Hàng ngày, cứ tầm 3 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau, ở khu vực đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) phát ra tiếng rọc mía từ vựa mía lớn nhất, cung cấp gần một tấn mía giải khát cho cả Sài Gòn.
Với những ai hay đi ngang qua con đường Phạm Thế Hiển (Quận 8) vào khung giờ từ 3 giờ chiều đến 4 giờ sáng đã không còn lạ lẫm gì khi nghe những tiếng rọc mía “loạc xạc” phát ra từ vựa mía của chị Phan Thị Hồng Nhung (42 tuổi). Đây là vựa mía miền Trung đã có hơn 20 năm hoạt động và lớn nhất ở đây, cung cấp gần 1 tấn mía mỗi đêm ra thị trường.
Giữa những hối hả xuôi ngược của dòng xe qua lại, những người thợ làm nghề rọc mía đêm ở đây vẫn điềm nhiên rọc những cây mía ngọt lành xuyên đêm. Công việc của họ bắt đầu từ lúc khoảng 3 giờ chiều cho đến tận 4 giờ sáng. Ròng rã lao động chăm chỉ gần 11 tiếng đồng hồ để cung ứng hàng đến các siêu thị, chợ, cửa hàng,.. cho kịp lúc trời sáng. Mỗi người mỗi công đoạn, người rọc mía, người cắt khúc mía, người nhặt mía phân loại,.. Cứ như vậy, phối hợp với nhau để cho ra những khúc mía ngọt lịm và chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Hàng ngày, hàng nghìn cây mía được vận chuyển từ miền Trung vào để vựa mía này sơ chế cung cấp ra thị trường
Công việc vốn đã vất vả, nhưng làm về đêm lại càng vất vả hơn thế. Nhưng những người thợ ở đây họ đã quen với khung giờ làm việc này.
Khi được hỏi về khó khăn trong việc làm quen với giờ giấc làm việc, chị chủ Hồng Nhung hồ hởi cười tươi đáp lời: “Lúc trước không quen giấc làm việc khi nào người cũng cảm thấy mệt và buồn ngủ. Nhưng làm lâu riết lại quen nên cũng thấy bình thường, thay vì mình làm ngày ngủ tối thì bây giờ mình làm tối ngủ ngày. Có vậy mới kịp cung cấp hàng cho siêu thị và các nơi trong thành phố. Nhưng quan trọng là làm ban đêm mía được làm ra sẽ tươi ngon, màu mía đẹp, chất lượng mía cũng tốt hơn. Hơn nữa làm về đêm lại mát mẻ và dễ chịu hơn ban ngày rất nhiều.”
Cận cảnh những cây mía đã được róc chuẩn bị đưa ra tiêu thụ ở các quầy bán nước mía tỏa khắp Sài Gòn
Nguồn mía nhập về đây chủ yếu là mía từ Nha Trang. Chị Phan Thị Hồng Nhung vẫn luôn giữ nguồn hàng của mình cho đến tận bây giờ, cho dù quãng đường vận chuyện xa hơn, chi phí vận chuyển cao hơn nhiều so với mía nhập từ miền Tây lên. Nhưng “Vì lúc trước chị có nhập và làm mía miền tây. Sau quá trình làm, chị cảm thấy mía miền Tây có vị ngọt chua, không được ngọt thanh,thơm và mềm như mía miền Trung. Nên chị đã quyết định nhập mía từ Nha Trang vào”, chị Nhung giải thích.
Khi làm xong tất cả công đoạn để cho ra thành phẩm. Một phần lớn lượng mía sẽ được đóng bao để đi phân phối cho các siêu thị, cửa hàng.. trong sáng hôm sau. Phần còn lại sẽ được bán ngay tại chỗ. Người đi đường và thực khách có thể ghé mua những bịch mía tươi ngon hoặc những phần mía đã được hấp sẵn mang về.
Hương thơm của nồi mía hấp lá dứa nóng hổi, bốc lên nghi ngút. Phảng phất trong không khí, thơm nức mũi thực khách qua đường cùng với những khúc mía tươi ngon được ướp đá mát lạnh. Làm cho những ai khi đi ngang qua đoạn đường này không thể không quay đầu xe lại mua ngay một bịch mang về thưởng thức.
“Tôi rất hay mua mía ở đây về ăn, hương vị mía ở đây rất khác so với những nơi khác. Nó có vị ngọt ngọt thanh thanh rất vừa miệng. Đặc biệt là món mía hấp lá dứa rất thơm và hấp dẫn”, chị Phan Nguyễn Quỳnh Nga (quận 10) một khách quen chia sẻ.
Ngoài phân phối cho khách sỉ, chị Nhung còn bán cho khách vãng lai đi đường
Sài Gòn đang bước vào những ngày nắng nóng cao điểm, nên những người thợ ở đây phải làm việc hết công suất để kịp cung ứng ra thị trường. Có đêm vựa mía của chị Hồng Nhung cung cấp gần 1 tấn mía. “Vào mùa nắng nóng như hiện nay, số lượng mà chị cung cấp lớn hơn rất nhiều so với những ngày mưa. Trung bình trừ tất cả các chi phí, chị thu về hơn 1 triệu đồng mỗi đêm”, chị Nhung chia sẻ.
Cũng bởi vì chất lượng mía ở đây, cùng với sự niềm nở của chị chủ đã tạo nên một thương hiệu mía rất riêng, làm thực khách qua đường mua một lần sẽ nhớ mãi.
Theo Bùi Ngọc/Phunuonline.com.vn