Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Ông vua lên ngôi mùng 2 Tết, thường giả điên chống giặc

Tỏ rõ ý chí chống Pháp, vua Thành Thái thường có những hành động kỳ quặc nên bị ép thoái vị, phải sống lưu đày.

Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, sinh ngày 22/2/1879, là con thứ bảy của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu Phan Thị Điều. Ông cùng vua Hàm Nghi và Duy Tân là ba vua yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc. Cả ba đều thể hiện tinh thần chống Pháp và bị đày ở ngoại quốc.

Vua Thành Thái lên ngai vàng trong một tình thế bắt buộc. Khi ấy, vua Đồng Khánh băng hà vào lúc chỉ còn ba ngày nữa là năm mới. Theo thủ tục của người Việt, tang lễ không thể gác qua hai năm. Điều đó đồng nghĩa với việc trong ba ngày, triều đình phải phát tang vua cũ, lập người kế vị để năm mới có vua mới.

Con của Đồng Khánh là Bửu Đảo không được chọn vì quá nhỏ, mới 3 tuổi. Viện Cơ mật phải qua Tòa khâm sứ Pháp để bàn bạc. Với sự cố tình dịch chệch của người thông ngôn Diệp Văn Cương, hoàng tử Bửu Lân được chọn nối ngôi, hôm đó là mùng 1 Tết Kỷ Sửu (1889).

Cả Bửu Lân và bà Từ Minh Hoàng hậu đều lo sợ và không muốn con làm vua vì không thể quên được cái chết bi thảm của vua Dục Đức, Hiệp Hòa hay Kiến Phúc, bà Từ Minh vẫn phải để con vào Đại Nội. Cậu bé Bửu Lân 10 tuổi đăng cơ đúng vào mùng 2 Tết, tức vua Thành Thái.

Vua Thành Thái. Ảnh tư liệu

Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, Thành Thái ham học hỏi. Ngoài học cả chữ Nho, chữ Pháp, ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học lái canô, xe hơi, nghiên cứu các loại vũ khí, làm quen văn minh phương Tây với mong muốn cách tân nhưng vẫn thể hiện tinh thần yêu nước, chống Pháp. Ông khinh ghét bọn quan lại xu nịnh và đặc biệt căm ghét thực dân xâm lược.

Vào sống trong Hoàng thành nhưng khi rảnh rỗi, vua thường cưỡi ngựa ra ngoài thành cùng các thị vệ. Ban đầu, việc ra khỏi thành chỉ đơn giản để đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng càng về sau, vua Thành Thái càng muốn đi nhiều hơn để tìm hiểu sâu rộng về đời sống nghèo khổ của dân chúng.

Một lần lên vùng Kim Long, vua say mê cô gái rồi thường lui tới nơi này. Tương truyền, cô gái Kim Long được đưa vào cung và phong làm cung phi. Cũng từ đó, vua Thành Thái nảy ra ý nghĩ tự mình vi hành tuyển lựa cung nữ mà không cần nhờ đến những cuộc tiến cung rình rang, tốn kém và phức tạp.

Sách Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn ghi việc vua Thành Thái tuyển cung phi như vậy là bất thường, vượt khỏi khuôn phép của hoàng gia. Thực tế vua đưa những cô gái đẹp về cung cho học võ nghệ và phiên thành đội ngũ. Một số tài liệu ghi rằng có khoảng 4-5 “đội quân tóc dài”, mỗi đội 50 người. Việc học võ nghệ này là chủ ý của vua và được thực hiện bí mật. Sau khi thành thạo việc binh, các cô gái sẽ được trả về gia đình để chờ khi có hữu sự.

Vua Thành Thái không dễ bảo như ông vua tiền nhiệm là Đồng Khánh, lại có xu hướng căm ghét Pháp nên người Pháp luôn theo dõi và nghi ngờ ông. Thỉnh thoảng, vua Thành Thái lại có những cử chỉ, lời nói kỳ quặc, điên dại khiến quan Pháp rất nghi ngại.

