Vào 20h tối ngày 5/4 tại Khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra Lễ khai mạc “Festival Văn hóa truyền thống và Giao lưu văn hóa quốc tế 2019”.
Chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa lớn nhất từ trước đến nay, tái hiện tổng hòa các loại hình nghệ thuật và văn hóa truyền thống Việt; giao lưu văn hóa quốc tế tại Thủ đô Hà Nội.
Đến dự Lễ khai mạc có GS.TS Khoa học Lê Quân – Thứ trưởng Bộ Lao LĐTB&XH; Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TW Nguyễn Văn Thạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp; Viện trưởng Viện Lý học phương Đông – TS Cao Xuân Nguyên; Trưởng Ban tổ chức – Chủ tịch Tập đoàn Queen Group Hồ Như Quỳnh.
Về phía các nước tham gia Festival có: Ông Salama – Phó Trưởng đoàn ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam Sandi; ông Daniel – Tham tán sứ quán Bulgaria tại Việt Nam; ông Craig Chittick – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam; Cùng Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Hội, Hiệp hội Trung ương, Ban Quản lý di tích Hoàng Thành, các cơ quan truyền thông… và hàng ngàn người dân đến tham gia Lễ hội.
Lễ hội diễn ra từ ngày 5/4 đến hết ngày 9/4 tại khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội. Với 5 ngày diễn ra sự kiện, ngoài những triển lãm giới thiệu sản phẩm Việt còn có sự tham gia đặc biệt giao lưu văn hóa và kinh tế của 30 đại sứ quán các nước.
Bà Hồ Như Quỳnh – Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch CLB bảo tồn và phát triển văn hóa di sản Việt cho biết: “Ban tổ chức xây dựng “Festival Văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa Quốc Tế 2019” với kế hoạch bảo tồn, lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống, tái hiện lại nét văn hóa xưa, nhằm gợi nhớ tinh thần dân tôc. Không những vậy, sự kiện còn là sợi dây kết nối tinh hoa dân tộc Việt và xây dựng tình hữu nghị văn hóa Quốc tế.”
Tổng đạo diễn Vạn Nguyễn cho biết, xuyên suốt 5 ngày diễn ra Festival với quy mô lớn, ngoài những thiết kế không gian mang đậm nét Việt, tái hiện cảnh làng cổ, chợ xưa, cây tre, giếng nước, mái đình, làng nghề, hoàng cung, con đường nón và các loại hình văn hóa dân gian…
Bắc Bộ Việt Nam với vô số những thành tố văn hóa mà trong đó mảng văn hóa phi vật thể có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đã được nhà nước công nhận là các di sản quan trọng, đặc biệt có những loại hình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc – Unesco công nhận, trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, thực sự là những vốn quý vô giá, càng khẳng định Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc là nền tảng và động lực phát triển bền vững, đưa đất nước vươn mình cất cánh trên tầm cao của thế kỷ.
Là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn liền với Đạo Mẫu Việt Nam, hát văn đã và đang ngày càng trở thành một trong những hình thức diễn xướng dân gian được yêu thích, quan tâm và mến mộ. Với sự kết hợp hài hòa, phong phú và sinh động giữa tiết tấu, giai điệu, lời hát, các động tác cử chỉ, sự biểu cảm trên khuôn mặt và những trang phục vô cùng đặc sắc.
Chương trình còn có những hội thảo và tọa đàm văn hóa phong thủy, nghi lễ thờ cúng, nghi lễ đạo Mẫu, nghi thức trầu văn, hầu đồng
Văn hóa xứ Huế được bồi tụ qua hàng trăm năm để hôm nay Huế mang trong mình những di sản thế giới tiêu biểu như Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn,… và nhất là những bài dân ca xứ Huế vang vọng trên sông Hương bập bềnh cùng những ngọn đèn hoa đăng đầy thơ mộng. Ca Huế đã trở thành một nét văn hóa tiêu biểu mà bất cứ ai khi một lần ghé qua nơi này đều say đắm và nhớ mãi không quên.
Tại tuần lễ “Festival Văn hóa truyền thống Việt và giao lưu quốc tế 2019” có dựng rạp chơi bài chòi, đây là trò diễn tổng hợp của nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo của ông cha xưa còn lại đến ngày nay. Ngoài ra còn giới thiệu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Một thứ âm thanh đầy mê hoặc, khi thì ngân nga sâu lắng, khi lại thôi thúc trầm hung, âm thanh hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người nơi đây.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, “Festival Văn hóa truyền thống Việt và giao lưu quốc tế 2019” chắc chắn sẽ là một điểm sáng trong các hoạt động văn hóa nổi bật của Thủ đô trong tháng 4 này.
Chương trình còn có màn đấu giá gây quỹ từ thiện
Lễ hội là nơi hội tụ gần 300 doanh nghiệp, cá nhân của 63 tỉnh, thành trong cả nước với 300 gian hàng tiêu chuẩn và dự tính sẽ thu hút khoảng 80.000 đến 100.000 lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan lễ hội.
Với quy mô của tuần lễ kéo dài từ ngày 5/4 tới 9/4, nơi đây sẽ là điểm hội tụ của những giá trị văn hóa nghệ thuật kết tinh qua hằng thế kỷ của ba miền Bắc – Trung – Nam.
TH