Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Câu chuyện cuộc sống: Chìa khóa hạnh phúc trong hôn nhân đa văn hóa

Câu chuyện cuộc sống tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Đừng so sánh bạn đời – Hệ lụy khó lường khi đặt họ lên bàn cân với người khác; Chìa khóa hạnh phúc trong hôn nhân đa văn hóa – Làm sao để hòa hợp bền lâu; Nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con trẻ.

Đừng so sánh bạn đời – Hệ lụy khó lường khi đặt họ lên bàn cân với người khác

Sẽ ra sao nếu chính người bạn đời của chúng ta lại mang mình ra so sánh với một ai khác? Tổn thương, thất vọng là điều khó tránh khỏi. Lâu dần, những so sánh tưởng chừng như vô tình ấy có thể dẫn đến rạn nứt, thậm chí là đổ vỡ. Chỉ một lời nói thiếu tinh tế cũng có thể gây tổn thương sâu sắc, và đôi khi, một câu nói cũng đủ để phá hủy cả một cuộc hôn nhân.

Chị Đ.N.L (TP.HCM) chia sẻ: “Chồng tôi hay so sánh ngoại hình của tôi với những người phụ nữ khác. Anh hiểu rõ rằng vì sinh con nên vóc dáng tôi mới thay đổi như vậy, nhưng anh không nên dùng những từ ngữ khó nghe khi nói về vợ mình như thế”.

Còn chị N.K.N (TP.HCM) cho biết: “Tôi biết không ai muốn bị đem ra so sánh, cảm giác đó thật sự khiến người ta cảm thấy bị xem thường. Tôi đã lỡ lời và đã chủ động xin lỗi. Thật lòng, tôi chỉ mong anh tìm được công việc phù hợp hơn với năng lực và có mức thu nhập tốt hơn”.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa (Chuyên gia tâm lý) phân tích:“Khi đã thất vọng, người ta có xu hướng nhìn mọi thứ dưới góc nhìn tiêu cực. Dù người phối ngẫu có hành động hay lời nói tử tế, ta vẫn không cảm nhận được sự tích cực trong đó. Tâm lý chán nản khiến những mâu thuẫn nhỏ nhất cũng dễ dàng bùng phát thành xung đột. Và khi đã xung đột, người trong cuộc thường rất khó giữ được bình tĩnh để giải quyết vấn đề”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia tâm lý) đưa ra lời khuyên:“Người trong cuộc có nhu cầu, nhưng không biết cách diễn đạt để đối phương hiểu được mong muốn của mình. Và cách nhanh nhất họ chọn chính là so sánh. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng điều đó vô tình gây tổn thương sâu sắc. Khi nội tâm bị lấp đầy bởi cảm xúc thất vọng hay đau lòng, chúng ta dễ đánh mất kết nối với bạn đời, và mối quan hệ sẽ đứng trước nguy cơ rạn nứt vào một lúc nào đó không ngờ tới. Khi thấy người bạn đời tổn thương vì chính câu nói của mình, điều quan trọng là hãy ở lại cùng cảm xúc đó, xin lỗi chân thành vì đã khiến họ trải nghiệm một cảm xúc đau lòng. Sau đó, hãy giải thích và bày tỏ lại mong muốn của mình một cách rõ ràng và yêu thương”.

Sự tinh tế và thấu hiểu trong lời nói chính là chìa khóa giúp duy trì tình yêu và sự tôn trọng trong hôn nhân. Một lời động viên đúng lúc luôn hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với những lời so sánh thiếu suy nghĩ. Chính điều đó sẽ giúp vợ chồng luôn gắn kết và cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bền vững.

Chìa khóa hạnh phúc trong hôn nhân đa văn hóa – Làm sao để hòa hợp bền lâu?

Hôn nhân là hành trình kết nối giữa hai con người. Tuy nhiên, với những cuộc hôn nhân đa văn hóa, hành trình ấy còn mang theo sự kết hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau. Những cuộc hôn nhân như vậy ngày càng trở nên phổ biến, và vì thế, không chỉ là sự gắn kết giữa hai tâm hồn, mà còn là sự giao thoa văn hóa cùng nhiều yếu tố khác.

