Du lịch là “mũi nhọn” kinh tế của Đà Lạt nhưng chỉ cần vì lợi ích trước mắt và thiếu hiểu biết, chính cái “mũi nhọn” ấy lại là vũ khí nguy hiểm quay lại giết chết bản sắc và giá trị của một thành phố.
Thời Pháp, Đà Lạt được biết đến là thủ đô nghỉ mát, là đặc khu giáo dục, văn hóa, có ý hướng trở thành một thủ phủ của liên bang Đông Dương. Tuy nhiên, giấc mộng quy hoạch thành phố chỉ để làm nơi nghỉ dưỡng xa hoa đặc biệt cho sĩ quan người Pháp và người giàu có trên xứ An Nam (trong khoảng 1920-1945) đã tan vỡ.
Một góc Đà Lạt năm 1969 Ảnh: BILL ROBIE
Trước năm 1975, thành phố đại học và nghiên cứu hàng đầu của miền Nam này hằng năm đón số lượng lớn công chức, chuyên gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu, cộng tác trong hàng chục trung tâm nghiên cứu, trường học. Trong đời sống học thuật, thành phố kết nối trực tiếp với Sài Gòn và quốc tế. Chỉ tính thân nhân người học, người nghiên cứu, người đến tạm trú hợp tác về giáo dục và nghiên cứu thì các chủ cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống tại đây đã có thể sống được một cách nhàn nhã. Những “du khách” này thuộc thành phần trí thức trong xã hội nên cũng phù hợp với lối sống, tâm tính của thị dân, cung cách làm dịch vụ của người Đà Lạt – tao nhã, bặt thiệp, chân thành, coi trọng hiểu biết.
Các tuyến đường trung tâm ở Đà Lạt kẹt xe nghiêm trọng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 Ảnh: ĐÌNH THI
Áp lực của cái “tạp”, sự “đông” khi ấy chưa quá lớn. Bầu không khí tinh thần chung của thành phố còn dễ chịu, hài hòa.
Nhưng đã không còn đường lùi cho Đà Lạt khi một trong những nền tảng giữ gìn kháng thể thành phố – chức năng thành phố giáo dục, nghiên cứu, văn hóa – đã không còn. Thành phố được tư duy như một điểm đến thuần túy của giá rẻ và phục vụ số lượng lớn. Tất nhiên, đi cùng với đó là khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm cùng với tốc độ nhập cư ồ ạt, quy hoạch tùy tiện khiến cái “hệ hình” một thành phố sang trọng trong quá khứ bị triệt tiêu đau đớn từng ngày.
Lối tư duy thực dụng của du lịch số đông đã ăn mòn cái lãng mạn thơ mộng, san phẳng tài nguyên thiên nhiên và nhân văn làm nên tầm vóc đô thị trong quá khứ. Thay vào đó là muôn hồng ngàn tía của cờ phướn và hội hè, của phấn son lòe loẹt. Trong bối cảnh đó, cái gì vốn sang thì phải kéo xuống thành rẻ mạt để tính đầu người, lượt khách. Làm giả đồ sang để bán số nhiều với mức giá rẻ, lấy sự hài lòng của số đông bao giờ cũng dễ dàng hơn tạo nên sự tinh tế, độc đáo và tao nhã chỉ phục vụ cho nhóm thiểu số cao cấp. Từ thập niên 1990 trở về sau, những nhà điều hành kinh tế, du lịch Đà Lạt đã chọn cái dễ để làm và hệ quả để lại cho thành phố là những hiện tượng mà ngày nay chúng ta thấy: môi trường xuống cấp, dịch vụ du lịch chụp giật, bạo lực, mánh mung, du khách thiếu ý thức bảo vệ tài nguyên, vẻ đẹp của nơi chốn…
Có hay không một giải pháp cân bằng khi hệ lụy của những thứ “quá độ” đang phơi bày trước mắt chúng ta những sự thật đau lòng?
Hiểu thành phố trong từng chiều kích, đặc biệt là hiểu lịch sử văn hóa đô thị và chậm lại, gạt bỏ những toan tính trọc phú, tiết chế được các mục tiêu đầu tư hãnh tiến để xây dựng lại một hệ hình phát triển phù hợp với bối cảnh xã hội tri thức thì Đà Lạt sẽ được cứu phần nào trong tương lai.
Cũng đã muộn để quay về xây dựng trở lại mục tiêu về một đô thị nghiên cứu, tri thức, công nghệ, văn hóa thay vì chăm chăm vào du lịch giá rẻ. Nhưng điều này có thể làm được, nếu những người nắm “quyền sinh sát” thành phố này hiểu giá trị nền tảng đặc thù Đà Lạt đặt trong tương quan với các đô thị phát triển, văn minh trên thế giới để có thể có sự sáng suốt, quyết liệt, đột phá trong chiều hướng phát triển.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người lao động