Phim ảnh

‘11 niềm hy vọng’: Hy vọng để rồi… thất vọng

Gây tò mò nhờ hiện tượng đội tuyển bóng đá U23 nước nhà cách đây ít lâu, nhưng bộ phim “11 niềm hy vọng” gây ra thất vọng lớn bởi sự yếu kém thấy rõ trong khâu kịch bản.

Sau Sút (2016), điện ảnh Việt Nam có thêm một tác phẩm nữa liên quan tới bộ môn túc cầu giáo.

Chuyện phim 11 niềm hy vọng xoay quanh đôi bạn thân Hùng (Hoàng Phi) và Phong (Nhan Phúc Vinh). Dù gia cảnh khó khăn, cả hai đều cố gắng sống hết mình với niềm đam mê dành cho bóng đá và cùng được gọi lên tuyển trẻ. Tại đây, họ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ hai cầu thủ thuộc tuýp “con nhà giàu” là Nam (Hiếu Nguyễn) và Bắc (Hùng Chilhyun).

Chưa dừng lại tại đó, nhóm cầu thủ còn mâu thuẫn với nhau bên ngoài sân cỏ khi Trang (Thanh Tú) – người mà Phong thầm thương trộm nhớ – bắt đầu có cảm tình với Nam. Trước trận quyết đấu với người Thái, tin đồn bán độ xuất hiện khiến cả đội hoang mang. Liệu 11 con tim có thể hòa chung nhịp đập để mang vinh quang về cho nước nhà?

Các bộ phim về bộ môn bóng đá thành công trên thế giới không nhiều. Bản thân điện ảnh Việt mới thử sức với đề tài bằng bộ phim Sút (2016), nhưng đó là tác phẩm phải đón nhận không ít dư luận trái chiều, cũng như thất bại lớn tại phòng vé.

Do đó, có lợi thế là ra mắt ngay sau “cơn địa chấn U23”, 11 niềm hy vọng vẫn bị đặt cho không ít hoài nghi trước giờ ra rạp.

*Trái bóng ở đâu?

Là một bộ phim mang đề tài bóng đá, nhưng 11 niềm hy vọng lại gần như không mang đến bất cứ sự kịch tính nào từ bên trong sân cỏ. Những trận đấu trong phim chỉ được thể hiện thông qua vài pha lên bóng hoặc ghi bàn tương đối hời hợt.

Yếu tố tâm lý, căng thẳng qua từng đợt phản công hay chạy đua với thời gian 90 phút đều không hề xuất hiện. Chiến thuật – sơ đồ thế nào, tấn công – phòng thủ ra sao chỉ góp mặt qua một vài câu thoại bâng quơ đến từ nhân vật huấn luyện viên.

Mang tựa đề 11 niềm hy vọng, nhưng bộ phim thực tế chỉ xoay quanh bốn chàng tiền đạo Phong, Hùng, Nam, Bắc, cùng mảnh lưới của đối phương là chính. Bảy cầu thủ còn lại trong độikhá mờ nhạt, gần như chẳng đóng góp bất cứ công sức gì trong những chiến thắng của đội tuyển.

Bộ môn bóng đá được đề cập hời hợt trong phim.

Cũng bởi thời lượng dành cho từng trận cầu quá ít, đối thủ dành cho tuyển trẻ của chúng ta gần như không hề xuất hiện. Đội trẻ Việt Nam cứ thế tiến thẳng tới trận chung kết mà khán giả chẳng hề hay biết đội bạn là ai.

Ngay cả “kẻ thù truyền kiếp” Thái Lan cũng chỉ được mô tả qua một vài cầu thủ mờ nhạt. Họ đá giỏi khi cần thiết, và chủ yếu chạy loanh quanh, chơi xấu trên sân. Chi tiết đi khá xa khỏi thực tế bởi suốt nhiều năm qua, người Thái luôn vượt trội chúng ta về mọi mặt và giành chiến thắng vô cùng sòng phẳng.

Những thất bại mà tuyển trẻ Việt Nam vấp phải trong phim hầu như đều do “tự đá vào chân mình”. Nếu không có những sai sót ấy, đội hoàn toàn có khả năng… vô địch cả World Cup bởi ai cũng sở hữu kỹ năng thần sầu, đảm nhiệm nhiều vị trí cùng lúc, và ghi bàn trong thế thiếu người.

Có thể nói rằng yếu tố thể thao trong 11 niềm hy vọng còn kém hơn cả một bộ phim hài lấy chủ đề bóng đá ra mắt cách đây gần 20 năm là Đội bóng Thiếu Lâm (2001) của Châu Tinh Trì.

*Câu chuyện ngoài sân cỏ đầy vô lý

Trên thực tế, hầu hết thời lượng bộ phim xoay quanh những câu chuyện hậu trường bên ngoài sân cỏ. Song, chúng cũng được xây dựng một cách hết sức non nớt. Tuy đang tham gia giải đấu tầm cỡ khu vực, nhưng các thành viên trong đội vẫn thoải mái đến hộp đêm ở… quê nhà để uống rượu.

