Gần một năm trước, vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc cùng bạn là Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ đã được tạm đình chỉ để bổ sung 9 yếu tố theo yêu cầu TAND TP.HCM. Sau một thời gian dài im ắng, dư luận đang băn khoăn: liệu vụ án có bị “rơi vào quên lãng” sau quyết định tạm đình chỉ để điều tra bổ sung? Xung quanh vấn đề này, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, công ty Luật Đại Nam, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội.
– Thưa luật sư, hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về thời hạn điều tra bổ sung sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án? Cụ thể trong vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, thời gian đã gần 1 năm, nhưng đến nay chưa có bất cứ thông tin nào từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, công ty Luật Đại Nam, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Về thời hạn điều tra bổ sung sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án, Bộ luật TTHS năm 2015 có hiệu lực (1/1/2018) quy định về thời hạn điều tra bổ sung, cho các cơ quan thi hành tố tụng rất chặt chẽ. Việc này để tránh tình trạng giam giữ bị can, bị cáo quá hạn luật định hoặc bị oan sai.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì: “Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.”
Về việc tạm đình chỉ vụ án, trong thực tế tình huống này có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí tới khi bị can chờ đợi tới già và chết đi mà vẫn chưa có quyết định phục hồi điều tra hay đình chỉ vụ án. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo, bị can trong vụ án.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì thời gian điều tra bổ sung được quy định như trên. Tuy nhiên, còn 9 vấn đề do tòa yêu cầu điều tra bổ sung chưa được làm rõ, không thể xác định chính xác thời hạn hoàn thành. Chính vì vậy, Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định về thời gian tạm đình chỉ vụ án, chính vì vậy, nên vụ án chưa có thông tin mới.
– Chưa biết kết quả của việc điều tra bổ sung như thế nào, nhưng các đối tượng liên quan trong vụ án đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ với cuộc sống hàng ngày bởi các quyết định tố tụng, khi mang trong mình “thân phận” bị can. Pháp luật đã có quy định gì về trách nhiệm của các Cơ quan tiến hành tố tụng để ảnh hưởng tới cuộc sống của các bị can trong trường hợp này hay chưa?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn : Đương nhiên khi là bị can của vụ án, các đương sự đó sẽ bị hạn chế một số quyền vì vậy cuộc sống có khó khăn. Dù được tại ngoại, vụ án đang tạm đình chỉ điều tra, nhưng cả Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vẫn mang thân phận bị can. Lý do tạm đình chỉ theo cơ quan điều tra là 9 yêu cầu điều tra bổ sung tòa đưa ra, cơ quan điều tra không làm kịp trong thời gian 1 tháng theo luật định nên tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định và xác minh, làm rõ. Việc tạm đình chỉ là của cơ quan tố tụng nhưng sẽ gây khó khăn cho các bị can khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú và xuất ngoại. Nếu như tạm đình chỉ lâu dài thì mà không thay đổi quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú thì cuộc sống của các bị can sẽ bị ảnh hưởng. Khi vụ án được tạm đình chỉ thì Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vẫn mang thân phận bị can, không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là kết luận cuối cùng (thông qua bản án, hoặc quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng) là các bị can có tội hay không; Nếu có tội thì việc bị hạn chế các quyền công dân (như tạm giam) được tính trừ đi trong hình phạt; Còn trong trường hợp không có tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại cho các bị can dù là tại ngoại theo thời gian bị truy tố.
– Thưa Luật sư, Pháp luật có quy định như thế nào về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp các cơ quan này “trì hoãn” không đình chỉ, khiến cho vụ án tiếp tục kéo dài, bị can tiếp tục cam phận “mang án” trước dư luận xã hội, trong khi vì lý do khách quan , có thể việc điều tra bổ sung không mang lại kết quả gì để giải quyết dứt điểm?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn : Dùng thuật ngữ “trì hoãn” có hàm ý là cố ý kéo dài vụ án. Theo quan điểm của cá nhân tôi việc trì hoãn của đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ điều tra là khó vì việc điều tra phải tuân thủ quy tắc được quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BCA của Bộ Công An. Theo đó, việc điều tra vụ án chịu sự theo dõi chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp của đơn vị được phân công điều tra và của cơ quan cấp trên. Mặt khác việc điều tra còn bị giám sát bởi Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp nên việc cố ý kéo dài vụ án là khó thực hiện được, nếu không muốn nói là không thể.
