360 độ

Nghề đạo diễn – khó học, khó làm

Người làm nghệ thuật hôm nay, nhất là đạo diễn trẻ, gian nan, vất vả hơn trên con đường chinh phục công chúng. Dù điện ảnh hay sân khấu, để gắn bó và sống được với nghề, các đạo diễn trẻ càng phải nỗ lực, lăn xả để mong tìm được chỗ đứng, khẳng định vị trí trong làng nghệ thuật.

Cảnh trong vở Bao giờ mẹ lấy chồng của đạo diễn Ngọc Hùng

Tự thân vận động

Trong khi sinh viên lớp diễn viên học diễn xuất bằng quan sát kỹ các động tác, biểu cảm của từng thầy cô, cộng thêm năng khiếu cá nhân để phát huy khả năng thì ngành học đạo diễn lại nhiều gian nan. Những kiến thức nền trong 4 năm học khá nặng, đến khi ra trường, vẫn không chắc chắn có làm được nghề hay không.

Hiện nay, công tác đào tạo ngành đạo diễn ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM và Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM đáng báo động khi mà sinh viên đăng ký dự thi ngành đạo diễn vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP không đủ điểm, nhiều bạn chạy sang thi đầu vào trường cao đẳng. Học được 1 năm, 2 năm, lại tiếp tục nộp hồ sơ thi vào ngành đạo diễn trường đại học, và nếu đậu, sẽ bỏ học cao đẳng. Số lượng tuyển đầu vào hàng năm của cả hai trường không cao.

Mỗi lớp học đạo diễn cũng gói gọn khoảng 10 người. Nhưng số lượng theo thời gian cứ rơi rụng dần, vì không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện (kinh tế, năng khiếu, sức sáng tạo…) để đeo đuổi đến cùng ngành học. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp các khóa đạo diễn khi ra trường chỉ còn khoảng 1/3 so với số lượng tuyển chọn đầu vào. Đội ngũ này, khi ra trường vẫn có rất ít bạn được làm nghề đúng ngành học, một số ít cố gắng tìm chỗ đứng trong các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện để có thể phát huy được chút vốn kiến thức đã học.

Đạo diễn Ngọc Hùng chia sẻ: “Học đạo diễn là học vai trò người tổng chỉ huy. Người đạo diễn phải nhìn được tổng thể: kịch bản, thiết kế sân khấu, âm nhạc, diễn viên… để hoàn thành tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nghề thuộc về năng khiếu, không phải cứ học là làm được. Theo tôi, tố chất cần có của một đạo diễn là sự lanh lợi, cái nhìn tổng quan. Thực tế cho thấy, đạo diễn học ra trường cũng nhiều, nhưng để có thể gắn bó với nghề thì rất ít. Khóa tôi học (15 người) ra trường chỉ có vài người theo đuổi và gắn bó với nghề như Bùi Quốc Bảo, Nguyễn Thu Phương, Đình Toàn, Đỗ Đức Thịnh, Phi Nga, Châu Hùng Lâm… còn lại, các bạn đều đi làm nghề khác”.

Đạo diễn Nguyễn Hà chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong phim Thử yêu rồi biết

Ở lĩnh vực sân khấu, các sân khấu kịch xã hội hóa hoạt động bấp bênh, chìm nổi; sân khấu cải lương truyền thống lại càng eo sèo với vài suất diễn sáng đèn trong cả năm. Vậy đạo diễn trẻ sân khấu sau khi ra trường tìm đâu được một bến đậu?

Sân khấu hiện nay vẫn chưa có những phương tiện kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu hoạt động phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới. TPHCM vẫn chưa có một sân khấu thực sự đúng chuẩn, phát triển như nước ngoài.

Trong khi sân khấu nước ngoài có thể dàn dựng những chương trình mang tính vĩ mô, có thể thiết kế hồ nước hay những ngọn núi trên sân khấu để diễn viên diễn pha hành động nhảy từ trên cao xuống…, thì sân khấu TP hiện nay, đa số các sân khấu kịch xã hội hóa đều phải đi thuê mướn mặt bằng làm sân khấu. Cơ sở vật chất thuê mướn, sửa sang kiểu chắp vá, nên nếu có sự sáng tạo nào đó của đạo diễn cũng chỉ là mang tính thử nghiệm. Trong khi, khán giả hôm nay luôn mong chờ các sân khấu có nhiều phương tiện kỹ thuật hơn, giúp đạo diễn được sáng tạo vùng vẫy hơn với nghề.

“Sân khấu kịch tại TPHCM hiện không nhiều, mỗi sân khấu đều có đạo diễn riêng, theo phong cách riêng. Như vậy, đạo diễn trẻ muốn có cơ hội bước chân vào sân khấu, trước hết cũng phải tự thân vận động, sau đó tích lũy, rồi mới dần chạm tay vào nghề”, đạo diễn Ngọc Hùng cho biết thêm.