Câu chuyện bán độ, vốn là trọng tâm của 11 niềm hy vọng, lại diễn ra vô cùng ngô nghê khi tay trùm Quyền (Lâm Minh Thắng) thoải mái bàn chuyện giữa chốn thanh thiên bạch nhật. Nhân vật phản diện gần như chỉ biết “tỏ ra nguy hiểm” với gương mặt và chất giọng “cool ngầu” xuyên suốt bộ phim.

Có quá nhiều vô lý trong đời sống bên ngoài sân cỏ của các nhân vật.

Nhưng kế hoạch của Quyền thì ngờ nghệch đúng kiểu “trẻ lên ba”. Người xem có quyền đặt câu hỏi rằng tại sao các cầu thủ tuyển trẻ Việt Nam lại đủ sức dàn xếp tỷ số trong trận đấu với Thái Lan, trong khi cửa thắng của họ rất thấp. Và cái cách mà toàn đội khám phá rồi giải quyết nghi án bán độ thì vô lý đến mức khó tin.

Bên cạnh đó, các nhân vật trong phim còn cứ thế quay cuồng với câu chuyện tình yêu tay ba, tay tư, mà chẳng có mục đích cụ thể. Thời gian họ hẹn hò nhau trong quán bar có lẽ còn nhiều hơn việc xuất hiện trên sân cỏ.

Ngược lại, câu chuyện gia cảnh của các cầu thủ lại không được khai thác đến nơi đến chốn. Nhiều thành viên của đội tìm đến bóng đá như một cách giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng nếu như Nam và Bắc là “con nhà giàu” luôn xuất hiện cùng siêu xe, thì chẳng hiểu sao một người “thiếu thốn” như Phong cũng dư sức sắm xe môtô loại xịn.

*Tâm lý nhân vật mâu thuẫn

Một điểm trừ khó chịu nữa của 11 niềm hy vọng chính là cách xây dựng nhân vật vô cùng mâu thuẫn. Vốn là chàng trai đam mê bóng đá, nhưng Phong hết lần này tới lần khác đòi bỏ đội tuyển vì những lý do hết sức nhảm nhí.

Thậm chí, anh còn là người có thành tích tập luyện kém nhất đội. Song, chẳng hiểu vì sao mà hết huấn luyện viên (Võ Hoài Nam) cho tới con gái của huấn luyện viên (Rima Thanh Vy) lại tìm mọi cách để giữ cầu thủ này ở lại. Nếu không nhờ các nhân vật khác nhắc nhở, có lẽ Phong đã quên mất bóng đá là niềm đam mê của mình.

Điểm đáng giá nhất của bộ phim là đoạn tư liệu về hành trình của bóng đá Việt Nam suốt hơn 20 năm qua.

Là hai cầu thủ nhà giàu trong đội, Nam và Bắc bên ngoài sân cỏ dường như chỉ sống trong những bữa tiệc xa hoa ngoài quán bar. Chẳng thấy tập luyện bao giờ, họ cứ thế nghiễm nhiên trở thành những thành viên giỏi nhất đội. Để rồi, họ lại đi bán độ vì nỗi lo… hết tiền!

Công bằng mà nói, phần diễn xuất của dàn diễn viên trong phim không tệ. Nhưng sự bất hợp lý trong bản thân tích cách nhân vật khiến họ không thể phát huy hết khả năng.

Cái hay duy nhất của 11 niềm hy vọng nằm ở những hình ảnh… không thuộc nội dung phim trong 15 phút cuối cùng. Trận đấu với Thái Lan được lồng ghép thêm những thước phim tư liệu về cảm xúc của người hâm mộ trên khán đài. Đó là lúc khán giả nhớ lại từng giây phút mà “triệu con tim hòa chung nhịp đập” theo bước chạy của cầu thủ nước nhà.

Dù có lúc vỡ òa trong sung sướng hay bật khóc vì đau buồn, người hâm mộ luôn mang chung một niềm hy vọng. Loạt hình ảnh về thành tích của tuyển Việt Nam từ buổi đầu thành lập, qua thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, cho tới kỳ tích tại Thường Châu, Trung Quốc, như làm sống lại những ký ức hào hùng mà người hâm mộ vẫn mãi lưu giữ trong tim.

Được ấp ủ trong nhiều năm, nhưng 11 niềm hy vọng lại gây ra nỗi thất vọng lớn cho khán giả điện ảnh. Đề tài thể thao không hề dễ nhằn, và đòi hỏi sự chắc tay nhất định trong khâu thực hiện thì mới có thể thành công. Tiếc là bộ phim lại không có được điều đó.

11 niềm hy vọng đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Theo Hạ Tuyết/Zing.vn