Đêm diễn tôn vinh bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO công nhận sẽ diễn ra ở Quy Nhơn vào tối 5/5.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức chương trình, do NSND Vương Duy Biên làm tổng đạo diễn. 400 nghệ sĩ thuộc chín tỉnh miền Trung có di sản bài chòi biểu diễn các tiết mục về cội nguồn của nghệ thuật này, nét truyền thống trong văn hóa, đời sống người dân miền Trung.
Hội bài chòi Bình Định.
Dịp này, Bộ Văn hóa sẽ công bố chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của bài chòi. Ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – chia sẻ tỉnh đang xây dựng, hoàn thiện dự án bảo tồn nghệ thuật này, tôn vinh cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp, cũng như quảng bá bộ môn này đến gần công chúng hơn.
Bài chòi là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Loại hình này có xuất xứ Trung bộ, phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi được gọi là các anh chị Hiệu.
Bài chòi có hai hình thức là chơi bài chòi và trình diễn. Khi chơi bài chòi, người tham gia sử dụng các thẻ bài. Trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức. Nghệ thuật bài chòi chủ yếu được lưu giữ qua phương pháp truyền miệng.
Theo Đức Trí/Vnexpress.net