“Hậu cung Như Ý truyện” có thể không tạo được nên cơn sốt nhưng chắc chắn là một tác phẩm khiến khán giả day dứt sau khi những hình ảnh cuối cùng khép lại.
Tối 15/10, Hậu cung Như Ý truyện chính thức khép lại sau khi lên sóng tập 87. Bộ phim cung đấu thu về hơn 14 tỉ lượt xem và nhận điểm số 7.4 trên Douban. Sau gần 2 tháng đồng hành cùng Như Ý truyện, khán giả không khỏi luyến tiếc khi phim kết thúc. Có lẽ, tập cuối là tập phim lấy đi nhiều nước mắt nhất của người xem.
Hậu cung Như Ý truyện hợp với những ai kiên trì bởi phim có tiết tấu chậm nhưng sâu sắc và chặt chẽ về tổng thể. Khi bắt đầu xem khán giả có thể cảm thấy nhàm chán nhưng lại không thể ngừng theo dõi khi đã quyết định đồng hành.
Như Ý ra đi trong tự do tự tại sau khi trả hết mọi oán hận.
Kết thúc, tuy nữ chính ra đi trong sự tự do, thanh thản nhưng khán giả lại day dứt và không kìm được nước mắt. Chắc chắn, đó là thành công của tác phẩm và thành công này là kết quả được hội tụ từ nhiều yếu tố.
*Kịch bản chuyển thể chất lượng
Phải nói, Hậu cung Như Ý truyện phiên bản truyền hình từ lúc còn là một ý tưởng đã được khán giả yêu mến, đặc biệt là cộng đồng hâm mộ nguyên tác của tác giả Lưu Liễm Tử. Vốn dĩ, phim chuyển thể thường khó khiến người xem bất ngờ. Tuy nhiên, Hậu cung Như Ý truyện lại làm được điều đó.
Kịch bản chuyển thể được cả ê-kíp và dàn diễn viên góp trí lực. Các quyết định thay đổi so với nguyên tác đều được cân nhắc kĩ lưỡng và phân tích tỉ mỉ dựa trên bối cảnh và nhân vật. Do đó, hiệu ứng từ khán giả, kể cả những người đã đọc truyện, đều tích cực vì phim sở hữu mạch truyện thuyết phục hơn.
Lấy ví dụ điển hình nhân vật Như Ý. Vốn dĩ trong nguyên tác, Như Ý khi bước lên vị trí Kế hậu sẽ trở nên tàn độc hơn do hoàn cảnh dồn ép. Tuy nhiên, Như Ý phiên bản Châu Tấn lại là người không quan tâm thiệt hơn, nhẫn nhịn trong mọi hoàn cảnh.
Tạo hình Như Ý trong phim.
Sự chỉnh sửa này xuất phát từ ý kiến của Châu Tấn. Cô đặt chính mình vào nhân vật Như Ý, sống theo cảm xúc của nhân vật và đưa ra diễn biến tâm lý mà cô nghĩ là tự nhiên nhất.
Ban đầu, không ít khán giả bất đồng quan điểm với Châu Tấn. Họ cho rằng nhân vật chủ chốt mà lại nhu nhược, nhạt nhòa thì phim mất đi độ hấp dẫn. Thế nhưng, chính sự điều chỉnh lại khiến Như Ý trở nên độc nhất, vững vàng nhất trong bối cảnh cung cấm đầy xảo quyệt. Đặc biệt hơn cả, tình cảm chân thành mà Như Ý dành cho Càn Long cũng vì thế mà có đất tỏa sáng hơn.
Khán giả rơi nước mắt ở tập 87 chủ yếu bởi mối tình từng đẹp giữa Thanh Anh (Như Ý thời trẻ) và Hoằng Lịch (Càn Long thời trẻ). Tuy nhiên, đánh giá một cách kĩ càng, phim chạm được tới cảm xúc của khán giả là do ê-kíp đã sử dụng biện pháp đòn bẩy khi xây dựng phim.
Càn Long và Như Ý sở hữu mối tình đẹp thời niên thiếu.
Hậu cung Như Ý truyện phiên bản truyền hình sở hữu phong cách làm phim tỉ mẩn từng chi tiết. Những tình tiết lên phim đều được lựa chọn kĩ càng và tận dụng tối đa. Mọi hành động của nhân vật đều không vô duyên vô cớ mà có.
Kết hợp những điều trên, khán giả có thể nhận ra đạo diễn cùng biên kịch đã khéo léo khi vẽ ra những khung cảnh thật đẹp cho nam chính và nữ chính thời còn mặn nồng. Những “nét vẽ” lúc đó càng đẹp thì sự bi thảm về sau này càng sâu đậm. Để rồi khi Càn Long hồi tưởng lại kỷ niệm trong dòng nước mắt, khán giả cũng vô tình rơi lệ theo.
Nói về cái kết của Hậu cung Như Ý truyện, đây chắc chắn là bất ngờ lớn với khán giả. Thay vì Như Ý tự tử đầy tức tưởi trong nguyên tác, Như Ý của Châu Tấn mạnh mẽ tới phút cuối và ra đi nhẹ nhàng như đang ngủ.
*Đại cảnh đẹp mắt
Từng nhớ, Châu Tấn hỏi đạo diễn Uông Tuấn rằng tại sao lại là cô cho vai Như Ý. Vị đạo diễn trả lời: “Hãy cho tôi cả một bộ phim để trả lời cô”. 87 tập phim đã qua đi và cũng đã là cả khoảng thời gian dài từ khi đóng máy. Khán giả không thất vọng thì chắc chắn Châu Tấn càng không.
