Nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Úc và kỷ niệm 24 năm buổi công diễn lần đầu tiên của HBSO, ngôi sao người Úc gốc Việt Nguyễn Vân Anh thường được biết đến với tên Vân Anh Nguyễn sẽ là tâm điểm của chương trình hòa nhạc HBSO diễn ra vào ngày 9/9 tại Nhà hát Thành Phố.
Cô được biết đến là nghệ sĩ piano, nhạc sĩ và TV host nổi tiếng tại Úc, cá tính đặc biệt đã giúp cô tạo nên tên tuổi của mình và khẳng định vị trí trong cộng đồng người Việt tại Úc.
Ngoài ra, cô cũng đã phát hành 6 album và sáng tạo ra một chương trình TV riêng trên kênh Discovery Channel Asia. Cô cũng sẽ phát hành một album cổ điển giao thoa cùng hãng Universal vào tháng 01/2019.
Vân Anh đồng thời cũng là giảng viên, fashionista, blogger và người mẫu. Cô sẽ biểu diễn tác phẩm Rhapsody trên chủ đề của Paganini của Sergei Rachmaninoff.
Tác phẩm được viết theo kết cấu của một concerto dành cho piano nhưng chỉ với một chương, được sáng tác năm 1934, trong vòng 6 tuần. Tác phẩm gồm 24 khúc biến tấu dựa trên Capriccio số 24 vô cùng nổi tiếng của Paganini và được biết đến là khúc nhạc khó nhất được viết dành cho violin. Khúc biến tấu thứ 18 của Rachmaninov trở thành một trong những khúc nhạc nổi tiếng nhất của trường phái âm nhạc cổ điển thế kỷ 20.
Sau phần nghỉ giải lao, dàn nhạc HBSO sẽ biểu diễn Bản giao hưởng cung Rê thứ của Cesar Frank.
Cesar Frank là người Bỉ, sau đó thì ông nhập quốc tịch Pháp, là một nghệ sĩ đàn phím trước khi trở thành một nhà soạn nhạc, ông cũng bắt đầu sáng tác khá trễ. Sau khi sáng tác một vài tác phẩm, âm nhạc của ông bắt đầu trở nên nổi tiếng như bản Sonata dành cho violin, Symphonic Variations (cho piano và dàn nhạc) và Ngũ tấu dành cho piano là các tác phẩm điển hình, và dĩ nhiên không thể không kể đến bản giao hưởng duy nhất này của ông.
Cesar Frank tạo nên điểm nhấn cho riêng mình nhờ vào phong cách sáng tác “vòng tuần hoàn”, nghĩa là các chương sẽ được liên kết với nhau bằng các chủ đề lặp lại, điều đó có nghĩa là bạn sẽ được nghe các giai điệu lặp lại từ chương một, có thể là với một giọng khác hoặc các kiểu biến tấu khác trong chương cuối cùng.
Điều này không quá mới nhưng ông lại thường xuyên sử dụng hơn các nhà soạn nhạc khác, và biến nó thành một kiểu phong cách trong các tác phẩm của mình. Wagner cũng sử dụng công thức này, nhưng là trong các vở opera của mình.
Frank cũng giảng dạy tại Nhạc Viện Pháp và các học sinh của ông cũng là những nhà soạn nhạc có tên tuổi như Chausson và Duparc.
Bản giao hưởng cung Rê thứ đã gây nên nhiều tranh cãi khi được công diễn lần đầu tiên nhưng lại mang về những sự thành công nhất định. Hầu hết các tranh cãi cho rằng tác phẩm chống đối chính quyền Đức từ cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870 – 1871) bởi vì tác phẩm nổi tiếng ở Pháp nhưng lại mang hình dáng của âm nhạc Đức.
Tác phẩm này cũng bị giễu cợt khi Frank sử dụng cor anglais (loại kèn oboe của Anh) trong chương thứ hai, nhạc cụ này có loại âm thanh trỗi mà không được các nhà soạn nhạc sử dụng, mặc dù Verdi đã sử dụng loại nhạc cụ này với một hiệu ứng đáng ngạc nhiên trong vở nhạc kịch cuối cùng của ông – Falstaff.
Bản giao hưởng cung Rê thứ này chỉ có ba chương trong khi hầu hết các bản giao hưởng khác đều là bốn chương.
Chương trình đặc biệt này do NSƯT Trần Vương Thạch sẽ đứng trên bục chỉ huy.
Giá vé: 650.000 – 500.000 – 400.000 – 300.000 – 200.000 – 80.000đ (dành cho sinh viên).
AC