Hôm khởi công xây dựng cầu Trường Tiền, viên Khâm sứ Pháp nói với vua Thành Thái “Chiếc cầu này mà gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ”. Không ngờ sau cơn bão năm 1904, cây cầu bị gãy. Nhân sự kiện đó, vua đã nói lại viên khâm sứ trong một lần gặp mặt “Thế nào, cầu Trường Tiền đã gãy rồi đó, thưa ông”? Điều này đã gây ra mâu thuẫn giữa hai bên.

Tiếp đó, trong dịp Bắc tuần năm 1902, tận mắt thấy cảnh dân tình bị Pháp chà đạp, vua Thành Thái đã làm bài thơ lộ rõ ý chí đánh đuổi xâm lăng. Bài thơ chữ Hán được tạm dịch: “Mấy độ tang thương khiến hãi kinh/ Lắm phen ngoảnh lại xót xa tình/ Hồ Ngưu đã đổi ba triều đại/ Động Hổ còn trơ vạn trận thành/ Núi Nùng mây phủ nhìn kim cổ/ Sông Nhĩ dòng trôi vẳng khốc thanh/ Cầm hồ đoạt sáo còn đâu nữa/ Ai giúp giang sơn gỡ bất bình”.

Hành động, lời nói của vua tuy được ngụy trang rất kỹ bằng bề ngoài điên, hành động kỳ quặc nhưng không qua nổi con mắt dò xét của quan lại làm tay sai cho Pháp. Mọi hành động “bất thường” của vua Thành Thái được trình báo với tòa Khâm sứ. Lập tức, tòa Khâm sứ lên kế hoạch phế truất nhà vua hòng mong lập được một ông vua mới ngoan ngoãn như Đồng Khánh.

Sợ phản ứng của triều đình và dân chúng, Pháp chưa vội hạ bệ Thành Thái mà chờ cơ hội. Nhân việc vua không chịu phê vào bản tấu thăng chức của một số quan lại tay chân của Khâm sứ, tòa Khâm sứ tước quyền phê chuẩn của vua, giam lỏng ông trong Đại Nội và biện lý do “Thành Thái mắc bệnh điên”.

Ở ngôi được 18 năm, cuối cùng vua Thành Thái bị phế truất năm 28 tuổi. Theo cuốn Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn, vua Thành Thái với tước vị là Hoài Trạch Công bị áp giải tới Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) quản thúc rồi sau đó bị đày sang đảo Réunion ở Ấn Độ Dương (thuộc châu Phi) cùng con ông – vua Duy Tân vào năm 1916. Ở đó, cha con ông đã phải trải qua thời gian khó khăn. Ông phải làm nhiều nghề, trong đó có nghề làm yên ngựa.

Thời gian sống ở đảo Réunion, Thành Thái còn đề ra một số nguyên tắc bắt buộc gia đình phải tuân theo như dịp lễ Tết phải mặc quốc phục, phải hành xử và noi theo một số phong tục của người Việt và nhất là phải giữ gìn tiếng nói dân tộc.

Sau cái chết của vua Duy Tân năm 1947, vua Thành Thái được đưa trở về nước, kết thúc 31 năm bị lưu đày ở đảo Réunion. Tuy nhiên, thực dân Pháp buộc Thành Thái phải ở Sài Gòn để dễ bề kiểm soát. Mãi đến năm 1953, ông mới được về Huế để nhang khói cho tổ tiên.

Vào lại Sài Gòn được một năm thì ông mất vào ngày 16/2 năm Giáp Ngọ (tức 24/3/1954), có tài liệu ghi là 1955, thọ 77 tuổi. Gia đình đưa thi hài ông về an táng tại An Lăng (Huế), bên cạnh mộ của vua cha Dục Đức.

Dương Tâm – Tổng hợp (Vnexpress.net)