Cơ hội song hành thách thức

10 năm thai nghén ý tưởng, 5 năm cho phần kịch bản, 3 năm chuẩn bị sản xuất, 2 năm chuẩn bị kỹ xảo, 1 năm hậu kỳ kỹ xảo, 6 tháng hậu kỳ âm nhạc cùng 26 tỷ đồng chi phí sản xuất và quảng bá, là những con số cho thấy sự dày công của ê kíp bộ phim 11 niềm hy vọng (ra rạp 11-5). Lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn, cái tên Robie Trường khá xa lạ với khán giả điện ảnh Việt.

Anh chia sẻ: “Ai cũng nói bóng đá là đề tài khó để làm phim, nhưng động lực lớn nhất của tôi và ê kíp là tình yêu dành cho bóng đá Việt Nam, niềm tự hào khi là một người con đất Việt và hơn hết là niềm tin của hàng triệu người hâm mộ Việt”. Rõ ràng, với một đạo diễn mới bước chân vào lĩnh vực điện ảnh, đây vừa là thử thách, vừa là tự làm khó mình.

Chỉ tính riêng trong tháng 5, cả 3 bộ phim ra mắt đều là các tác phẩm đầu tay độc lập của các đạo diễn trẻ. Ngày 11-5, đạo diễn Ngọc Hùng – “ông bầu” mát tay của Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng chuyển thể vở kịch khá thành công Ma nữ si tình lên màn ảnh rộng với tên gọi Yêu nữ siêu quậy.

Từng đứng chung với Khương Ngọc trong vai trò đồng đạo diễn của Yêu là phải xài chiêu, nhưng đây là lần đầu Ngọc Hùng đảm nhận vị trí đạo diễn độc lập. Một dự án khác được ra mắt vào cuối tháng 5 là Nhắm mắt thấy mùa hè, cũng là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi.

Nếu lấy mốc điểm từ tháng 1-2018, các dự án điện ảnh đầu tay của các đạo diễn trẻ cũng nở rộ. Có thể kể đến: Đỗ Nam (Ở đây có nắng), Nguyễn Hà (Thử yêu rồi biết), Trương Quang Thịnh (Hạ cuối tình đầu), Nguyễn Hoàng Anh (Về quê ăn Tết)… Sau mốc 1-6, trào lưu này cũng tiếp tục nở rộ với: Kawaii Tuấn Anh (Em gái mưa), Hữu Hoàng (Ống kính sát nhân), Nguyễn Tiến Thành (First Love), Nguyễn Bá Cường (Thích là nhích)…

Dù mỗi đạo diễn chọn cho mình một thể loại hay một đề tài, cách thể hiện khác nhau, nhưng khi bước chân vào địa hạt điện ảnh, họ cùng phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi đã phải thuyết phục nhà sản xuất rất nhiều khi chọn các diễn viên trẻ, lần đầu đóng vai chính điện ảnh. Nhất là sau khi nữ diễn viên chính bỏ vai”.

Thành công trong vai trò một nhạc sĩ nhưng khi bước chân vào điện ảnh, chọn một đề tài đã quá quen thuộc với mình là thế giới showbiz, đạo diễn Nguyễn Hà vẫn thừa nhận: “Làm phim là quá trình quá khó khăn”.

Trong khi đó, Cao Thúy Nhi cũng mạo hiểm sang Nhật quay đến 90% bối cảnh cho Nhắm mắt thấy mùa hè. Khó khăn gấp bội phần, từ chọn bối cảnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tuyển diễn viên Nhật Bản, lo thủ tục giấy tờ và nhất là những khác biệt về văn hóa…

Trên những khó khăn đó, đã có những phim thành công và chưa thành công. Nếu Robie Trường được đánh giá cao ở sự chỉn chu, cầu toàn trong từng khung hình với 11 niềm hy vọng thì Nguyễn Hoàng Anh mang đến cho khán giả một món ăn đậm đặc không khí ngày xuân với Về quê ăn Tết. Trong khi đó, Nguyễn Hà, Trương Quang Thịnh, Đỗ Nam… lại bộc lộ nhiều hạn chế bởi sự non tay trong xử lý kịch bản, khiến câu chuyện phim thiếu đi kịch tính và sự trau chuốt.

Một thực tế khá rõ ràng, điện ảnh chưa bao giờ là cuộc dạo chơi nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, học hành bài bản và cả những trải nghiệm trong các vai trò khác nhau.

Một số gương mặt đạo diễn trẻ thành công với các tác phẩm đầu tay thời gian gần đây đã minh chứng điều đó.

Võ Thanh Hòa trước Bệnh viện ma từng học đạo diễn tại Singapore, làm phó đạo diễn, đạo diễn các phim truyền hình, sitcom và cả làm diễn viên. Luk Vân của 4 năm 2 chàng 1 tình yêu từng là thủ khoa Đạo diễn điện ảnh K8 (Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM).

Vũ Ngọc Phượng của 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, 100 Ngày bên em, từng có kinh nghiệm sản xuất MV, phim sitcom, học biên kịch tại Anh…

Nói như vậy để thấy rằng, những tay ngang điện ảnh cần rất nhiều sự chỉn chu, tâm huyết và phải tự làm khó chính mình trong những dự án đầu tay.

Theo Thúy Bình – Văn Tuấn/Sài Gòn Giải Phóng