Tuy nhiên, trong thực tế, về nguyên nhân án tạm đình chỉ là do nhiều vụ án có tính chất phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức tố tụng, hay còn phụ thuộc vào các kết quả, kết luận của các cơ quan chuyên môn khác (cơ quan giám định, thẩm định…). Mặt khác cũng không loại trừ trong một số vụ án, năng lực của các Điều tra viên còn hạn chế khiến vụ án bị kéo dài khiến nhiều người cho rằng cố ý trì hoãn.
Pháp luật không quy định, nhưng hiện nay, để khắc phục án tạm đình chỉ cũng như qua đó nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án theo luật định, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã tổ chức tham luận về việc khắc phục án tạm đình chỉ, đạt được một số kết quả nhất định.
– Nếu việc “trì hoãn” nêu trên có nguyên nhân chủ quan từ người tiến hành tố tụng thì pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của họ?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Như đã trình bày trên, nếu việc “trì hoãn” có nguyên nhân chủ quan từ người tiến hành tố tụng thì Thủ trưởng trực tiếp của họ phải thay đổi người tham gia tố tụng. Chắc chắn là với nguyên nhân chủ quan đó thì CQ chủ quản sẽ căn cứ vào nguyên nhân, hậu quả sẽ có biện pháp xử lý thích đáng theo quy định của Pháp luật.
Theo điểm b, khoản 1, điều 160 Luật tố tụng hình sự về Tạm đình chỉ điều tra quy định: “Trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả”.
Trong trường hợp vụ án Trương Hồ Phương Nga và ở nhiều vụ án hình sự từ trước đến nay cũng đang xảy ra vấn đề tương tự, tức là: quyết định tạm đình chỉ không xác định rõ về thời hạn. Theo ông, liệu đây có phải là “khoảng trống pháp lý”, dễ dẫn đến việc lạm dụng để “bỏ ngỏ” vụ án? Và nếu tham gia góp ý sửa đổi pháp luật về vấn đề này, theo Luật sư, nên quy định theo hướng như thế nào?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi,nhiều vụ án bị bỏ ngỏ là do con người chứ không phải do Pháp luật còn khoảng trống.
Việc vận dụng không đúng, không đủ các nguyên tắc dẫn tới cái mà nhiều người cho là “khoảng trống pháp lý”. Tôi lấy ví dụ đơn cử như trong 1 vụ án, các quy định về trả hồ sơ điều tra bổ sung được quy định rất đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều vụ án Tòa án không áp dụng quy tắc suy đoán vô tội khi các bằng chứng không đủ chứng minh tội phạm mà thay vào đó là trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thậm chí số lần trả hồ sơ vượt quá quy định của Pháp luật. Sự thật là nhiều vụ án phức tạp các cơ quan tiến hành tố tụng có hiện tượng “đùn đẩy” nhau dẫn tới việc vụ án kéo dài.
Nếu được tham gia góp ý sửa đổi pháp luật về vấn đề này, theo tôi thay vì cả 3 cơ quan tiến hành Tố tụng đều có thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ vụ án bằng 1cơ quan duy nhất đó là Tòa án. Việc này không những ngăn chặn được việc “đá bóng” sang nhau mà nó còn làm cho Viện Kiểm sát, đặc biệt là cơ quan điều tra phải hết sức thận trọng khi ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của mình.
– Xin cảm ơn Luật sư đã chia sẻ!
Theo Hoàng Nhung/Đời sống pháp luật