360 độ Giải trí Văn hóa - Đời sống - Ẩm thực

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang giải thích tính cách hào sảng của người dân Nam Bộ

Trong tập 64 chương trình ‘Kính đa chiều’, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang giải thích lý do hình thành nên tính cách hào sảng, phóng khoáng và đầy nghĩa tình của người dân Nam Bộ. Bên cạnh điều kiện địa lý và sản vật thiên nhiên ưu đãi, người dân Nam Bộ còn trọng tình nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau những khi khó khăn, thời tiết khắc nghiệt.

Người Nam Bộ nổi tiếng hào sảng, chân chất và phóng khoáng. Họ có lối sống giản dị, mộc mạc, đầy nghĩa tình. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cũng là người Nam Bộ chính gốc khi sinh ra và lớn lên ở ngay cửa ngõ miền Tây Nam Bộ – tỉnh Tiền Giang. Khách mời chương trình “Kính đa chiều” tự hào giới thiệu bản thân: “Tôi chính xác là người Nam Bộ, uống nước của Nam Bộ, chịu cái nắng cái mưa của Nam Bộ”.

Trước khi đến với những nét tính cách đặc trưng của người Nam Bộ, diễn giả Hồ Nhựt Quang tóm tắt sơ lược về dòng chảy lịch sử hình thành Nam Bộ.

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, Nam Bộ là vùng đất do những người từ Bắc Việt và những người từ vùng đất ngũ Quảng miền Trung khai hoang cách đây khoảng 300 năm về trước. Nơi họ đến đầu tiên là xứ Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) khai khẩn thành vùng đất thịnh vượng. Với vốn liếng kinh nghiệm nông nghiệp của vùng Bắc Việt, họ dùng phương pháp sơn điền để trồng trọt.

“Họ đốt rừng để có tro rồi chọt lỗ để làm nên đồng nên ruộng. Đó là phương pháp sơn điền. Từ đó kinh tế thịnh vượng và hình thành Cù lao Phố (thuộc khu vực phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa ngày nay). Sau này Cù lao Phố có những biến cố nên người dân đi tìm vùng đất khác để kiến tạo cơ đồ”, diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết.

Rời vùng đất đồi núi, họ đến với vùng trũng và phải làm cỏ để canh tác ruộng. Phương pháp này gọi là thảo điền. Chiếc nón của người dân Vũng Tàu ngày nay hay dùng có hai màu trắng và nâu đan vào nhau tượng trưng cho hai phương pháp thảo điền và sơn điền. Trong đó, màu trắng là màu lá buông chỉ có ở vùng Bình Tuy, Xuân Lộc của Đông Nam Bộ, lá vàng là của vùng thảo điền đất phèn mới có.

Vốn là người con của Nam Bộ, diễn giả Hồ Nhựt Quang giải thích chi tiết về tính cách nổi bật của người dân nơi đây.

“Chúng ta còn có vùng tiểu khu vực TP.HCM như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM. Hơn 300 năm trước có sự hội lưu của một số dân tộc, đặc biệt những người kinh từ miền ngoài vào, sau đó có thêm người Hoa, người Khmer, người Chăm,… Đó là sự hòa quyện và được mỗi người tôn trọng vì đây là vùng đất của lưu dân”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang giải thích.

Nam diễn giả cho biết thêm lưu dân là tên của 5 tội đồ thời phong kiến. Thuở xưa, có 5 tội gồm xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Xuy nghĩa là đánh bằng roi, trượng là đánh bằng gậy, đồ là lao dịch khổ sai, lưu là đánh xong rồi đày đi xa, tử là giết chết. Lưu dân là những người gặp đường cùng, vì hoàn cảnh khắc nghiệt của phong kiến nên họ muốn tìm vùng đất sinh sống cho bản thân và con cháu thế hệ mai sau.

“Họ sống chan hòa với thiên nhiên, với tình người, họ cũng có sự khát khao hạnh phúc thịnh vượng, nên họ hiếu khách, vui vẻ và có tính khôi hài để làm cuộc sống bớt nhọc nhằn khó khăn”, nam khách mời “Kính đa chiều” chia sẻ.

Ngoài tính hiếu khách, người Nam Bộ còn có tính cách thích nói chơi. Diễn giả Hồ Nhựt Quang lấy ví dụ để mời nước một người đang cuốc đất ngoài đồng, thay vì nói chuyện cung cách theo người miền Bắc, Trung mời anh vào xơi nước hay dùng tiệc trà thì người Nam Bộ sẽ nói rằng: “Anh ơi, bỏ cái cuốc đó vô ngồi uống trà nói dóc chơi anh ơi!”. Nói dóc là nói chuyện phiếm, chuyện khôi hài để gây cười.

“Có nghĩa trong tiệc đó không cần phải nghiêm túc quá mà làm sao uống chung trà có thi vị, lạc quan, niềm vui cuộc sống, gắn kết sợi chỉ đỏ để tình người quyện chặt với nhau. Đó là tính cách của người Nam Bộ”, diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Đạo diễn Lê Hoàng thắc mắc những tính cách hào sảng, hài hước, phóng khoáng của người Nam Bộ có phải hình thành dựa trên vùng đất dễ sống vì được thiên nhiên ưu đãi hay không?

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho rằng đó là một phần hình thành nên tính cách của người Nam Bộ nhưng không phải hoàn toàn. Theo nam diễn giả, Nam Bộ là vùng đất trù phú, tối chỉ cần cắm câu là sáng có cá. Người nông dân nghèo không có ruộng rẫy vẫn có thể đi mót lúa sau mùa thu hoạch. Mỗi ngày có thể mót được 10kg lúa.

“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 16/4 trên kênh VTV9.