360 độ

Khi người khuyết tật tự bảo vệ mình trước bạo lực tình dục

Vừa qua, các thành viên của chương trình Sáng kiến thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á (YSEALI) cùng sự hỗ trợ của Hội người khuyết tật Hà Nội, UNDP và Đại sứ quán Mỹ đã hoàn thành 3 ngày tập huấn phòng chống bạo lực tình dục mang tên “Nữ chiến binh” (XX Heroes) cho phụ nữ khuyết tật tại Hà Nội. Không còn ở thế yếu, chương trình sẽ đem đến kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để người khuyết tật chủ động bảo vệ chính mình và người khác.

“Nữ chiến binh” là chuỗi chương trình phòng chống bạo lực tình dục dành cho người khuyết tật. Năm 2019, 40,5% phụ nữ khuyết tật đã phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực tình dục, 85% phụ nữ khuyết tật bị hạn chế hiểu biết về vấn nạn này. Thực trạng đó đã thôi thúc các thành viên của mạng lưới YSEALI bao gồm luật sư Ngọc Lan (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Quản Trị GES), thạc sĩ Minh Châu (Giảng viên kỹ năng song Hội người khuyết tật Hà Nội), Nguyễn Hoàng An (Quản lý truyền thông – sáng tạo nest by AIA) và Nguyễn Khánh Linh (sinh viên Luật) đã nung nấu và thực hiện. Nếu người khuyết tật luôn bị cho là yếu đuối, đáng thương thì trong dự án, họ được ví như những nữ chiến binh, đủ khả năng bảo vệ chính mình và người khác. Ngoài ra, các học viên sẽ được hướng dẫn để sử dụng các loại hình truyền thông, nghệ thuật để truyền tải nội dung tập huấn đến cộng đồng.

Trong ba ngày tập huấn, người tham gia đã được tìm hiểu kiến thức, cung cấp các kỹ năng phòng vệ trước bạo lực tình dục. Ở ngày đầu, luật sư Ngọc Lan đã truyền đạt những hiểu biết về các công ước, quyền dành cho người khuyết tật – những giá trị mà chính họ cũng chưa nhận biết được.

Thạc sĩ Minh Châu tâm sự: “Không nhận ra giá trị của bản thân là một lý do khiến người khuyết tật không chủ động trong cuộc sống, nhờ cạnh vào sự hỗ trợ từ cộng đồng. Do đó, cộng đồng chưa thể hiểu hết về năng lực của họ”. Ngày thứ Hai, các học viên được tìm hiểu định nghĩa đúng về quan hệ tình dục đồng thuận, các dấu hiệu quấy rối, bạo lực tình dục và cách chống trả. Sau đó, các học viên sẽ được chọn 4 loại hình nghệ thuật bao gồm nhiếp ảnh, kịch, hát múa, thời trang để lan toả nội dung mình đã lĩnh hội đến công chúng cùng sự hỗ trợ của các huấn luyện viên. Mặc cho những hạn chế về chức năng, các học viên vẫn tranh luận, trình bày ý tưởng và hành động khi đặt mình vào các tình huống giả định. Các học viên nam cũng tham gia chương trình để hiểu hơn về tâm lý, những khó khăn và hỗ trợ phụ nữ khi gặp bạo lực tình dục. Tại đây, họ đã được hoà vào một không gian bình đẳng khi các anh chị em khuyết tật lẫn không khuyết tật cùng nhau học hỏi, tranh luận và thực hành kỹ năng.

Thành viên Hoàng An chia sẻ: “Bên cạnh kiến thức và kỹ năng chính, chúng tôi hy vọng sẽ giúp người khuyết tật tự tin nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình, chủ động thay đổi định kiến của cộng đồng bằng năng lực, sự cố gắng”.

Hiện nay, các học viên thuộc cộng đồng người khuyết tật của chương trình “XX Heroes – Nữ chiến binh” đang gấp rút lên ý tưởng để tiến hành thực hiện các sản phẩm nghệ thuật gửi đến công chúng.

AC