp lại họ chơi bằng sự tỉnh táo, xây dựng những pha tấn công bằng các tình huống ban bật tam giác nhanh. “The Blues” của Sarri thật sự rất khác, không còn lấy hàng thủ của Antonio Conte làm kim chỉ nam.
Cuộc đối đầu giữa hai đối thủ này diễn ra rất hấp dẫn.
Dưới thời Sarri, Chelsea đá hệt Barca. Khi tấn công, họ đẩy cao nhịp độ, chú trọng kiểm soát và đánh trực diện. Lối chơi này bắt nguồn từ hàng thủ, bởi vậy người hâm mộ đã được thấy một David Luiz phát động rất hay ở hiệp 1 với đường chuyền dài vượt tuyến cho Willian thoát xuống.
Triết lý “Sarri-ball” của Chelsea trở thành khắc tinh với Gegenpressing được Liverpool thể hiện, vốn gây áp lực liên tục làm đối phương bối rối và mắc sai lầm. Đội bóng thành London mang bộ mặt rất khác so với cách đây 1 năm. Họ thủ giỏi, mà tấn công cũng đầy sắc sảo.
Trong khi đó, Liverpool gần như mang hình dạng cũ từ lúc Klopp nắm quyền. Các cầu thủ chơi áp sát với từ 4 đến 5 cầu thủ pressing từ phần sân đối thủ. Mỗi lần triển khai tấn công, “Quỷ đỏ” thực hiện mọi công đoạn rất đơn giản để rút ngắn thời gian, từ đó tạo ra tính bất ngờ.
Từ Man City đến Liverpool rồi Chelsea, các CLB này đều đem tới xứ sương mù thứ bóng đá hấp dẫn và cởi mở. Hình ảnh này trái ngược sự lỗi thời được Mourinho áp dụng tại MU. Nếu Chelsea và Liverpool đại diện cho “mốt” thời đại, thì MU như ăn mày dĩ vãng.
Trong khi đó, Jose Mourinho lại đang tỏ ra lỗi thời.
Mourinho quá cũ kỹ với kiểu tiếp cận trận đấu bảo thủ. Ông không thể mạnh dạn thay đổi triết lý của mình và chỉ biết gặm nhắm quá khứ ngày xưa. Trong khi Chelsea và Liverpool tạo ra cuộc rượt đuổi về nhịp độ trận đấu, thì MU lại ru ngủ người xem bởi sự chậm chạp và tẻ nhạt.
Do chuộng lối đá tấn công, Man City, Liverpool và Chelsea cũng là những đội ghi được nhiều bàn thắng nhất ở Premier League mùa này. Tổng số pha lập công của ba CLB sau 7 vòng đã lên tới 51 bàn. Họ còn có tỷ lệ dứt điểm mỗi trận cao nhất từ đầu mùa.
Trung bình mỗi trận Man City tung ra 24 pha dứt điểm, trong khi thống kê này bên phía Chelsea là 17,3. Kém hơn đôi chút, Liverpool có 15,4 cú sút/trận.
Nhiều năm trước, Mourinho từng xưng vương ở Premier League nhờ tư duy thực dụng. Ông cũng trở thành biểu tượng cho lối đá có phần nhàm chán ấy. Còn giờ, “Người đặc biệt” đang bị đứng ngoài cuộc, vì bóng đá tấn công đang lên ngôi. Ở đó, Liverpool, Chelsea và Man City đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
Theo Nguyên Trí/Zing.vn