Thể thao trong nước

Bùi Tiến Dũng: Khi vết xe đổ của ‘Vua quảng cáo’ Văn Quyến vẫn còn đó

Thủ môn Bùi Tiến Dũng làm vedette show thời trang Đây là lần đầu tiên chàng cầu thủ “hot boy” của đội tuyển U23 Việt Nam làm người mẫu catwalk.

Mới đây, dư luận xôn xao về vụ việc thủ môn Bùi Tiến Dũng bảnh bao trong bộ vest, sải bước trên sàn catwalk. Sự xuất hiện của thủ môn CLB Thanh Hóa lập tức mang lại sự hưng phấn cho tất cả mọi người trong khán phòng, duy chỉ có một người không hề cười và tỏ ra gượng gạo: chính Bùi Tiến Dũng.

Bài học Văn Quyến

Ngay sau khi video về màn catwalk của Tiến Dũng được chia sẻ rộng rãi, rất nhiều bình luận cho rằng Tiến Dũng đang chọn sai con đường của mình. Họ nói một cầu thủ cứ đi chạy show, kiếm tiền ngoài bóng đá thì chuyên môn làm sao có thể phát triển được?

Nhất là khi chỉ một ngày trước, Tiến Dũng còn không được ra sân trong trận đấu của CLB chủ quản Thanh Hóa. Hai sự kiện này có thể không mấy liên quan nhưng nó càng khiến người hâm mộ có cơ sở để lo ngại, rằng người hùng của U23 Việt Nam đang đánh mất phong độ vì những yếu tố ngoài chuyên môn.

Bởi lẽ trong quá khứ, không ít trường hợp từng vướng vào những yếu tố bên ngoài, hay nói cách khác là “kiếm thêm thu nhập” mà tự làm suy giảm năng lực thi đấu của mình. Văn Quyến chính là bài học nhãn tiền mà Tiến Dũng cần nhìn vào.

Văn Quyến trở thành ngôi sao ngoài sân cỏ từ quá sớm, nhưng nhanh chóng lụi tàn. Ảnh: Minh Chiến.

Thời điểm năm 2004, Văn Quyến là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt, thậm chí tên tuổi của Tiến Dũng bây giờ vẫn chưa thể sánh được với Quyến ngày ấy. Một năm trước, anh là chủ nhân danh hiệu Quả bóng vàng, được nhiều người hâm mộ. Các nhãn hàng nắm được điều đó và tìm đến anh như thiêu thân lao vào lửa.

Văn Quyến khi ấy kiếm bộn tiền từ quảng cáo. Chỉ riêng 1 bản hợp đồng với hãng điện tử đã đem về cho “Thằng béo” 13.000 đô la – con số lớn ở thời điểm 14 năm về trước. Lần lượt các hãng nước giải khát, nước tăng lực, xe máy… đến với Quyến. Không có con số chính xác nhưng ước tính Quyến phải kiếm được hàng tỷ đồng. Danh xưng “Vua quảng cáo” dành cho anh không phải là điều ngạc nhiên.

Và những gì diễn ra sau đó là một nỗi buồn vô hạn với người yêu bóng đá Việt Nam. Năm 2004, Quyến bắt đầu đánh rơi phong độ, nhiều lần bị kỷ luật và thậm chí bị một nhãn hàng cắt hợp đồng. Đến năm 2005, vụ án bán độ Bacolod xảy ra.

Người hâm mộ tiếc cho Quyến bởi nếu anh tập trung 100% vào chuyên môn và bỏ lại sau lưng những hào nhoáng kia, có thể anh đã trở thành huyền thoại của bóng đá Việt Nam. Câu nói “Nếu ngày xưa Quyến không…” vẫn hay được người ta nói lại mỗi khi nhắc về cựu tiền đạo này.

Tiến Dũng có khác?

Gần đây, người được coi là truyền nhân của Văn Quyến là Công Phượng cũng có những bước đi đầu tiên trên con đường của một ngôi sao. Sau bàn thắng solo vào lưới U19 Australia năm 2014, Công Phượng trở thành cái tên cực hot khi ấy. Anh tham gia đóng quảng cáo bia (và sau phải nhận vô vàn rắc rối từ quảng cáo này), sau đó là sữa và cả dầu gội đầu. Khi ấy, chàng tiền đạo xứ Nghệ còn mới đôi mươi, sự nghiệp ở V.League gần như là con số 0.