Chị Lê Thị Diễm Kiều (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đến từ một gia đình truyền thống Việt Nam, nơi việc thờ cúng tổ tiên và các phong tục lễ nghi quan trọng đều được tổ chức rất trang trọng. Trong khi đó, chồng tôi lại đến từ một nền văn hóa có nghi lễ và phong tục hoàn toàn khác. Chính vì vậy, chúng tôi từng nhiều lần tranh cãi về cách tổ chức lễ cưới sao cho cả hai bên gia đình đều cảm thấy thoải mái”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia tâm lý) phân tích: “Một trong những lý do sâu xa mà nhiều cặp đôi không dám thừa nhận, đó là họ kết hôn không xuất phát từ nền tảng tình yêu, mà từ những lý do thực tế như vật chất, áp lực tuổi tác hoặc các yếu tố xã hội khác. Chính điều đó làm gia tăng mâu thuẫn trong hôn nhân, và người ta thường đổ lỗi cho sự khác biệt văn hóa. Thêm vào đó, vấn đề giao tiếp cũng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay cả những cặp đôi hạnh phúc cũng có tỉ lệ xảy ra mâu thuẫn ngang bằng với những cặp không hạnh phúc, nhưng sự khác biệt nằm ở cách họ xử lý mâu thuẫn”.

Tiến sĩ Võ Nữ Nguyệt Anh (Trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) nhận định: “Sự khác biệt về ngôn ngữ khiến việc giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Ngay cả những người cùng nền văn hóa còn chưa hiểu nhau hết, thì với các cặp đôi đến từ những nền văn hóa khác nhau, việc hiểu và thông cảm càng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Với các cặp đôi đa văn hóa, để có thể chung sống lâu dài, điều không thể thiếu là sự cảm thông, cố gắng thấu hiểu và dần dần chấp nhận sự khác biệt của nhau. Rào cản ngôn ngữ có thể được tháo gỡ bằng cách mỗi người học ngôn ngữ của đối phương. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều yếu tố khác cần được cùng nhau xây dựng”.

Hòa hợp trong hôn nhân đa văn hóa đòi hỏi sự tôn trọng, kiên nhẫn và giao tiếp cởi mở giữa hai người. Cả hai cần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, đồng thời không ngừng học hỏi văn hóa của nhau để tăng cường sự thấu hiểu. Việc chia sẻ trách nhiệm trong việc xây dựng những giá trị chung và tìm ra điểm tương đồng sẽ góp phần gắn kết mối quan hệ. Bên cạnh đó, cần luôn kiên nhẫn, linh hoạt trong giải quyết khác biệt và giữ gìn sự tôn trọng đối với gia đình, bạn bè của nhau. Từ đó, hạnh phúc mới có thể được bồi đắp và bền vững theo thời gian.

Nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con trẻ

Trong cuộc sống, lòng nhân ái không chỉ là một đức tính đáng quý mà còn là nền tảng hình thành nên những con người biết yêu thương, đồng cảm và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều người cho rằng trẻ em vốn hồn nhiên, mang sẵn bản năng yêu thương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, những hạt mầm nhân ái cần được vun trồng và nuôi dưỡng thông qua sự giáo dục từ gia đình và nhà trường.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Tôi luôn quan tâm đến việc nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con qua những việc nhỏ như giúp đỡ việc nhà, hỏi thăm sức khỏe ông bà. Những hành động ấy dạy trẻ biết yêu thương, sống có trách nhiệm với người thân, và khi ra ngoài xã hội cũng sẽ sống tình cảm hơn”.

Chị Nguyễn Thị Đào (tỉnh Vĩnh Long) cũng cho biết: “Khi cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện hay chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, bé rất thích. Sau mỗi lần tham gia, con trở nên lễ phép, ngoan ngoãn hơn và biết nói những lời yêu thương, ngọt ngào”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn San (Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nhận định: “Khi trẻ được giáo dục lòng nhân ái từ nhỏ, các em sẽ sớm hình thành nhân cách tốt. Những giá trị đạo đức, giá trị nhân bản sẽ được xây dựng bền vững theo thời gian. Khi giới trẻ có tinh thần tương thân tương ái, biết giúp đỡ người khác, xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn”.

Thạc sĩ Phạm Tấn Thông (Trường Đại học Hoa Sen) chia sẻ thêm: “Để nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con trẻ không khó, điều quan trọng là người lớn phải làm gương. Cha mẹ chính là tấm gương đầu tiên và gần gũi nhất với trẻ. Những hành động mỗi ngày của chúng ta – dù là nhỏ nhất – đều được con quan sát và ghi nhớ. Chính điều đó góp phần nuôi dưỡng lòng nhân ái nơi trẻ một cách tự nhiên. Ứng xử tử tế không chỉ đến từ bản thân mỗi cá nhân mà còn được vun đắp hàng ngày từ gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội”.

Lòng nhân ái không phải là điều tự nhiên mà có, đó là kết quả của sự gieo trồng yêu thương trong môi trường sống tích cực. Bằng cách dạy trẻ những điều nhỏ nhặt mỗi ngày, người lớn đang xây dựng những thế hệ biết cảm thông, biết sẻ chia và trên hết, biết sống vì người khác.

Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.