Không ngoài dự đoán, MV “Kẻ cắp gặp bà già” vừa được phát hành của Hoàng Thuỳ Linh đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng, cụ thể MV đang ở vị trí Top 5 trending cùng hơn 2,2 triệu views sau 36 giờ phát hành. Sau những tác phẩm văn học, nàng “Mị” đã đưa 5 bức trang Hàng Trống nổi tiếng vào trong tác phẩm của mình một cách rất khéo léo.
Từ lâu, Hoàng Thuỳ Linh đã từng ước mơ một ngày nào đó sẽ tái hiện những khung cảnh lộng lẫy, hoành tráng trong giai đoạn phồn thịnh nhất của đất nước ở thời Lê vào các sản phẩm của mình. Đó là triều đại khởi nguồn của những nét đặc trưng về văn hoá vẫn trường tồn đến ngày nay, là giai đoạn mà những phường tranh, làng nghề bắt đầu xuất hiện. Cũng trong thời đại này, Bộ luật Hồng Đức đã ra đời với những điều lệ thể hiện sự tiến bộ, có cái nhìn công bằng hơn với phụ nữ.
“Kẻ cắp gặp bà già” chính là miền đất để Linh biến ước mơ kia thành sự thật. Trang phục của nữ ca sĩ và các diễn viên trong MV được lấy cảm hứng từ thời Lê. Không còn rào cản của thời đại, những bộ áo màu sắc nhất, tự do nhất, kì lạ nhất đã được ra đời. “Kẻ Cắp Gặp Bà Già” xoay quanh ván cờ Gánh – một trò chơi dân gian Việt Nam với hai đấu thủ là Vua và Hoàng hậu, những kẻ “đồng sàng dị mộng” ôm ấp những mục tiêu riêng của đời mình.
“Kẻ cắp gặp bà già” xoay quanh ván cờ Gánh – một trò chơi dân gian Việt Nam.
Các vòng đấu của Vua và Hoàng hậu diễn ra trên bàn cờ được tái hiện qua khung cảnh của những bức tranh Hàng Trống nổi tiếng có tuổi đời hàng trăm năm: “Đám cưới chuột”, “Vợ chồng Ngâu” (dựa trên tích Ngưu Lang Chức Nữ), “Thuý Kiều gặp Kim Trọng” và “Bà Chúa Thượng Ngàn”… Tất cả đều là những câu chuyện và hình ảnh gắn liền với tập quán, văn hoá của người Việt.
Tên tranh: “Bà Chúa Thượng Ngàn”.
Tên tranh: “Đám cưới chuột”
Tên tranh: “Cá chép vượt vũ môn”.
Tên tranh: “Thuý Kiểu gặp Kim Trọng”.
Tên tranh: “Vợ chồng Ngâu” (gắn với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ).
Đặc biệt, trong số 5 bức tranh trên, chắc hẳn nhiều khán giả đã nhận ra cái tên lẫn những hình tượng quen thuộc của bức “Đám cưới chuột”. “Đám cưới chuột” (hay “Trạng chuột vinh quy”) là tên của một trong những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đồng Hồ. Làng tranh dân gian Hàng Trống cũng có một tác phẩm mang tên “Đám Cưới Chuột”, tuy mang nhiều nét tương đồng về nội dung nhưng cũng có vài chỗ khác biệt trong bố cục.
Ngoài sự đóng góp quan trọng vào các loạt tranh tín ngưỡng như đạo giáo, nhất là đạo Mẫu (qua các tác phẩm tên tuổi như “Bà Chúa Thượng Ngàn”, “Tứ Phủ”…) hay loạt tranh đề tài văn học (như “Truyện Kiều”, “Thạch Sanh”…), tranh Hàng Trống còn phản ánh rõ nét sinh hoạt xã hội đương thời, nhất là về “văn minh tiến bộ” hay “khai hoá” trong xã hội thành thị thời xưa. Trong album “Hoàng”, Hoàng Thuỳ Linh cũng có hẳn cho mình một ca khúc mang tên “Tứ Phủ” với MV được đầu tư hoành tráng, tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu với các hình tượng được lồng ghép hài hoà và đầy khéo léo.
Làng tranh dân gian Hàng Trống cũng có một tác phẩm mang tên “Đám Cưới Chuột”, tuy mang nhiều nét tương đồng về nội dung nhưng cũng có vài chỗ khác biệt trong bố cục.
Riêng với “Kẻ Cắp Gặp Bà Già”, Hoàng Thùy Linh muốn thể hiện một khía cạnh khó nhất của người phụ nữ trong cuộc đời, đó là một người phụ nữ vừa tự chủ, nhưng vừa biết yêu thương. Hoàng hậu trong câu chuyện đã dành hết tâm sức để chiến thắng ván cờ của nhà Vua. Bắt đầu chỉ với hai cung nữ, Hoàng hậu đã có sau lưng rất nhiều bá quan văn võ, đổi lại phía sau nhà Vua là một sự trống vắng lạnh lẽo. Người đời có thể nhìn phụ nữ ở giai đoạn ấy như một kẻ từng trải, một người đủ bản lĩnh hay thậm chí là đầy mưu mô. Nhưng cũng là người phụ nữ ấy, sau khi đã trải qua đủ đắng cay và chấp nhận, sẽ hiểu rằng cô ấy không thể một mình.
Cuộc đấu trên bàn cờ của Vua và Hoàng hậu, với những thế cờ quyền lực, nhưng mục đích thật sự lại là tình yêu.
“Kẻ cắp” hay “bà già” đến cuối cùng không chỉ là hai đấu thủ ngang tài ngang sức, mà còn là thời điểm người ta tỏ rõ lòng mình nhất. Kì thực, điều Hoàng hậu mong muốn không phải là quyền lực hay ngôi trị vì, có dành cả một quãng tuổi trẻ để lấy được quyền lực đi chăng nữa, cũng là để được ở cạnh người cô yêu.
Được xếp ở vị trí cuối cùng trong dòng nội dung của album “Hoàng”, “Kẻ cắp gặp bà già” như một câu trả lời có đủ tính trải nghiệm và sự trưởng thành của một người phụ nữ với cuộc đời. Sau những sự nổi loạn, nhiệt thành của “Để Mị nói cho mà nghe”, sự trớ trêu của “Tứ Phủ” hay cảm giác vượt thoát, trưởng thành của “Duyên Âm” – những giai đoạn thay đổi quan trọng mà ai cũng sẽ đi qua trong đời thì với “Kẻ cắp gặp bà già”, người phụ nữ đã bình tĩnh hơn, thông minh hơn, quyết đoán hơn nhưng cũng dịu dàng hơn.