Công Phượng chắc chắn không ở hoàn cảnh đau đớn như Văn Quyến ngày xưa, nhưng để nói tiền đạo này đã tiến bộ về chuyên môn thì rất khó nếu không muốn nói anh không thể hiện được những gì hay nhất của mình trước đó. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này (từ giải trẻ lên giải chuyên nghiệp, không có đàn anh dìu dắt…) nhưng việc trở thành 1 ngôi sao quá sớm chắc hẳn đóng vai trò trong ấy.

Công Phượng chưa có những tiến bộ đáng kể từ thời điểm mới nổi.

Nói vậy để thấy, việc trở thành một ngôi sao từ quá sớm chưa thể là tín hiệu mừng đối với các cầu thủ. Bỏ qua tâm lý tự mãn vì đã sớm nổi tiếng, thì những yếu tố bên ngoài, những bản hợp đồng, những cuộc chạy show và nguy hiểm nhất là những đồng tiền chảy thẳng vào túi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của họ. Nó làm cầu thủ bị sao nhãng, đánh mất sự tập trung vốn phải dành cho chuyên môn.

Việc đánh mất tập trung kéo theo phong độ đi xuống. Hệ quả của đánh rơi phong độ là không được thi đấu, và không được thi đấu thì càng mất phong độ. Như một vòng tròn lặp đi lặp lại, kéo theo sự nghiệp của cầu thủ cũng đi xuống theo. Những ngôi sao mới nổi của bóng đá Việt cần hiểu rằng khi họ chơi tốt, họ là thần tượng. Nhưng khi phong độ kém, họ sẽ nhận về vô vàn chỉ trích, nhiếc móc. Lúc ấy, họ có đủ bản lĩnh để gượng dậy?

Thực tế, việc cầu thủ nhận hợp đồng quảng cáo không có gì sai. Ở châu Âu và Mỹ, và kể cả Thái Lan, các cầu thủ ngôi sao cũng ký những hợp đồng quảng cáo để tăng thu nhập cho họ. Và ở Việt Nam cũng vậy. Hồng Sơn ký hợp đồng với hãng nước giải khát, Huỳnh Đức quảng cáo cho xe máy ở Trung Quốc, Minh Phương quảng cáo cho nhãn hàng thực phẩm, trong khi Công Vinh từ lâu đã là một ngôi sao hút quảng cáo.

Nhưng họ có điểm chung là lấn sân sang các lĩnh vực khác khi đã có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, khi đã có một sự nghiệp ổn định chứ không phải ở cái tuổi đôi mươi – cái tuổi mà người con trai “quá độ” từ một cậu bé trở thành một người đàn ông. Hơn hết, họ có đủ bản lĩnh để đối phó với những chỉ trích có thể nhắm vào mình và hơn nữa, cái thời của Sơn “công chúa”, của Huỳnh Đức, Công Vinh không có nhiều dư luận viên sẵn sàng tung hô và vùi dập như hiện nay.

Bùi Tiến Dũng nên đưa ra những quyết định hợp lý nhất cho sự nghiệp của mình. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Bùi Tiến Dũng, vì thế cần sáng suốt trước những quyết định có thể thay đổi cả sự nghiệp, cả cuộc đời của mình. Nếu anh đánh mất bóng đá và đi theo showbiz hay quảng cáo, rồi một ngày những hào nhoáng sẽ rời bỏ anh. Nhưng nếu Dũng tạm gạt bỏ những yếu tố ngoài chuyên môn để đi cùng bóng đá, thì chắc chắn trái bóng sẽ không bao giờ bỏ Dũng, và người hâm mộ cũng vậy.

Bởi lẽ Tiến Dũng luôn sống trong trái tim người hâm mộ như một cầu thủ giỏi, một thủ môn xuất sắc. Và bởi họ đã quá đau khi mất đi một tình yêu là Văn Quyến, nên sẽ chẳng thể chịu thêm được nỗi đau mất Tiến Dũng nữa.

Theo Phúc Long/Zing.vn