Sau nhiều năm biến hóa trên màn ảnh rộng, khán giả đặt dấu hỏi tại sao Châu Tấn lại quay về với phim truyền hình. Tuy nhiên, Hậu cung Như Ý truyện thực chất lại có thể cho khán giả trải nghiệm như một phim điện ảnh dài tập.
Khung hình giàu chất thơ trong phim.
Khung hình chính là ngôn ngữ của phim và ngôn ngữ điện ảnh bao giờ cũng giàu chất thơ, có chiều sâu. Việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh kết hợp cùng mạch phim chậm cho phép khán giả như được sống cùng mọi cảm xúc của nhân vật.
Điển hình, tuyết là chi tiết được khai thác không ít lần nhằm lột tả sự cô đơn, lạnh lẽo của chủ thể trong khung hình. Nhân vật Cao quý phi qua đời trong làn tuyết trắng và Như Ý từng vô hồn mà bước đi trong tuyết rơi giá lạnh. Toàn khung hình một màu trắng xóa và nổi bật trên đó là sự cô độc của con người.
Sử dụng khung hình đối xứng cũng là nét tinh tế đặc trưng trong Hậu cung Như Ý truyện. Đa số, đạo diễn lấy cánh cửa làm trọng tâm. Qua đó, không chỉ hướng sự chú ý của người xem vào nhân vật mà đôi khi còn ám chỉ khoảng cách chỉ là một cánh cửa mà lòng nhân vật xa nhau trùng trùng.
Một điểm cộng không thể không nhắc là chuỗi đại cảnh được sử dụng trong phim nhằm khắc họa sự bề thế, sung túc triều đình. Điển hình là đại điển phong hậu khi Như Ý trở thành Kế hậu.
So sánh với đối thủ Diên Hi công lược, Hậu cung Như Ý truyện làm tốt hơn nhiều nhờ sử dụng cỡ cảnh đại, khai thác triệt để bối cảnh đã được sắp xếp. Có thể thấy, phim được đầu tư không ít công sức và tiền của.
*Tài năng của Châu Tấn
Châu Tấn vẫn luôn tinh tế trong các vai diễn. Cô hoàn toàn đủ khí chất khi vào vai Như Ý. Tuy nhiên, những đồng nghiệp xung quanh nàng đại hoa đán cũng là người có tài, có thể kể đến như Ô Quân Mai, Đổng Khiết, Trương Quân Ninh…
Bắt tay với Hậu cung Như Ý truyện, dàn diễn viên làm việc hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm. Hơn nữa, những người được chọn đa phần đều hợp vai. Do đó, khán giả càng dễ bị nhập tâm khi xem phim.
Trước hết phải nói về khả năng diễn như không diễn của Châu Tấn. Đại hoa đán nhiều lần khiến khán giả sởn gai ốc bởi chính ánh mắt của cô. Trong Hậu cung Như Ý truyện, nhân vật Như Ý thường rất bình thản dù cho đang bị vu oan. Vì vậy, ánh mắt của Châu Tấn đa phần lạnh lùng, sắt đá kết hợp cùng cử chỉ điềm đạm như kéo khán giả chậm lại cùng ngẫm nghĩ với nhân vật.
Thần thái đầy khí chất tại phân đoạn cắt tóc tuyệt tình kịch tính.
Chính bởi thần thái mà Châu Tấn đem lại mà khán giả nhìn nhận được rằng Như Ý thực sự nằm ngoài vòng xoáy cung đấu. Thứ duy nhất có thể khiến cô ngã quỵ chính là tình yêu từ Càn Long. Đây là nền tảng để khi Như Ý cắt tóc đoạn tuyệt với Càn Long, khán giả cũng như sống cùng nhân vật mà oán trách nam chính.
Được biết, để có được cảm xúc chân thật nhất, Châu Tấn đã đeo hộ giáp ở ngón tay và đi giày hoa bồn đề hàng tháng trời tại nhà. Vì vậy, khán giả có thể thấy cử chỉ cũng như dáng dấp Châu Tấn trong phim tương đối thanh thoát và nhẹ nhàng.
Đổng Khiết và Hoắc Kiến Hoa là hai tên tuổi lớn trong làng phim Hoa ngữ. Đôi khi, khán giả còn thấy chưa thỏa mãn với sự thể hiện của cặp đôi nhưng không thể phụ nhận việc họ là diễn viên thực lực. Đặc biệt, Hoắc Kiến Hoa càng diễn càng có sự tiến bộ và nhập tâm vào nhân vật.
Thuộc dàn diễn viên trẻ nhưng có màn thể hiện xuất sắc đó chính là Lý Thuần (Vệ Yến Uyển – Lệnh Ý Hoàng quý phi). Cô vào vai Lệnh phi có xuất thân thấp kém và thực hiện nhiều mưu hèn kế bẩn để từng bước đi lên trong hậu cung. Được biết, với phân cảnh dập đầu tạ lỗi cuối phim, Lý Thuần đã phải thở bình dưỡng khí vì diễn quá nhập tâm.
Hậu cung Như Ý truyện có lẽ không phải một bộ phim tạo nên cơn sốt thị trường. Tuy nhiên, nó sẽ là một tác phẩm cung đấu giàu chất thơ, cảm xúc, là khúc bi cho một mối tình đẹp mà khán giả nhớ mãi.
Theo Minh Nhạn/Zing.vn