360 độ

Tái diễn vở vũ kịch nổi tiếng ‘Cô bé Lọ Lem’

Johanne Jakhelln Constant được ra mắt công chúng Việt Nam năm 2013 và ngay lập tức đã có được thành công và trở thành vở diễn được mong đợi hàng năm của khán giả yêu ballet cổ điển.

Vở vũ kịch Cô bé Lọ Lem sẽ được tái diễn trong 2 đêm 7 & 8 tháng 4/2018 vào lúc 20h00 tại Nhà hát Thành phố. Bên cạnh những nghệ sĩ tài năng của HBSO như Trần Hoàng Yến, Chloe Glemot, Hồ Phi Điệp, Nguyễn Thu Trang, Đàm Đức Nhuận, Sùng A Lùng… sẽ có sự tham gia của nghệ sĩ khách mời đến từ Nhật Bản Nobuo Fujino.

Hình ảnh chiếc đũa phép lấp lánh cùng những nàng tiên xinh đẹp trong trang phục đủ những sắc màu, bay lượn dưới ánh sáng huyền ảo có lẽ ấn tượng mạnh nhất của vở vũ kịch Cô bé Lọ Lem đối với các khán giả nhỏ tuổi. Dưới phép màu của các nàng tiên, Cô bé Lọ Lem mồ côi, rách rưới, đáng thương đã trở thành một cô gái xinh đẹp rực rỡ, bước vào một đêm hoàng cung vô cùng lộng lẫy và rơi vào tình yêu say đắm cùng chàng Hoàng tử hào hoa, niềm mơ ước của biết bao trái tim.

Cũng thật kịch tính khi chiếc đồng hồ định mệnh chợt xuất hiện, điểm những âm thanh chát chúa, nhắc nhở thời gian của những phép màu chấm hết, Lọ Lem lao đi khỏi dạ tiệc trong hoảng sợ, tuyệt vọng và tiếc nuối, chiếc giày thủy tinh đã rớt lại, trở thành tín vật để chàng Hoàng tử nối lại mối tình thơ mộng.

Phần âm nhạc tuyệt vời của nhà soạn nhạc người Nga Sergei Prokofiev, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế kỷ 20, đã kể một cách vô cùng cuốn hút câu chuyện phổ biến khắp các châu lục. Đó là nguồn cảm hứng cho hàng trăm biên đạo múa nổi tiếng trên thế giới sáng tạo những phiên bản vũ kịch khác nhau.

Nhiều dấu ấn đặc biệt được tạo ra trong phiên bản Cô bé Lọ Lem của HBSO bởi biên đạo múa nổi tiếng người Na Uy Johanne Jakhelln Constant. Bà đã làm việc với các nghệ sĩ của HBSO và tạo được những thành công vang dội trong các vở ballet Kẹp hạt dẻ, Cô bé búp bê… Biên đạo múa Johanne Jakhelln Constant đã biết khai thác những ưu thế về diễn tả nội tâm của các nghệ sĩ Việt Nam và khắc phục những nhược điểm về kỹ thuật để tạo ra một vở diễn ngập tràn cảm xúc.

Những màn vũ đạo đặc biệt như Lọ lem khiêu vũ cùng những vật dụng thân thuộc như cây chổi, khăn lau… khi thì thể hiện những cảm xúc nhớ thương người mẹ đã qua đời, sự buồn tủi trong hoàn cảnh khi bị mẹ kế ngược đãi, cha cũng không giúp gì được nhiều, khi thì thể hiện những mơ ước của một cô gái trẻ về cuộc sống muôn màu bên ngoài khung cửa, về tình yêu mong đợi và thể hiện được cả tâm hồn trong sáng, thơ ngây, thánh thiện của Lọ lem.

Hay những vũ đạo vô cùng châm biếm, vui nhộn cho người mẹ kế và người con riêng được đóng giả nữ bởi hai nghệ sĩ nam là Đặng Minh Hiền và Phạm Thế Chung, là những thủ pháp xóa nhòa yếu tố kỹ thuật, tạo không khí hài hước, thoải mái cho khán giả.

Bên cạnh đó là những màn múa tuyệt vời bởi những nghệ sĩ xuất sắc như Trần Hoàng Yến với Nobuo Fujino; Chloe Glemot trong vai cô tiên đỡ đầu cùng các nàng tiên xinh đẹp; hay những màn múa lộng lẫy dạ tiệc với hàng chục nghệ sĩ tài năng…

Cái kết tốt đẹp, những điều mơ ước trở thành hiện thực cho những người thiện tâm, làm thỏa mãn khán giả, thỏa mãn mong muốn, cái tốt sẽ được đền đáp xứng đáng trong cuộc sống từ muôn đời nay.

Thành công ngay trong lần ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2013, Cô bé Lọ Lem đã trở thành một trong những chương trình nghệ thật đỉnh được mong đợi nhất trong các mùa diễn hàng năm của khán giả TP.HCM, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.